Chiều 29/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015; báo cáo kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2014 của Ban Chỉ đạo; Chương trình công tác trọng tâm năm 2015; báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương; báo cáo kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại một số Bộ, ngành Trung ương; báo cáo kết quả, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và khó khăn, vướng mắc của 16 vụ án, 4 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

tbt_pha_bieu_qzvq.jpg
Trong năm 2014, công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tích cực trên một số mặt như xây dựng và hoàn thiện thể chế; tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng; cải cách hành chính; hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng được tăng cường; vai trò của cơ quan dân cử, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng được phát huy.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc là không buông lỏng sự lãnh đạo nhưng cũng không làm thay các cơ quan chức năng, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng chủ động thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo thành lập 4 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 8 tỉnh là Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bạc Liêu.

Ban Chỉ đạo phân công 7 đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 7 Bộ, ngành Trung ương. Ngành Tòa án đã đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án, xét xử phúc thẩm 5 vụ án với mức hình phạt đủ nghiêm, có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Viện Kiểm sát đã có Cáo trạng truy tố 6 vụ án; Cơ quan điều tra đã có Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 vụ án và đang điều tra 7 vụ án.

Sau khi nghe ý kiến các thành viên thảo luận về tình hình thực hiện công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp. Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của các thành viên đánh giá những kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm qua trên cơ sở tiếp tục phát huy tốt những công việc đã làm được của năm 2013.

Tổng Bí thư nói: “Rõ ràng trong năm 2014, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả tích cực. Đó là nói chung. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng hoạt động tích cực, bài bản, bao quát được nhiều mặt và cũng khá toàn diện như các đồng chí đã đánh giá. Đồng thời chú ý một số khâu trọng điểm, một số việc lâu nay khó chúng ta chỉ ra. Cụ thể là công tác xây dựng thể chế, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh tiến độ xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến phòng chống tham nhũng. Công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng; kiểm tra, đôn đốc tiến độ thanh tra, điều tra, xem xét, xét xử, truy tố, thi hành án 2 năm qua làm bài bản và như các đồng chí đánh giá là các tác động tốt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong năm 2015, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra thì trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cần phải chú ý tới đặc điểm của năm tới khi các ngành, các địa phương tiến hành đại hội đảng bộ các cấp. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều phức tạp, khó khăn, phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết.

Đối tượng tham nhũng là người có chức có quyền, có kiến thức và hiểu biết về luật pháp, cơ chế sẽ tìm mọi cách để ngăn cản việc phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phải làm toàn diện nhưng đồng thời chú ý một số khâu trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những khâu còn yếu.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn phải tiếp tục làm toàn diện nhưng đồng thời chú ý một số khâu trọng tâm, trọng điểm, khâu còn yếu, nhất là khâu xây dựng thể chế, luật pháp vẫn còn tiếp tục. Ở đây có liên quan tới việc có ra một Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc này không. Tôi xin đề nghị thế này đây là công việc cần thiết có sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhưng mà phải nghiên cứu, tổng kết việc này, có đề án thì ta mới quyết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hay không cần để các cơ quan bên nhà nước thôi. Cái này ghi vào trong nội dung công việc là nghiên cứu, tổng kết, đề xuất vấn đề này. Khâu điều tra phải làm nhanh hơn nữa này; khâu chuyển từ chỗ thanh tra sang điều tra; khi có điều tra thì khởi tố thế nào. Chỗ này vẫn có vướng mắc. Sắp tới chúng ta phải tiếp tục cải tiến”.

Tổng Bí thư cũng đề nghị cần chú ý phát huy hiệu quả của việc kê khai tài sản, góp phần vào phòng, chống tham nhũng; chú ý có biện pháp đề phòng tham nhũng vặt, thúc đẩy để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại các địa phương, các ngành; Thực hiện tốt hơn nữa các cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo; định hướng công tác tuyên truyền, báo chí; phân công cụ thể hơn nữa vai trò của các thành viên; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc.

Tổng Bí thư cũng đồng tình với việc sẽ tiến hành sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào cuối năm 2015 để rút ra những bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Tổng Bí thư đề nghị với trách nhiệm nặng nề, từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải chủ động, tích cực, làm quyết liệt hơn để năm 2015 công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến  mới./.