Này vòng hoa trắng tinh khôi
Này bông hoa cúc còn tươi nắng vàng
Tâm nhang kính cẩn xếp hàng
Xin biển xanh hãy nhẹ nhàng nhận cho
Nơi đây đảo rất xa bờ
Những hồn lính biển bây giờ ở đâu?
Hải âu bay, sóng bạc đầu
Cuối trời quê mẹ trắng mầu mây giăng
Trời cao ơi! Có nghe chăng?
Biển sâu ơi! Hãy nhớ rằng đảo xa
Những linh hồn lính Gạc Ma
Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời…
“Lễ thả hoa ở biển Đông” là bài thơ được tác giả Đặng Vương Hưng viết trong một chuyến công tác ra Trường Sa, vào những ngày Biển Đông đang nóng lên từng giờ, bởi sự hạ đặt trái phép giàn khoan 981 của Trung Quốc; bằng tất cả cảm xúc sâu lắng và cả sự kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những người lính Gạc Ma.
Bài thơ tuy chỉ có 12 câu nhưng âm điệu ngân lên da diết như một bản nhạc hào hùng, trầm buồn, trải dài bất tận. Có lẽ, bởi tác giả sử dụng lối gieo vần của thể thơ lục bát mềm mại, uyển chuyển nên mới chuyển tải cảm xúc một cách dễ dàng vào lòng người đọc đến như thế.
Ảnh: Lại Thìn
Tôi đã tự hỏi, tại sao tác giả lại dùng từ “Này" – "Này vòng hoa trắng tinh khôi/ Này bông hoa cúc còn tươi nắng vàng” mà không phải là “Đây” hay “Kìa”… Và khi đọc đến câu thứ ba và thứ tư của khổ thơ đầu tôi hiểu rằng tác giả chẳng phải là đang liệt kê hay đong đếm mà đang nhắn nhủ. Nhắn nhủ đầy tâm tình bằng cả trái tim “Xin biển xanh hãy nhẹ nhàng nhận cho”. Những vòng hoa trắng tinh khôi, những bông hoa cúc vàng tươi tắn là tấm lòng, tình cảm, sự tôn kính cùng với niềm xót thương của những con người của thời đại hôm nay – đang được sống trong hòa bình – của những con người từ đất liền xa xôi hiếm khi có dịp ra tới vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa thiêng liêng - gửi đến các chiến sỹ hải quân đã ngã xuống dưới lòng biển sâu thăm thẳm trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Những vần thơ tiếp theo khắc họa một không gian bao la, rộng lớn và vô tình gợi lên sự cô đơn, trống vắng. Mở đầu và kết thúc khổ thơ là những từ chỉ địa điểm “Nơi đây, đảo rất xa bờ” – “Cuối trời quê mẹ, trắng màu mây giăng”. Tầm nhìn từ “đảo xa” về “quê mẹ” chỉ thấy một màu trắng mây giăng, xen giữa đó là những cánh chim hải âu hay con sóng bạc đầu. Đó chắc hẳn là một sự xa xôi về địa lý nhưng nó còn gợi lên sự xa xôi giữa những người đã ngã xuống với những người thân nơi quê nhà luôn đau đáu một nỗi đau mất mát khôn nguôi. Biết khi nào, những người thân còn sống mới có dịp thắp cho các anh một nén nhang ngay trên vùng biển này, hòn đảo này? Rồi cái sự xa xôi ấy đâu chỉ có ám ảnh đến với những người đang sống mà còn khiến linh hồn của những người lính biển không thể ngủ yên, cứ trăn trở đi về giữa “quê mẹ” và “biển đảo”.
Vẫn là sự khắc họa không gian, nhưng khổ thơ cuối lại là một không gian giữa “trời cao” và “biển sâu”. Cũng phải thôi, nơi đây chỉ có biển, trời và linh hồn những người lính Gạc Ma. Những linh hồn ấy – vẫn mang tâm thế của những người lính biển – “Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời!”. Dường như, lúc này, cảm xúc của tác giả đã vỡ òa nên các câu thơ chất chứa nhiều tình cảm đến thế.
