Những ngày này, hàng nghìn người dân từ khắp các địa phương tiếp tục tìm về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để tưởng nhớ vị Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp. Đến nhà riêng của Đại tướng, ai cũng ngỡ ngàng, xúc động trước những vật dụng bình dị như chiếc ghế mây, bàn gỗ, chứ không cần đến những bộ sô-fa đắt tiền.

Đôi mắt đã mờ, mái tóc đã bạc, nhưng bà Phạm Kim Dung – nữ văn công của Sư đoàn 308 anh hùng ngày nào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

d7.jpg
Ông Nguyễn Huyên, thư ký tướng Giáp kể từ năm 1976 giới thiệu từng kỷ vật trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu

Đó là năm 1954, một chiến sỹ cấp dưới như bà không thể hình dung nổi vị Đại tướng lừng danh lại bình dị đến thế. Chiếc áo bộ đội bình dị, bạc màu, không có quân hàm, nhưng đôi mắt Đại tướng ngời sáng, cử chỉ gần gũi, thái độ rất chan hòa với cấp dưới.

Hôm nay vào lại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, bà Dung một lần nữa xúc động vô cùng trước sự giản dị tại nơi mà gia đình Đại tướng đã sống hơn nửa thế kỷ. Bà Phạm Kim Dung nhớ lại: “Đại tướng rất yêu quý chiến sỹ, bộ đội nào Đại tướng cũng quý. Chúng tôi bao giờ họp văn công toàn quân là Đại tướng cũng đến, ngồi dự và sau đó ăn với chúng tôi”.

Nhiều câu chuyện cảm động về vị Tướng của nhân dân được những người thân cận kể lại. Ít ai có thể nghĩ được rằng, một vị Đại tướng, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngần ngại cùng ăn trưa với một gia đình nghèo trong căn nhà lụp sụp, mặc dù bữa trưa ấy chỉ có một chút cơm trắng và hai quả trứng luộc.

Đại tướng ăn uống rất dung dị, món ăn thích nhất là thịt kho trứng và nhiều món ăn từ quê hương Quảng Bình như bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đại tá Nguyễn Văn Nhựa, bác sỹ riêng cho Đại tướng suốt 21 năm vẫn rơi nước mắt mỗi khi nghĩ đến thời gian Đại tướng điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108.

Ông kể: Khi nào tôi đến thăm, Đại tướng cũng giơ tay chào. Tôi hỏi là đêm qua anh ngủ có được không, anh có mệt không, thì sau đó, Đại tướng lại hỏi tôi thế chú có khỏe không. Suốt cuộc đời, Đại tướng luôn quan tâm, gần gũi với mọi người như thế.

“Đợt đi thành phố Hồ Chí Minh, đi có xe cảnh sát bảo vệ. Tôi ngồi trong xe thì bác bảo, anh Nhựa ơi tôi muốn vào chợ. Xe công an thì đi trước rồi, mà tự nhiên xe bác dừng lại vào chợ thì công an rất lo phải xuống đi để dẹp đường. Bác bảo là không phải làm gì cả và bác tự đi bộ vào trong đó. Bác chỉ muốn xem ở chợ người ta mua bán thế nào chứ thực tế bác cũng không mua gì” – ông Nhựa kể lại.

Đại tá Nguyễn Huyên, người trợ lý suốt 40 năm cận kề bên Đại tướng kể: Mặc dù bận rộn nhưng Đại tướng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp những người dân bình thường nhất. Một lần, có người thương binh đến cổng xin được gặp Đại tướng, do chưa có lịch hẹn nên anh em khá băn khoăn. Thế nhưng, Đại tướng vẫn đồng ý gặp khiến anh ấy cảm động vô cùng.

Đi đến đâu, Đại tướng cũng ân cần thăm hỏi người dân địa phương, từ người già đến trẻ nhỏ, nhất là những gia đình thiếu thốn, khó khăn. Tài năng, đức độ, nhân hậu, thương dân, Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị Đại tướng trong lòng dân, của nhân dân. Tuy nhiên, chưa bao giờ Đại tướng nhận mình là người tài giỏi.

Đại tá Nguyễn Huyên nói: “Người ta hỏi rằng Đại tướng là vị tướng tài giỏi của dân tộc thì Đại tướng nói không. Đại tướng chỉ là giọt nước trong biển cả thôi, mà người tướng giỏi nhất của nhân dân ta là tướng nhân dân, chứ Đại tướng không nhận mình là người tướng tài giỏi xuất chúng gì”.

Trong gia đình, Đại tướng luôn là người chồng, người cha, người ông hết mực yêu thương vợ con và các cháu. Bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng tâm sự: “Ba tôi luôn dạy con cháu phải tự lập và tự học, không được ỷ lại. Ba tôi được tặng rất nhiều bộ quần áo sang trọng như những bộ kí giả, những bộ đồ bằng lụa, nhưng ông lúc nào cũng chỉ mặc những bộ quần áo giản dị và có màu nhạt. Ông rất thích mặc quân phục, mỗi lần mặc ông đều chỉn chu, cần thận. Đặc biệt, ba tôi thích đi chợ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về”.

Vị Đại tướng ấy rất thích nghe những làn điệu dân ca Lệ Thủy quê mình. Lần nào về quê, ông cũng có tâm nguyện muốn nghe điệu hò quen thuộc bên dòng Kiến Giang từng gắn bó một thời với tuổi thơ. Phía sau thiên tài quân sự là một con người giản dị, khiêm tốn, đời thường như thế./.