Bìa cuốn sách “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” làm đẹp, nghe nói còn in bằng loại mực làm từ gốc dầu thực vật “thân thiện với môi trường”. Nhưng hấp dẫn hơn, là những câu chuyện được kể trong đó.

Mỗi câu chuyện ngắn, chỉ khoảng vài mươi trang một chuyện. Như câu chuyện thứ nhất “Đối diện với giấy gọi nhập ngũ”. Hai chàng vừa học hết lớp 10, vừa thi xong Đại học (lần đầu tiên sau mấy năm chiến tranh, trước đó học sinh miền Bắc hết cấp III được tuyển thẳng vào các trường Đại học và Cao đẳng). Thập thò đến khu vực văn phòng của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở khu Thượng Đình (nay thuộc quận Thanh Xuân), cả hai đều tự tin là đỗ. Một người vào khoa Toán, Một người vào khoa Văn (đúng ra là khoa Ngữ Văn). Mà đỗ thật!

vov_sach1_pnur.jpg
Sách “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”.

Tự thưởng cho mình một điếu thuốc lào cho ra dáng người lớn. Nước chè, kẹo lạc… hai món quen thuộc của dân sinh viên thời đó. Về đến nhà, lòng vui phơi phới, làm việc gì cũng nhẹ tênh… Một kế hoạch vào Sài Gòn chơi được vạch ra.

Nhưng đến tối, nhận giấy báo nhập ngũ. Đoàn Tuấn thuật lại: “Bố mẹ tôi sửng sốt. Người tôi nóng ran, mặt tôi ửng đỏ… Các ngón tay của tôi như có hàng ngàn mũi kim châm. Nhưng tôi cố làm ra vẻ tự nhiên. Tôi cầm tờ giấy nhỏ, mỏng tang mà run run…”.

Điều đáng tự hào nhất là đây: Chàng thanh niên tự nhủ “Từ bé đến giờ, mình đối diện với cái gì lớn lao đâu? Bây giờ, một tờ giấy con con ập đến, đưa mình sang hướng khác, chả nhẽ mình từ chối? Nếu mình từ chối, cánh cổng vào đại học chắc cũng đóng sập, đường vào Sài Gòn chắc cũng lạc lõng. Vậy thì đi. Cái chuyện hệ trọng, mình nhìn nhận sao cho bình thường. Cái chuyện nặng nề, mình làm sao cho nó nhẹ nhàng. Đấy là điều đầu tiên tôi có thể làm cho bố mẹ tôi yên tâm”.

Dường như điều tâm niệm ấy, rồi sẽ theo suốt anh trong suốt thời gian đi lính.

Đọc “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”, tôi tìm đọc lại nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, sinh viên khoa Toán-Cơ Đại học Tổng hợp Hà Nội, lứa sinh viên nhập ngũ ngày 6/9/1971 và “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến. Một người đang là sinh viên thì nhập ngũ, một người đã có giấy gọi vào đại học Bách Khoa Hà Nội trước khi nhận giấy gọi bộ đội. Tôi có cảm giác việc nhập ngũ với hai anh có vẻ “nhẹ nhàng” hơn so với nhân vật của Đoàn Tuấn.

Cũng phải thôi! Thời đó là thời thanh niên miền Bắc “dù có lỡ hẹn tình năm trước… thề chưa hết giặc là ta chưa về”. Trong nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc ngày 2/10/1871 viết: “Nhiều lúc mình không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá, và cũng đột ngột quá”.

Còn thời của Đoàn Tuấn, đất nước đã thống nhất, cuộc chiến đấu 30 năm của dân tộc ta đã kết thúc, giờ là lúc có thể nghĩ nhiều đến hạnh phúc riêng của mình, cho nên người ta phải đắn đo. Nhất là khi thấy rằng ở biên giới Tây Nam đang có chuyện. Ở biên giới phía Bắc cũng vậy…

Ba chàng thanh niên, ở ba quãng thời gian khác nhau của thập niên 1970, với những hoàn cảnh sống khác nhau nhưng đều có một quyết định giống nhau: lên đường làm nghĩa vụ chiến đấu. Ta có thể tự hào về ba lớp thanh niên Việt Nam ngày ấy.

