Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng Ban liên lạc truyền thống quyết tử Trung đoàn Thủ đô Anh hùng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, năm nay đã 92 tuổi, song ông vẫn minh mẫn, hoạt bát, tác phong nhanh nhẹn, gần gũi. Ông nói rằng, được như ngày hôm nay, ông đã học từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nhiều, từ tác phong, lối sống đến nếp sinh hoạt hàng ngày… “Dẫu biết không thể tránh được quy luật, nhưng khi nghe tin Anh Văn qua đời, tôi thảng thốt như người mất hồn…”.

“Đại tướng thật gần gũi”

Tham gia cách mạng từ những ngày đầu, là chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô Anh hùng, rồi trở thành Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô…, ông Nguyễn Trọng Hàm có nhiều điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc cũng như nhận sự chỉ đạo từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

tuong-giap1.jpg
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm bên gia đình Tướng Giáp 

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại, những ngày đầu kháng chiến “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” (1946 - 1947) với muôn vàn khó khăn. Địch là một trong 4 cường quốc sau thế chiến lần thứ 2, ta mới giành chính quyền được một năm. Nhiệm vụ của đơn vị ông Hàm lúc đó là giữ chân địch trong thời gian dài, để tạo điều kiện cho đất nước chuyển từ giai đoạn hòa bình sang kháng chiến; cũng như bảo vệ cho các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các nhà máy, bệnh viện tại Hà Nội được an toàn, phục vụ trường kỳ kháng chiến.  

Ông Nguyễn Trọng Hàm kể: “Người Tổng chỉ huy – Phó Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp lúc đó xuất thân là một giáo viên dạy lịch sử, chưa qua trường lớp đào tạo quân sự nào. Song khi được Bác Hồ hỏi: Hà Nội giữ chân địch được bao lâu?, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: Thưa Bác, được 15 ngày. Sau khi xuống khảo sát trận địa, Anh Văn báo cáo Bác Hồ là 1 tháng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp dựa vào quyết tâm chiến lược Bác Hồ giao là bằng mọi giá “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã động viên, gọi chúng tôi là các em. Đây là cách động viên rất tình cảm, thiêng liêng, gần gũi nhưng cũng rất quyết liệt, nâng quyết tâm để chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ chân địch được 2 tháng. Sau đó chúng tôi được Bác Hồ khen ngợi”.

Theo ông Hàm, với những chàng trai Hà Nội cầm súng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, được người Tổng chỉ huy lãnh đạo đi đến thắng lợi có ý nghĩa mở đầu cho những chiến thắng vang dội sau này, đã khiến ông và đồng đội càng tin tưởng tuyệt đối ở Anh Văn, Bác Hồ với niềm tin sắt đá “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Suốt những năm phục vụ trong quân ngũ, đến khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Trọng Hàm nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện thân mật với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều nổi bật ở Đại tướng là rất nhớ mặt, nhớ tên cấp dưới. Những lần như thế, Đại tướng vẫn giữ cách xưng hô “anh – em” với cấp dưới thật gần gũi. “Lần nào gặp, Tướng Giáp đều hỏi cô ở nhà thế nào, các cháu ra sao? Anh Văn rất quan tâm không những đối với chúng tôi, mà còn cả gia đình. Điều đó càng chứng minh tính quần chúng, chan hòa của Anh Văn trong cuộc sống” – ông Hàm nói.

Người chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô Anh hùng nhớ lại, sau khi nghỉ hưu vào năm 1984, ông dẫn đoàn cựu binh quyết tử từ ngoài Bắc vào Nam để tổ chức giao lưu hai miền. Lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu. Từ thông tin của trợ lý, Đại tướng biết được và cho gọi ông về Vũng Tàu hỏi thăm tình hình, công tác chuẩn bị cuộc gặp gỡ. Sau khi nghe ông Hàm báo cáo, Đại tướng căn dặn: “Chú và anh em phải tổ chức cuộc gặp gỡ thật ấm cúng, anh em phải phát huy truyền thống đơn vị cảm tử, không những tại buổi giao lưu mà cả về sau này”. Sau đó, Đại tướng nói thêm với ông Hàm: “Chắc chú mệt lắm, nên anh em mình đi tắm biển cho thoải mái để còn lo cho cuộc gặp”.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm bên tấm ảnh ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau khi tổ chức thành công cuộc giao lưu và trở về Hà Nội, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm đã đến báo cáo với Đại tướng và được chụp ảnh chung với Đại tướng tại căn nhà số 30 Hoàng Diệu. Với ông, đó là những kỷ niệm không thể quên với người anh cả của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phấn đấu “đuổi kịp” Tướng Giáp…

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cho biết, ông đã học tập được ở Đại tướng hai điều: đó là đức tính kiên trì và không ngừng rèn luyện – cả trí óc và sức khỏe. Theo ông Hàm, dù cuộc đời Đại tướng đã trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, hay những lúc gặp khó khăn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, không nề hà hay kêu ca; luôn giữ giữ được phẩm chất đạo đức sáng ngời của người cách mạng.

“Tướng Giáp từng nói: “Ta đánh thắng hai cường quốc là thắng về trí tuệ chứ không phải là vật chất”. Đã gọi là trí tuệ ắt phải đầu tư, động não suy nghĩ, sáng tạo, linh hoạt. Vì thế, từ khi về nghỉ hưu đến nay, từ việc nhỏ đến lớn tôi luôn đặt vấn đề suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng làm sao thực hiện được hiệu quả nhất. Tôi thấm thía rằng, bởi tôi luôn học tập, rèn luyện theo Đại tướng, nên bây giờ đã 92 tuổi, tôi vẫn tích cực tham gia hoạt động, không những với Ban liên lạc mà còn nhiều tổ chức đoàn thể khác; phấn đấu “đuổi kịp” Tướng Giáp về thời gian và sự cống hiến. Trong cuộc sống luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất người Bộ đội Cụ Hồ, giữ gìn sức khỏe để cống hiến đến hơi thở cuối cùng” – Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Hàm khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tướng độc đáo, có một không hai từ trước tới nay trên thế giới sống trên 100 tuổi. Do đó, Tướng Giáp không những là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, mà còn của cả nhân loại. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước và sử sách đã viết nhiều về Đại tướng, nhưng vẫn không thể nói hết được về vị Tướng vĩ đại này.

Ông Nguyễn Trọng Hàm kể: “Một nhà báo Mỹ từng gặp tôi và nói rằng, bà ấy đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng thấy một điều độc đáo ở Việt Nam là Chủ tịch nước thì gọi là Bác, người đứng đầu Quân đội thì gọi là Anh. Điều đó cho thấy chỉ có Việt Nam mới có sự gắn bó thân thiết giữa nhân dân với lãnh tụ và cán bộ cao cấp như vậy”./.