Những tuyến phố bị biến thành “sông”, những cư dân đô thị bỗng chốc trở thành “lão ngư” bắt cá trên những con phố lớn dưới ánh đèn rực rỡ, tráng lệ của những tòa nhà cao tầng hiện đại…Câu chuyện tưởng đùa mà lại thật 100% ở thủ đô sau những trận mưa lớn liên tiếp vừa qua. Thậm chí, một số nơi của Hà Nội đã được cư dân mạng ví von thành địa danh chỉ có ở miền biển như Vịnh Triều Khúc, cảng nước sâu Mỹ Đình, huyện đảo Cầu Giấy, làng chài Ciputra Keangnam…
Đúng là cười ra nước mắt…
Đương nhiên một vấn đề lớn được dư luận quan tâm ắt sẽ là câu hỏi chất vấn cơ quan chức năng cũng như làm nóng nghị trường, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 đang diễn ra.
Mà cũng đáng quan tâm lắm chứ khi mưa lớn nước dâng cao khiến người, xe lóp ngóp trong biển nước, giao thông tê liệt, nhiều nơi nước tràn vào nhà mang theo cả rác, người dân hì hụi múc, tát, kê cao đồ đạc…cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn.
Càng đáng quan tâm hơn khi bài toán xử lý ngập lụt của thủ đô nhiều năm qua đã ngốn hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách, phần lớn là từ tiền thuế của dân. Một con số thống kê của đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chắc chắn sẽ khiến nhiều người giật mình. Từ năm 2005 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án thoát nước, chống ngập…..Trước tiên phải kể đến 2 dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Cả 2 dự án này theo tiến độ, năm 2020, đáng ra phải phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, theo báo cáo nó vẫn đang trong quá trình triển khai, việc thoát nước ở khu vực các quận vẫn là tự chảy. Thậm chí, như trạm bơm Yên Nghĩa dù đã hoàn thành nhưng kênh dẫn nước cho trạm bơm lại chưa xong, chưa có đủ nước để dẫn về trạm bơm dẫn đến công trình nằm bất động trong mùa mưa lũ.
Ngoài những công trình lớn, thành phố cũng dành hơn 12 nghìn tỷ đồng để triển khai các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi góp phần tiêu thoát nước đô thị như: Xây dựng trạm bơm Văn Khê và hệ thống tiêu ra sông Hồng; cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ...Nhưng tất cả đến nay cũng chưa ở đâu được như kỳ vọng ban đầu…Kết quả của những công trình “nghìn tỷ” là mỗi khi mưa to, Hà Nội lại thành “sông”, một việc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nguyên nhân thì vẫn luôn được lý giải cũng chẳng có gì mới, lượng mưa quá lớn, vượt quá năng lực tiêu thoát của hệ thống thoát nước thủ đô…
Tiền thuế, công sức của người dân bị đổ xuống, trôi theo dòng nước nhưng khi xác định trách nhiệm này thuộc về ai thì đó vẫn mãi là một câu hỏi mà dư luận chưa có được câu trả lời khách quan, minh bạch từ các cơ quan quản lý.
Nắng mưa là chuyện của trời, hẳn nhiên không ai cưỡng lại được - nhưng hàng chục nghìn tỷ đầu tư cho các dự án thoát nước, chống ngập, cho các trạm bơm tiêu thoát mà rồi vẫn thoát kiểu tự chảy, kiểu “thuận tự nhiên”…không có lẽ cũng tại ông trời?
Thời gian tới khi mà tốc độ đô thị hóa dự báo sẽ còn nhanh hơn nữa, sức ép từ việc phát triển và chỉnh trang đô thị qua mỗi năm còn thử thách hơn, những khối bê tông cao tầng san sát nhau mọc lên ồ ạt hơn, thêm nữa một loạt ao hồ bị bức tử mà chúng ta vẫn giải quyết bài toán chống ngập như bấy lâu nay, đầu tư kém hiệu quả và không ai chịu trách nhiệm thì chắc chắn Hà Nội sẽ tiếp tục phải trả giá./.