 

Làm lính mới, thời nào mà chẳng giống nhau. Các cuộc chia tay, món quà kỷ niệm, nước mắt của mẹ, đêm đầu tiên trong đời lính... Các câu chuyện được kể theo từng quãng đời tân binh, từ “đơn vị không doanh trại” đến  “nhận quân phục rồi dông thẳng về nhà” để khoe với bạn bè bộ quần áo lính với vành mũ có chiếc quân hiệu lấp lánh và hai “miếng tiết” (hai quân hàm binh nhì một sao đeo ở ve áo). Từ “chuyện ăn của lính” đến chuyện chiếc điếu cày xứ Mường và những cô gái Mường rít thuốc lào điệu nghệ”. Từ chuyện “dân vận” mua tre làm nhà đến chuyện” chim chuột” con gái trong bản và lính nữ cùng quân ngũ...

Một nhận xét rất hay mà lính mới thời chống Mỹ ít cảm nhận: “Tất cả, đối với chúng tôi, cái gì cũng mới. Chỉ có những khẩu súng là cũ”. Đọc đến đoạn này, làm sao không nhớ “những bài thơ trên báng súng” của người lính Cụ Hồ (Ta lại viết bài thơ trên báng súng/ Con lớn lên đang viết tiếp thay cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua - thơ Hoàng Trung Thông).

Tôi thích cái chương Đoàn Tuấn kể chuyện chàng lính mới trong đêm đầu tiên đời lính ấy, đi ngược lại quãng đường đoàn xe mình vừa qua, để ngóng chờ cô bạn gái phóng xe máy đuổi theo. Ôi chao là sức mạnh của tình yêu. Và giữa hai người có một đêm tuyệt diệu, tuyệt diệu… chỉ có trăng sao, “núi đồi và thảo nguyên”. 

Đoàn Tuấn tuyệt nhiên không nói một câu về chuyện họ có ôm nhau không, có hôn nhau không… chỉ kể về một đêm họ ở bên nhau, tin cậy, hạnh phúc. Tôi thích đoạn văn này và cho rằng Đoàn Tuấn đã đúng khi viết vậy. Bởi vì xã hội lúc đó là vậy, con người lúc đó là vậy. Khác hẳn một cuốn sách nào đấy kể chuyện một cô gái cũng đi thăm người yêu là lính mới, bị mấy anh lính trên một toa tàu làm nhục. Tôi cho rằng tác giả đã cố tình đẩy cái bi kịch của đời người lên quá mức bình thường.

Bây giờ (những thập niên của thế kỷ 21) thì khác rồi. Lính phải ở trong doanh trại. Còn thời ấy, lính sống trong nhà dân là chính. Và truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” vẫn còn nguyên vẹn lắm. Đọc những trang viết của các anh về đời tân binh, về sự chăm sóc của bà con dân bản lúc các anh ốm đau, cứ hiện lên trong tâm trí, ngân nga một câu hát “Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, xóm làng tôi còn nhớ mãi”…

Nhân vật của Đoàn Tuấn đi bộ đội sau Vũ Công Chiến (Hồi ức lính) có vài năm, mà những đoạn chiến hào xưa trên thao trường xứ Mường Hoà Bình đã không còn dấu vết. Chàng lính trẻ hôm nay khi đào chiến hào đến ngày thứ hai, phát hiện nhiều đầu đạn, các tút đạn chìm sâu trong đất và tự trả lời: “chắc lớp lính trước cũng luyện tập ở đây. Họ đã đi vào Nam chiến đấu. Có người nào còn sống không? Có ai còn nhớ nơi này trở lại thăm không? Dẫu không có người yêu, dẫu trải qua nhiều thôn xóm, nhưng trong lòng những chàng trai trẻ ấy, chắc chắn, ai cũng nhớ sâu đậm về mảnh đất đầu tiên đón nhận mình khi mình khoác áo lính”.