Tôi không phải là một người chuyên bình thơ nhưng khi bắt gặp bài thơ “Lễ thả hoa ở biển Đông” thì một người trẻ thuộc thế hệ 8X, sinh ra sau chiến tranh như tôi thực sự bị ám ảnh. Tôi cũng đã nghe nói đến Lễ thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh, hoặc bị thương, tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1... nhưng không hiểu sao chỉ đến khi đọc bài thơ này của Nhà thơ Đặng Vương Hưng, tôi mới thấm được sự thiêng liêng của một lễ tưởng niệm cùng với đó là nỗi xót xa cứ trào dâng nhẹ đắng trong tim.
Những người lính hy sinh ở đây là hy sinh ở vùng đảo xa bờ - một năm có được bao nhiêu người đến? Là hy sinh dưới lòng biển sâu biến chuyển hằng ngày – hoàn toàn khác với sự yên ả nơi đất mẹ quê hương. Sự trăn trở trong từng câu thơ không phải là sự trăn trở của tác giả, của những người trong lễ tưởng niệm, của những người còn sống mà còn sự trăn trở của những linh hồn lính biển với mẹ già, với quê hương! Thân xác con nằm đây, dưới biển sâu, nhưng linh hồn của con thì không bao giờ thôi hướng về quê mẹ!
Tác giả chẳng miêu tả nhiều về lễ tưởng niệm nhưng vẫn hiện rõ ra trước mắt tôi sự kính cẩn nghiêng mình của hàng người với nén tâm nhang, những bông hoa được mang từ đất liền, rồi cả những bức thư hay vật dụng... được trao nhẹ nhàng xuống mặt biển xanh. Cùng với đó là những giọt nước mắt, nỗi đau đến thắt lòng. Ta chỉ biết thốt lên rằng: Đất nước sao đau thương đến thế! Mà cũng hào hùng đến thế! Chiến tranh đồng nghĩa với sự mất mát, đau thương tột cùng… Nhưng nếu có chiến tranh thì mỗi người con Việt Nam vẫn sẽ chấp nhận sự mất mát ấy, hy sinh máu thịt để bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc thân yêu.
Ngay sau khi “Lễ thả hoa ở Biển Đông” xuất hiện trên trang Lục Bát Việt Nam, Nhạc sỹ Trịnh Thùy Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh đã tình cờ đọc được và sự đồng cảm đã giúp chị chuyển tải rất nhanh thành một ca khúc có giai điệu xúc động lòng người. Những âm điệu mở đầu mang âm hưởng của khúc hòa tấu Hồn sỹ tử nghiêm trang, trầm buồn, day dứt để nói về không khí thiêng liêng của buổi lễ tưởng niệm; thổn thức ở đoạn giữa như tiếng lòng giữa những người đang sống với những linh hồn bất tử; khép lại là khúc ngân vang, sức lan tỏa sâu như sự tôn vinh dành cho những người anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì dân tộc.
Dường như rất nhanh chóng, tự bài thơ đã ngân lên những âm điệu của sóng gió Biển Đông, nên khi được phổ nhạc, cái khéo của nhạc sỹ là ca từ vẫn cứ theo lối gieo vần tự nhiên của thơ lục bát truyền thống mà được cất lên, chứ không cần lược bỏ hay thêm bớt nhiều. Và cũng rất nhanh, một clip đã xuất hiện trên trang Youtube với những hình ảnh của một Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Trường Sa và giọng hát của nam ca sỹ Hồng Biển… hy vọng, sẽ làm lay động hàng triệu trái tim Việt yêu nước trên khắp thế giới!
Từ bài thơ, đến ca khúc và clip cùng tên “Lễ thả hoa ở Biển Đông” xuất hiện trong thời điểm này, không chỉ là để tôn vinh những người lính đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc mà còn có ý nghĩa đánh thức tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam, trước mưu đồ xâm chiếm Biển Đông của các thế lực bành trướng. Nỗi đau Gạc Ma sẽ không bao giờ nguôi ngoai! Và cũng bởi thế, sẽ chẳng bao giờ dân tộc ta lại để mất chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và thêm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc!./.