Nhà thơ Phạm Đạo sinh ra trong gia đình cách mạng ở miền quê thanh bình Bắc Bộ, ông lại được đào tạo chính quy tại Trung Quốc và châu Âu về kỹ thuật điện tử viễn thông.
Thơ của ông có lý có tình, mang màu sắc dân tộc, mộc mạc như phù sa sông Hồng, lãng mạn hào hoa như sông Seine, Danube, thâm trầm, dài rộng như Hoàng Hà, Trường Giang, đúng đắn, rõ ràng như nghề kỹ thuật của ông: "hai nhân với hai phải bằng bốn không thể bằng năm".
Thơ của ông “phủ sóng“ trên nhiều lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, quê hương đất nước, gia đình bè bạn, tình yêu….
Cuộc đời từng trải làm thơ, thơ đã trang điểm cho đời, ông đã gặt hái thành công trong văn thơ, đúng như nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu trong buổi ra mắt tập thơ văn “Dòng sông và ánh lửa” tại Hà Nội mới đây: “Nhà khoa học - giáo sư - tiến sỹ Phạm Đạo đã dần chuyển từ nghiệp dư sang chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn thơ ở tuổi xế chiều nhưng tràn đầy sức sống”.
Tác giả Phạm Đạo tại buổi ra mắt tác phẩm "Dòng sông và ánh lửa" tại Hà Nội |
Đọc thơ Phạm Đạo, dễ dàng nhận biết ông đã thành công trong nhiều lĩnh vực nhưng có lẽ hấp dẫn nhất ở ông là mảng thơ tình.
Thơ tình của Phạm Đạo không chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn mở rộng thành tình yêu gia đình, bạn bè, thiên nhiên, đất nước, muôn màu muôn vẻ biến đổi khôn lường; hôm qua là cậu bé chăn trâu lặn ngụp ở dòng sông Cà Lồ, hôm nay đã là chàng nghiên cứu sinh mơ màng bên dòng sông Danube:
“Những con sông tôi đã từng qua
Danube, Hadson, sông Seine,Dương Tử...
Mỗi con sông diệu kì mời gọi
Trong lòng tôi vẫn chỉ một Cà Lồ
Nước đục, trong theo tháng, theo mùa
Là biển lớn của tôi thời thơ bé”
(Trích bài “Dòng sông tuổi thơ”)
Trang trước nhà thơ yêu cô gái Đà Nẵng, Sài Gòn mắt đen lay láy, ở trang sau đã thấy nhà thơ than thở với đôi mắt biếc trời Âu cách ta nửa vòng trái đất:
“Ta cách nhau nửa vòng trái đất
Em như sao Mai gọi nắng lên
Anh như sao Hôm báo ngày đã tắt
Em mang ánh sáng mỏng manh
Góp vào ngày thành nắng
Anh cũng mang ánh sáng mỏng manh
Góp diệu kỳ bầu trời sao đêm tối..."
“Ôi! nỗi nhớ hòa trong từng hơi thở
Sao ngọt ngào? thấm vị mặn trên môi
Thế là ngày mai đã phải xa rồi
Còn nhớ đêm sông Hàn mát lạnh?”
(Trích bài “Đêm sông Hàn”)
“Cái thời tuổi trẻ ngu ngơNụ hôn bất chợt bây giờ chưa quên
Thế rồi cách trở đôi bên
Thế rồi ván đã gắn thuyền người dưng”
(Trích bài “Về Cao Bằng”)
Đọc thơ tình Phạm Đạo mà vướng vào cái trận đồ bát quái rồi đặt ra những câu hỏi khó như: nhà thơ có bao nhiêu người yêu, nàng là người Hà Nội hay Sài Gòn, nhà quê hay thành phố, mắt đen hay mắt xanh… thì đó còn là một ẩn số không có đáp án. Kẻ đang viết những lời bình thơ này thời sinh viên trai trẻ đã nhiều năm ăn cùng, nằm ngủ cùng phòng với nhà thơ cũng đành chịu “bó tay chấm com” .