Như đoạn “Vĩ thanh” cuối sách, chàng tân binh của Đoàn Tuấn sau ngày trở về, đã nhiều lần quay lại đất Mường.

Cuốn sách của Đoàn Tuấn như bổ sung thêm những câu chuyện về “lính mới” trên đất Bắc với từng chương, từng hồi viết về những chàng lính học sinh – sinh viên. Những chàng lính là “thanh niên đường phố”. Những chàng lính là thanh niên nông thôn. Nhũng chàng lính mới “ nhưng già” vì đã quá tuổi 20: nhà giáo, công nhân… và cả những chàng lính thuộc diện “lý lịch gia đình có vấn đề” hay thuộc loại càn quấy…

Và những vị chỉ huy đa phần là tốt, là tấm gương cho lớp trẻ. Nhưng cũng có không ít dạng cơ hội với quân đội, định kiến với lính trẻ, bất tài trong chỉ huy và chiến đấu. Đến lúc vào chiến trường, gian khổ hy sinh, mọi phẩm chất tốt đẹp hay thói hư tật xấu… lại được dịp bộc lộ rõ nhất. Những cái anh hùng của người lính ai cũng đã rõ. Sách báo, thơ văn, tranh ảnh đều nói nhiều. Nhưng những cái dở, những cái xấu của một lớp người (cả quan và lính) bạc nhược, cơ hội không phải ngòi bút nào cũng dám đề cập. Những “hồi ức chiến binh” được xuất bản trong thời gian gần đây dường như đã nói nhiều hơn về “mặt trái của một tấm huân chương”. Không biết những người hôm nay có những suy ngẫm gì về những sự thật này?

Trong một trăm ngày trước tuổi hai mươi ấy, những chàng tân binh của Đoàn Tuấn sống trong thung lũng Hoà Binh, bập bùng guitar, đồng ca nhạc chế: “Ta là con của bố ta mẹ ta/ Nhớ nhà là ta tút ta bùng/ Ta đi đường Nho Quan ta vòng Chi Nê/ Ta về trong phố đang mong chờ ta…”.

Vui thì tếu thế nhưng đại đa số họ đều đi hết quãng đời của người lính. Không hèn nhát, không bỏ cuộc. Sự thật này được Đoàn Tuấn kể lại trong một cuốn “hồi ức chiến binh” của mình, với cái tên rất xưa “Mùa chinh chiến ấy” (đã được NXB Trẻ in lần thứ hai).

“Mùa chinh chiến ấy” viết về cuộc chiến đấu tiêu diệt bọn diệt chủng Pol Pot trên đất Campuchia của chàng binh nhì Đoàn Tuấn thuộc tiểu đoàn 8, trung đoàn bộ binh 29, sư đoàn bộ binh 307 Quân đội nhân dân Việt Nam. Như nhiều cuốn sách, hồi ký viết về quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia, cuốn sách không thiếu những chuyện đau lòng, những ám ảnh của chiến trận nhưng vượt lên tất cả vẫn là câu chuyện của những người “ bộ đội Cụ Hồ” có văn hoá, dũng cảm chiến đấu vì một mục đích cao đẹp: cứu nhân dân Campuchia khỏi hoạ diệt chủng.

Đoàn Tuấn là một chàng trai Hà Nội, sinh năm 1960 và nhập ngũ. chiến đấu ở chiến trường Campuchia từ 1978 đến 1983. Rời quân ngũ, Đoàn Tuấn trở lại học Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi học tiếp tại trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Liên Xô (nay là Học viện Sân khấu-Điện ảnh Liên bang Nga). Hiện nay anh đang làm việc tại tạp chí “Thế giới điện ảnh”.

