Tối ngày 19/4, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 với chủ đề “Sách và Chuyển đổi số” do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức đã được khai mạc tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Quận 1, TP.HCM.
Ngày Sách và Văn hoá đọc kéo dài từ tối 19/4 đến ngày 24/4/2022, có sự tham gia của hơn 20 nhà xuất bản, phát hành trong cả nước. Trong 6 ngày diễn ra sự kiện, rất nhiều hoạt động đặc sắc sẽ được tổ chức nhằm phát triển thói quen đọc sách trong cộng đồng và giới thiệu những ý tưởng mới lạ, cổ vũ, phát huy tính sáng tạo kết nối giữa phương thức đọc truyền thống và hiện đại.
Theo đó, Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được chia làm 3 không gian chính. Không gian “Chuyển đổi số” trưng bày, giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, những giải pháp, trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới như: 3D thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo. Không gian “Thành phố sách” trưng bày, giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại và cũng là nơi diễn ra các buổi giao lưu với tác giả, giới thiệu sách, tọa đàm chuyên đề về sách. Không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc là nơi triển lãm các mô hình tiêu biểu về ngày hội văn hóa đọc của các cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, tủ sách gia đình, tủ sách cộng đồng, thư viện thông minh…
Ngoài ra, một số mô hình nhà cổ, không gian văn hóa 3 miền cũng được tái hiện tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, kèm theo đó là những bộ sách giới thiệu về các di sản văn hóa của dân tộc.
Chị Thanh Trúc - một người dân ngụ tại quận Phú Nhuận tham dự Ngày hội cho biết: "Văn hóa đọc được lan tỏa rộng như thế này thì rất tốt. Chương trình được tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp. Có những nét văn hóa dân gian, tài tử được giới thiệu ở đây giúp mình mở mang kiến thức. Tôi đưa các con tới đây để cho con nhìn nhận được ý nghĩa của sách đối với cuộc sống".
Trong những ngày tới, người dân và du khách khi tới ngày hội sách có thể tham gia tọa đàm “Nhắm mắt nhìn sao và động lực để người khiếm thị có thể hòa nhập cộng đồng” vào ngày 20/4; giao lưu với chủ đề “Thức tỉnh sau đại dịch từ "Muôn kiếp nhân sinh" và bộ sách minh triết của giáo sư Nguyên Phong” vào ngày 21/4; trò chuyện với nghệ sĩ lồng tiếng Đông Quân về “Chuyển đổi văn hóa nghe sau đại dịch và giá trị của sách nói đối với giới trẻ” vào ngày 22/4; giao lưu cùng đạo diễn Việt Linh với chủ đề “Phát triển văn hoá đọc thành các sản phẩm văn hoá nghệ thuật đại chúng” vào ngày 23/4./.