Không phủ nhận hình ảnh trên màn hình led cỡ lớn - được dựng lên làm backdrop cho sân khấu - góp phần làm sáng tỏ ý đồ nghệ thuật cho tác phẩm ca, nhạc… giúp khán giả được thưởng thức nghệ thuật không chỉ qua thính giác mà cả bằng thị giác.
Nhờ xử lý nội dung trình chiếu linh hoạt, có nhiều hiệu ứng độc lạ, màu sắc… nên màn hình led thu hút được sự chú ý của khán giả, làm cho khán giả không thể rời mắt và tương tác tốt hơn với chương trình.
Dùng ngôn ngữ thể hiện là hình ảnh, màn hình led được xem như thành tố phụ, tô điểm thêm cho tiết mục biểu diễn của ca sỹ, góp phần làm cho sân khấu thêm sống động, tôn lên ý tưởng nội dung bài hát, nâng tầm tiết mục ca nhạc, thậm chí là "chỗ dựa", hoặc “lấp khoảng trống” cho ca sĩ mới vào nghề hoặc cho các tác phẩm “non tay”.
Tuy nhiên cũng không nên dễ dãi, tùy tiện trong việc sử dụng hình ảnh thiếu chọn lọc cho phần trình chiếu trên màn hình led trong các buổi biểu diễn ca nhạc.
Tôi quan sát nội dung trên màn hình trong một số buổi biểu diễn ca nhạc thấy những hình ảnh ấy gần với nội dung bài hát. Nó vừa là thành tố góp phần làm cho sân khấu, tiết mục biểu diễn của ca sỹ thêm sống động, nhưng đồng thời nội dung chiếu trên màn ảnh cũng ít nhiều gắn với nội dung ca khúc, mô phỏng nội dung bài hát để một lần nữa "phiên dịch", "giải thích" bài hát bằng hình ảnh.
Tuy nhiên những hình ảnh ấy phải phù hợp, tránh khiên cưỡng; và sự mô phỏng nội dung bài hát cũng hoàn toàn không nhất thiết phải là thực tế trần trụi đến sống sượng.
Hình ảnh ấy không nhất thiết chạy theo nội dung bài hát mà linh hoạt, có lúc mang tính thuyết minh nhưng có khi chỉ để nó đảm nhiệm phần trang trí.
Nếu không theo “nguyên lý” này, chúng ta sẽ lúng túng với một bài hát nội dung về môi trường. Khi đó hình ảnh trên màn hình sẽ là bãi rác Nam Sơn đầy ruồi nhặng hay sông Tô Lịch đen kịt đầy rác?
Cả hai thái cực: Sự không tương thích giữa hình ảnh trình chiếu và nội dung bài hát hay copy hiện thực một cách thô thiển và trần trụi để minh họa cho lời ca đều phản cảm.
Nếu không tiết chế, chọn lọc; tham lam chất đủ thứ lên sân khấu, làm cho nó rườm rà, đông đúc và lộn xộn sẽ làm hỏng ca khúc.
Với việc sử dụng hình ảnh trên màn hình led thiếu thận trọng và cân nhắc, tôi cho rằng, một số người đang lạm dụng công nghệ để đánh mất tính ưu việt của nghệ thuật ca khúc, vốn dùng lời, giai điệu, tiết tấu... để truyền cảm xúc tới người nghe
Mỗi loại hình nghệ thuật ra đời, khi tồn tại trong xã hội, bản thân nó đã đủ các yếu tố thể hiện nghệ thuật theo tính đặc thù, từ nội dung đến hình thức. Việc “gia công”, “bổ sung” thêm các yếu tố khác (trình chiếu hình ảnh) với mong muốn “nâng tầm” tác phẩm, nếu không có nghề, không thận trọng thì lợi bất cập hại./.