Điểm qua những sáng tác của anh, thấy phần lớn là đề tài về cuộc chiến đấu ròng rã trải mấy chục năm của dân tộc ta. Với cuốn tiểu thuyết mới “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”, thấy Đoàn Tuấn còn rất nặng lòng với những ký ức về đồng đội của mình và nặng lòng với quê hương.

Sao mà tôi thích những trang viết về xứ Mường của Đoàn Tuấn như vậy? “Đất thao trường cỏ Mường và sim tím”; “Những tiếng rì rầm trong đêm Mường”. Đi trong đêm xứ Mường, thấy tình yêu quê hương đất nước cuộn trào với từng ngọn cỏ bên đường, với từng hạt sương, với từng cơn gió… Với tình yêu Tổ quốc như vậy, Đoàn Tuấn chắc sẽ còn viết tiếp và tôi tin là dù trong bất kỳ cốt truyện nào, chàng binh nhì Đoàn Tuấn sẽ vẫn giữ được cho mình sợi chỉ đỏ xuyên suốt sáng tác của anh, như lời anh tự bạch trong “Mùa chinh chiến ấy”:

“Mỗi người lính quả là một thế giới diệu kỳ, một kho tàng tri thức dân gian. Nếu coi đó là một quyển sách hay, biết cách đọc, biết cách kể, chúng ta sẽ có biết bao câu chuyện tuyệt vời. Nhưng cũng thật tiếc. Vì chiến tranh. Những quyển sách đó có thể sẽ không bao giờ được lật mở, có thể sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất, bất cứ lúc nào. Và rồi, những câu chuyện có tuyệt vời đến mấy, cũng chìm đi, lẫn vào trong bao chuyện đời thường.

Làm sao góp nhặt lại để tặng cho mỗi người, cho đồng đội tôi?”.

Trong lời bạt cho cuốn tiểu thuyết, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang viết “Cuốn sách của tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, có những trò đùa nghịch, có những dự cảm đáng sợ, tất cả diễn ra trong một trăm ngày, một trăm ngày quyết liệt, một trăm ngày không ngắn không dài mà vút qua, lao đi, cuốn sạch những gì trên đường đi của nó. Khi bạn đã đọc hết quyển sách này…nếu bạn đã già, hãy hồi tưởng lại thuở mình còn son trẻ. Nếu bạn vẫn đang ở độ tuổi hai mươi, hãy nhớ rằng non nửa thế kỷ trước đã có những người hai mươi như thế”.

Khép lại cuốn nhật ký của mình trước khi vào chiến trường Quảng Trị, tạị Hà Tĩnh tháng 5/1972, Nguyễn Văn Thạc viết: “Kẻ thù không cho tôi ở lại - Phải đi – Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính”.

Nguyễn Văn Thạc đã không trở về. Nhưng thay anh, đã có biết bao người lính chiến viết về đời lính chiến. Viết về cuộc chiến đấu của dân tộc ta để bảo vệ toàn vẹn non sông, tự do độc lập, vì sự bình yên cho những mái nhà.

Vài năm trước, khi nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc…được công bố, nhiều bạn trẻ hỏi chúng tôi: có thật các anh các chị ngày ấy nghĩ như thế không, sống như thế không? Tôi trả lời: chúng tôi có may mắn được sống trong dòng chảy của những sự kiện lịch sử hào hùng nên đã sống, đã nghĩ, đã yêu… và viết như thế. Những dòng nhật ký ấy đã được đảm bảo bằng sự hy sinh của chính những người đã viết ra nó. Đến mức hai người bên kia chiến tuyến khi đọc những dòng nhật ký Đặng Thuỳ Trâm phải thốt lên “Có lửa”.

Mong rằng Đoàn Tuấn và “những cây bút binh nhì” viết tiếp những dòng “có lửa” để các thế hệ sau biết rằng thời nào cũng vậy thôi, người Việt Nam đều quyết hy sinh vì Tổ Quốc./.