Mượn sắc màu tím và bảng lảng của sương Đà Lạt, tác giả Phạm S đã kể nhiều câu chuyện về tài nguyên du lịch toàn cầu, du lịch Việt Nam và phố núi Đà Lạt, trong sự hòa hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 toàn cầu và nhận định tiến trình phát triển. Tiến sĩ Phạm S chia sẻ: “Màu tím đã tạo sự lan tỏa về kiến trúc cảnh quan, các hoạt động khác và thói quen trân quý của du khách cùng với sắc tím dịu dàng, đã góp phần tạo nên “Đà Lạt mùa màu tím và sương”. . 

Cuốn sách gồm 4 chương: "Phát triển du lịch Đà Lạt trong điều kiện biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19", "Đà Lạt - trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, "Cơ sở khoa học và ý nghĩa màu tím", "Đà Lạt mùa màu tím và sương". Ở các chương, tác giả đều đưa ra những phân tích, đánh giá, dẫn chứng cụ vể về ý nghĩa màu tím  được sử dụng trong lĩnh vực lịch sử, kiến trúc, văn hóa, thể thao, xã hội, khoa học, biến đổi khí hậu, giáo dục, y học, kinh tế, chính trị; sự xuất hiện màu tím trong tự nhiên, sinh học, vũ trụ... từ đó nêu ra những khuyến nghị để phát triển du lịch và một số lĩnh vực trong tương lai. 

Nhận định về cuốn sách, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San chia sẻ: “Tôi đã dành thời gian đọc kỹ cuốn sách với tựa đề rất ấn tượng, nội dung rất phong phú. Trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn, tác giả đưa ra 10 đặc điểm trong quá khứ, 10 đặc điểm trong hiện tại và 10 đặc điểm trong tương lai của Đà Lạt rất hữu ích, giúp cho bạn đọc có ý tưởng sáng tạo cần phải làm gì và làm như thế nào để cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của ngành du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng”. 

Tiến sĩ Phạm S hiện đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông được Liên minh Kỷ lục Thế giới WorldKings vinh danh Kỷ lục gia Thế giới vào ngày 22/2. Phạm S cũng là nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo viết sách về Đà Lạt với 13 tác phẩm gồm "Đà Lạt: ba thiên đường, hai hội tụ, một tầm nhìn”, “Đà Lạt: quá khứ-hiện tại và tương lai”, “Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt, điểm đến hấp dẫn du khách toàn cầu”, “Kiến trúc cảnh quan trong điều kiện biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”…/.