Nhưng, nếu hỏi rằng nhà thơ có tình yêu chân thành chung thủy với gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước hay không thì chắc nhiều bạn đọc cũng như tôi sẽ trả lời được ngay rằng “có” :
“Sinh ra con như giẻ vắt vai
Mẹ có bao giờ trọn bữa
Suốt đời mẹ mặc toàn áo vá
Áo mới con may mẹ cứ để dành
Mẹ chắt chiu cóp nhặt từng đồng
Cho chẵn chục, chẵn trăm để đấy
Từ mẩu bánh thừa, đến mê cơm cháy
Mẹ mang phơi, rồi mẹ mang cho
Đã một thời mẹ bán thuốc, bán ngô
Mẹ làm kem, tự mình đem bán
Mẹ tảo tần, nhọc nhằn hôm sớm
Thay em con nuôi cháu tháng ngày...”
(Trích bài “Mẹ ơi!”)
Những năm tháng chiến tranh gian khổ, trường Đại học thông tin liên lạc phải sơ tán lên một miền quê Phú Thọ “Sông Thao nước đục người đen, Ai lên Phố Én cũng quên đường về”, thầy trò Trường Bưu điện được nhân dân đùm bọc. Trong đó có thầy Đạo hiền lành trẻ trung nhất được bu Nhiên muốn gả cô Nhũ cho, nhưng thầy đã có vợ chưa cưới ở quê, nên phải trung thành với cô thôn nữ vùng sông Cà Lồ mà khước từ mối tình đẹp của miền sơn cước...
Những mối tình thoáng qua như vậy nhiều lắm, ở khắp nơi: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Bắc Kinh, Budapest… và là nguyên mẫu của những vần thơ tình Phạm Đạo, chẳng khác gì cô Phẩm ở Kim Bôi Hòa Bình đã tạo ra nhạc phẩm bất hủ “Nụ cười Sơn Cước” của nhạc sỹ Tô Hải.
Nhà thơ Phạm Đạo được sống trong một gia đình chan hòa tình yêu thương, đùm bọc của cha mẹ, anh em và cũng có những đau thương mất mát hy sinh trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất. Có lẽ vì vậy mà thơ tình của ông chan chứa tình yêu thương và day dứt nỗi đau trần thế.
“Đau đớn thay em mất ở xứ người
Chỉ gửi nắm tro tàn về quê mẹ
Hết hỏi trời cao, đến hỏi đất dày
Trên thế gian này
Còn bao người phận bạc như em?!
Em gái ơi!
Thế là anh mất em!”
(Trích bài “Em gái ơi!”)
“Lá vàng, ơi hỡi lá vàng!
Chao nghiêng như thể cắt ngang cuộc đời
Cuộc đời em, cuộc đời tôi
Cơm chan nước mắt, một thời từng qua
Nhọc nhằn ứa nhựa nuôi hoa
Oằn lưng gánh nặng nỗi nhà trên vai
Đến khi nhựa cạn sắc phai
Lá rơi xuống đất hình hài nuôi cây
Thời gian vùn vụt tên bay
Con tằm nhả nốt kén này thành tơ
Luân hồi đâu có bơ vơ
Vòng đời nhân thế - Thước đo nhân tình!”
(Trích bài “Lá vàng”)
Thơ tình của Phạm Đạo vui buồn đều có, nhưng vượt lên tất cả là sự hóm hỉnh lạc quan yêu đời, nhân sinh hữu hạn, tình yêu vô cùng, chính vì vậy, thơ của ông, trẻ già đều thích:
“Ngày sinh lần thứ sáu mươi
Giật mình ngoảnh lại cuộc đời ngắn chưa!
Hoàng hôn buông tự bao giờ
Tình người còn nặng, tình thơ bời bời
Sáu mươi năm - một vòng đời
Đắng cay đã trải, ngọt bùi từng qua
Sáu mươi năm - bản trường ca
Dịu êm cũng lắm, mưa sa càng nhiều.
Sáu mươi năm - một tình yêu
Vầng trăng xẻ nửa, sớm chiều bơ vơ
Sáu mươi năm - một bài thơ
Dở dang câu kết, bao giờ viết xong?”
(Trích bài “Dở dang câu kết”)
“Thôi bây giờ sao quay lại tuổi thơ
Mẹ không còn ta đành tự ru mình vậy
Bạn bè ta thay nhau về tiên tổ
Chỉ buồn thôi vì quy luật vòng đời
Và ngày mai tuy còn ít nữa thôi
Ta vẫn nguyện làm những điều có ích
Nhỏ nhoi thôi ta tự cháy hết mình
Loa kèn chưa qua đã rực tím bằng lăng!”
(Trích bài “Tự ru mình”)
Chúc nhà thơ Phạm Đạo tiếp tục có nhiều thành công trong văn thơ và cuộc sống./.