Hàng năm, kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4, ở Cần Thơ, thường tổ chức nhiều mô hình, cách làm hấp dẫn, thu hút học sinh, người dân tham gia như: Hội sách, Cùng em đọc sách, Triển lãm sách... Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu như mọi hoạt động đều hoãn lại. Tuy nhiên, tinh thần đọc sách, nghiên cứu sách và tìm hiểu về sách tại nhà vẫn được người dân duy trì trong những ngày giãn cách xã hội này.

Đến khu vực phòng trọ nằm ở đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ vào lúc xế chiều, ấn tượng đầu tiên là nhiều sinh viên, người đi làm tạm nghỉ theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, đang cầm trên tay những cuốn sách hoặc tạp chí, với nhiều thể loại khác nhau. Được biết, những ấn phẩm đó được họ gìn giữ và mang theo bên mình nhiều năm, có cuốn sách đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn không chán.

img-6134.jpg
Anh Phong chăm chú đọc sách.

Anh Tôn Thanh Phong, quê Hậu Giang, làm việc tại Công ty Vinamilk – Chi nhánh Cần Thơ được 7 năm cho biết: Những ngày qua, làm việc ít hơn do thực hiện giãn cách xã hội, ngoài thời gian sử dụng máy tính phục vụ công việc online, tôi tìm đến sách để thư giãn. Tôi rất thích những cuốn sách viết về kinh doanh, bộ sách “Hạt giống tâm hồn”, bởi sách đó có thể giúp tôi nhiều trong công việc hàng ngày, nhất là “đối nhân xử thế”.

Internet, điện thoại thông minh ra đời đã làm mất đi thói quen đọc sách của một số người, nhất là giới trẻ. Họ ít nhắc đến hay biết về những tác phẩm kinh điển hơn. Thay vào đấy, những cuốn truyện tranh với nội dung đơn giản và tiểu thuyết tình yêu thường được ưa chuộng hơn. Do vậy, để hình thành lại thói quen đọc sách, những năm qua, Cần Thơ triển khai nhiều mô hình hay về văn hóa đọc, hiệu quả lan rộng từ học đường đến cộng đồng như: Hội sách luôn thu hút gần 100.000 lượt tham quan, mua sách; Chương trình “Cùng em đọc sách” do Thư viện thành phố tổ chức tại các trường tiểu học trên địa bàn 9 quận, huyện nhằm khơi dậy phong trào đọc sách cho trẻ em…

Em Huỳnh Thị Kim Anh, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, Cần Thơ đọc sách tham khảo trong thời gian nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19.

Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, không thể tổ chức Hội sách, các hoạt động tụ tập đông người, nhưng cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” vẫn được tổ chức đến các em học sinh. Đây là lần thứ hai cuộc thi diễn ra với quy mô toàn quốc và Cần Thơ là một trong số những đơn vị được đánh giá tốt, thể hiện ở khâu tổ chức, số lượng bài dự thi. Em Huỳnh Thị Kim Anh, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Cần Thơ chia sẻ: "Tham gia cuộc thi em nhận thấy việc đọc sách rất thú vị. Nhiều bạn trong lớp cũng chọn mua sách hay mượn sách ở thư viện hơn là lên mạng đọc. Chúng em đều mong dịch bệnh qua nhanh, để có thể đến Hội sách, mua được sách yêu thích với giá cả phù hợp".

Không chỉ ở nhà trường, việc giáo dục về việc đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ở Cần Thơ, cha mẹ có bé nhỏ cũng chú tâm cho con mình tiếp cận với sách nhiều hơn, điều này thể hiện rõ ở những Hội sách diễn ra trước đây. Theo chị Nguyễn Huỳnh Thúy An, nhân viên văn phòng, hiện sống tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ: "Mạng online đôi khi có những nguồn sách không chính thống, có những cuốn sách không biết nội dung bên trong như thế nào, nếu để các bé tự lên tìm và đọc thì mình không có quản lý được. Mình có thể tìm mua sách về cho bé, để trong phòng cho bé đọc. Tự mình đọc thì mình sẽ đi sâu vào nội dung, bản thân sẽ nhớ kỹ và nhớ lâu hơn".

Số lượng người tham quan, mua sắm sách tăng dần trong các hoạt động về văn hóa đọc những năm gần đây tại Cần Thơ, khẳng định thói quen đọc của người dân vẫn chưa “mai một”. Hy vọng sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, hội sách, đường sách hoạt động lại, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với kho tàng sách quý trong nước cũng như trên thế giới, qua đó nâng cao và định hướng được đúng đắn “văn hóa đọc”. Đồng thời, để phù hợp với xu hướng hội nhập, chúng ta cũng sử dụng công nghệ 4.0 để tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách đến với đông đảo bạn đọc, khơi dậy thêm niềm say mê đọc sách trong bản thân mỗi người./.