Cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành đã gây nhiều bức xúc trong dư luận bởi sự cẩu thả trong nội dung cũng như cách thể hiện. Đáng lưu ý, đây lại là cuốn sách được nhóm tác giả gồm TS Nguyễn Hoàng Điệp và Đại tá - bác sĩ Đức Thông cho ra đời, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014).

Trước hết, về mặt hình thức thể hiện cuốn sách, 46 chân dung các vị tướng trong lịch sử Việt Nam đều có ảnh minh họa hoặc ảnh vẽ lại, nhưng không thống nhất về cách vẽ, cách minh họa. Có thể thấy, trong đó có phong cách vẽ Chibi của Nhật Bản, vẽ nét đen trắng, vẽ theo phong cách game Tam Quốc của Trung Quốc…

sach2_srai.jpg
Hình minh họa trong sách được vẽ theo phong cách "lai tạp"

Thoạt nhìn, độc giả có thể nhận ra hầu hết các bức hình minh họa đều được sao y bản chính từ trên mạng. Theo nhà nghiên cứu trang phục Trần Quang Đức, điều đó thể hiện sự lười nhác của người làm sách, không có sự đầu tư nghiên cứu về mặt hình ảnh mà chỉ biết sử dụng bừa bãi từ nguồn lấy trên mạng:

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đánh giá: “Nếu dựa vào góc độ khoa học, với những nghiên cứu của mình đạt được thì tất cả tranh ảnh trong đây đều vẽ không chuẩn. Ví dụ, Hai Bà Trưng thì vẫn là trang phục của thời Nguyễn với khăn vành dây, mà khăn vành dây chỉ dành cho hoàng hậu, công chúa cuối thời Nguyễn mới đội. Nhưng ở đây, hình ảnh Hai Bà Trưng đã mặc trang phục đó rồi. Hay ví dụ, các hình ảnh nữ tướng thời Tây Sơn vẽ theo kiểu Chibi thì lạ lẫm, không có kiểu ăn vận lòe loẹt như thế. Ví dụ gần nhất là thời Nguyễn, người ta không tìm cho tử tế hình ảnh Nguyễn Tri Phương, mà lại lấy một hình ảnh vẽ của ông ấy đưa vào, trong khi rõ ràng vẫn còn hình ảnh Nguyễn Tri Phương”.

Nội dung sách cũng mắc nhiều lỗi sai

Về nội dung cuốn sách, với hơn 200 trang, nhóm tác giả đã đưa ra 46 vị danh tướng trong lịch sử Việt Nam, trải qua các thời kì dựng nước, xây dựng nền độc lập tự chủ, chống giặc ngoại xâm, chống đế quốc… Tuy nhiên, trong số đó có 79 trang nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phần còn lại là nội dung dành cho 45 vị danh tướng trong lịch sử.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, cuốn sách này không chỉ chênh lệch về dung lượng mà còn cẩu thả khi biên tập thông tin. 1/3 dung lượng cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn các vị khác trong hàng nghìn năm lịch sử thì như thế nào? Còn chưa kể, lỗi sai là đưa cả Nguyễn Trãi vào hàng danh tướng, trong khi ông là một vị quân sư. Khái niệm danh tướng đã bị hiểu như thế nào? Biên tập về mặt thông tin trong cuốn sách này còn một loạt lỗi sai, lại còn đến từ những trang web ‘bất minh’. Cho nên, đây là một cuốn sách đáng phê phán”.

Không chỉ cẩu thả về hình thức, nội dung, một số hình ảnh trong cuốn sách này đã được sử dụng mà không hỏi ý kiến tác giả. Với trường hợp hình ảnh minh họa danh tướng Lý Thường Kiệt, có 2 bức tranh khác nhau ở trang nội dung và trang bìa, trong đó có một bức tranh của họa sĩ Hà Dũng Hiệp.

Khi được hỏi, họa sĩ Hà Dũng Hiệp cho biết, đây là hình ảnh chân dung danh tướng Lý Thường Kiệt mà anh thực hiện cho dự án “Danh tướng Việt Nam”, ra mắt hồi tháng 8/2013. Anh không được nhóm tác giả hỏi ý kiến trước khi sử dụng tác phẩm của mình đưa vào cuốn sách.

“Về phía cá nhân, tất nhiên tôi không đồng ý. Nhưng vì họ đang muốn làm việc lớn hơn, để nhiều người được biết về danh tướng Việt Nam thì mình chỉ mong khi các bạn làm, hãy để tên nguồn và tên tác giả là ai. Điều tối thiểu là tôn trọng tên tác giả”, họa sĩ Hà Dũng Hiệp bức xúc bày tỏ.

Viết về lịch sử, đặc biệt là những câu chuyện, nhân vật, những trận chiến, người đọc thực sự cần nhiều hình ảnh minh họa để những câu chuyện ấy dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là dù có tưởng tượng hay minh họa, nhóm tác giả cũng nên dựa vào cơ sở văn hóa, phong tục của người Việt Nam, cần sự đầu tư và thống nhất, không thể bắt chước mỗi nơi một vẻ và tạo ra sự hỗn độn về mặt hình thức, cũng như lộn xộn về nội dung./.