Chiến tranh lùi xa hơn 45 năm nhưng có lẽ đến nay vẫn còn đó những đau thương chẳng thể bù đắp….. Ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S, hàng triệu thương binh, bệnh binh ngày ngày vẫn phải chịu đựng đau đớn về thể xác do vết thương tái phát, hàng nghìn người mẹ, người vợ mãi mãi mất con, mất chồng.
Bao mất mát, hy sinh do chiến tranh vẫn còn đang hiện hữu, để rồi tháng 7 về, cảm xúc của mỗi người dân Việt Nam như lắng đọng…Đây đó, những nén nhang thành kính được thắp lên, những ngọn hoa đăng được nâng niu thả trôi xuôi dòng. Tất cả đều một lòng tri ân và tưởng nhớ…. vang lên như đồng vọng của quá khứ và hiện tại.
75 năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành Hằng năm, ngân sách nhà nước dành cả chục nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tri ân này. Nhờ đó, 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công…
Một đất nước còn nghèo, nhưng mỗi hành động tri ân luôn được thực hiện bằng cả tấm lòng, sự trân trọng nhất để xoa dịu phần nào những đau thương, mất mát của những người ở lại. Điều đó, chúng ta đáng tự hào lắm chứ…
Thế nhưng, khi chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, chứng kiến hàng hàng bia mộ với dòng chữ “Liệt sỹ vô danh” “Liệt sỹ chưa biết tên” …tại các nghĩa trang trên khắp mảnh đất hình chữ S, cảm nhận sự mòn mỏi, khắc khoải, ngóng trông tìm được hài cốt người thân của mình đã hy sinh của hàng nghìn gia đình thì có lẽ mỗi người đang sống hôm nay chẳng thể yên lòng. Đó cũng chính là nỗi day dứt, nỗi đau chung của người dân Việt Nam.
Thời gian không chờ đợi chúng ta nữa, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà là mệnh lệnh từ trái tim của những người đang sống, những người đang được hưởng hòa bình hôm nay. Giờ đây, hàng năm, các nghĩa trang liệt sỹ vẫn đón các hài cốt liệt sỹ được tìm thấy từ những chiến trường cũ, từ Lào, Campuchia trở về. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính liệt sỹ chưa bao giờ ngừng nghỉ. Chỉ mỗi khi một bia mộ xác định danh tính liệt sỹ được gắn lên, chỉ mỗi khi một hài cốt liệt sỹ được tìm thấy, đưa về an nghỉ tại quê nhà thì nỗi đau mất mát của thân nhân, gia đình liệt sỹ mới được vơi bớt, an ủi phần nào.
Cùng với phần việc này, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng từng day dứt yêu cầu, cần thay chữ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” trên bia mộ liệt sĩ. Tâm nguyện của người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như của những người đang sống, hãy làm phần việc này vì sự thôi thúc từ lương tâm, trách nhiệm, sự biết ơn với những người đã ngã xuống, chứ không phải vì thành tích…Dẫu ai cũng hiểu việc thay đổi này vừa giúp mọi người hiểu đúng bản chất không có liệt sĩ nào vô danh vừa nhằm thúc đẩy trách nhiệm phối hợp tìm kiếm thông tin liệt sĩ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên với hàng chục ngàn phần mộ liệt sĩ vô danh trải dài trên khắp mọi miền đất nước thì kinh phí, thời gian cho việc sửa chữa này sẽ là những con số vô cùng lớn.
Mỗi phần việc để tri ân những người có công đều có ý nghĩa đặc biệt, việc nào chưa làm được đều khiến tất cả chúng ta day dứt, khắc khoải. Nhưng thiết nghĩ, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, đất nước lại vừa trải qua sự hoành hành của đại dịch Covid-19, đời sống người dân đang phải đối diện với vô vàn khó khăn thì nên chăng cần tập trung nguồn lực, có cách làm phù hợp để công tác đền ơn đáp nghĩa đi vào thực chất, thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội./.