Sáng 23/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2013.

vaci_tr_gdii.jpg
Hầu hết các đề án đạt giải tại VACI 2013 bước đầu phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn (Ảnh: Hoàng Long/báo Thanh tra)
Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng (VACI) là cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện các sáng kiến về tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm, giảm tham nhũng. Đây là cuộc thi Sáng tạo để tìm những đề án xuất sắc, sáng tạo đáp ứng các yêu cầu về nội dung, đối tượng, hình thức Chương trình đề ra và có tính khả thi cao, nhằm tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, góp phần giảm tham nhũng.

Hoạt động này là diễn đàn chính sách và kết nối, chia sẻ kiến thức pháp luật, tình hình, kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống tham nhũng cũng như những nội dung liên quan đến chủ đề tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, tập trung vào các nội dung như xây dựng nền hành chính phục vụ, tăng cường đạo đức công vụ, tăng cường minh bạch và quyền tiếp cận thông tin, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Năm 2013, Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng (VACI) có 24 đề án đạt giải. Trong đó, có nhiều đề án được triển khai ở vùng sâu, vùng xa, khu vực có đông đồng bào dân tộc như Hà Giang, Hòa Bình, An Giang...

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng (VACI) năm 2013; trong đó nhận định, chủ đề “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, giảm tham nhũng” đã thực sự có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư ở cấp cơ sở.

Đặc biệt, thông qua chương trình đã làm thay đổi nhận thức về vai trò của người dân trong các quyết định của chính quyền cấp xã, quy chế dân chủ cơ sở được phổ biến rộng rãi hơn. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện vẫn tồn tại một số hạn chế, như một số đề án chưa bám sát kế hoạch đã được phê duyệt, tính thiết thực và tính bền vững chưa cao. Đề án chưa quan tâm đến giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền và cơ quan quản lý ở địa phương.

Thời gian tới, chương trình cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, mở rộng các đề án về ứng dụng, đào tạo hướng đến đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, bên cạnh thúc đẩy có hiệu quả việc thực hiện các đề án, cần phải tổ chức, thực hiện chặt chẽ cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan để tạo tính bền vững cho chương trình này trong những năm tiếp theo.

“Đây là chương trình đòi hỏi sự hợp tác phối hợp chặt chẽ của nhiều bên, giữa chủ đề án, ban điều hành đề án với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà đề án đó thực hiện và cơ quan quản lý ở địa phương. Chúng tôi đánh giá, không chỉ VACI 2013, mà ngay cả những chương trình VACI trước thì các đề án đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác giữa các bên liên quan, do đó, đến giờ này, các đơn vị, các bên liên quan triển khai thực hiện chương trình VACI rất tốt”./.