Sáng 9/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển”. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống tham nhũng 9/12, đồng thời hướng tới kỷ niệm 10 năm Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng chính thức có hiệu lực (2005-2015).

Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nêu rõ, tham nhũng cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; làm gia tăng sự đói nghèo; làm suy yếu các hệ thống y tế, giáo dục; phá hoại nền dân chủ; làm trầm trọng thêm sự bất công và bất bình đẳng. Đấu tranh chống tham nhũng là mối quan tâm toàn cầu bởi tham nhũng xảy ra ở cả những quốc gia giàu có lẫn nghèo khổ, nhưng người nghèo là nhóm người phải chịu sự tổn thương nhất.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, với mong muốn tạo một diễn đàn để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn về những nỗ lực đã, đang được thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực, những diễn giả tham dự cuộc tọa đàm đại diện cho nhiều thành phần khác nhau: sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ sẽ mang tới nhiều thông tin bổ ích về những nỗ lực đang được thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng hiệu quả, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, ổn định và phát triển bền vững. Những trao đổi, chia sẻ đó sẽ góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách thể chế hóa bằng pháp luật bảo đảm tính khả thi nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.

toa_dam_tr_bvdg.jpg
Diễn giả trình bày tham luận tại cuộc tọa đàm
Có thể thấy, các tham luận tại cuộc tọa đàm đã nhấn mạnh đến vai trò của người dân tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng.

Theo Tổ chức Hướng tới sự minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân trong phòng chống tham nhũng là phương pháp hiệu quả nhất đối với những nước mà nền quản trị còn yếu. Tham luận của Tổ chức này cũng chỉ ra rằng lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước đã chứng minh vai trò của người dân, lấy dân làm gốc. Do đó không thể chỉ dựa vào bộ máy nhà nước để phòng chống tham nhũng.

Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho biết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời xây dựng ý thức cho mọi công dân trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành thói quen văn hoá chống tham nhũng trong xã hội, vấn đề phòng, chống tham nhũng đã được đưa vào giảng dạy tại Học viện An ninh nhân dân.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhóm sinh viên đến từ Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại diện Dự án “Giảng đường tươi đẹp” đã giới thiệu cách tiếp cận mới đối với công tác phòng chống tham nhũng, đó là xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong mối quan hệ thầy trò: minh bạch, trong sáng, lành mạnh, góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng chống tham nhũng ở giảng đường đại học. Dự án bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cả sinh viên lẫn giảng viên về vấn đề nhạy cảm, ngại thảo luận và tranh cãi để dẫn tới thay đổi hành vi của họ là dám trao đổi thẳng thắn, hưởng ứng tham gia các hoạt động phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong giảng đường đại học.

Kết thúc cuộc tọa đàm, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ, những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành thời gian qua mới chỉ là bước đầu, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát huy hơn nữa vai trò của người dân, của các thành phần trong xã hội trong phòng chống tham nhũng.

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh trong tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, nhóm giải pháp về tăng cường sự tham gia của người dân, của xã hội sẽ được chú trọng phát huy./.