Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản tập sách “Hà Minh Đức – tác phẩm và dư luận”. Trong lời nói đầu, Giáo sư Hà Minh Đức bộc bạch: vào tuổi tám mươi tôi không gắng sức mà sống tự nhiên…Tuy nhiên, tôi vẫn giữ được niềm say mê trong công việc…
Tập sách “Hà Minh Đức – tác phẩm và dư luận” |
Nhiều đêm nghĩ lại mà bồi hồi xúc động. Từ nhà phê bình thành khảo cứu, từ nghiên cứu khoa học chia sẻ với những trang bút ký như tâm tình với bản thân mình”. Trong 5 năm, ông lần lượt cho ra gần chục đầu sách. Ông nhận là “ điều may mắn” khi các tập sách này được các bậc thức giả, các nhà phê bình quan tâm, nhận xét, đánh giá. Trang sách đã có hồi âm, điều mong mỏi của người cầm bút và xem đây là tình yêu chia sẻ, là bài học, là kinh nghiệm không bao giờ quên”.
Tập sách” Hà Minh Đức – Tác phẩm và dư luận” của ông xuất bản lần này, là tập hợp 35 bài viết nhận xét, đánh giá của bạn đọc “về những tác phẩm gần đây (2014-2019) của Hà Minh Đức”.
Mở đầu là bài “Dày dặn thanh xuân” của nhà báo lão thành Phan Quang, một bạn văn mà Giáo sư Hà Minh Đức quý mến.
Phan Quang nhận xét: “Có những cuốn sách vừa cầm trên tay, lật qua đọc lướt đây đó mươi trang đã thấy vô cùng thú vị nhưng cầm chắc, ấy là loại sách mình không thể “đọc sách” dù chỉ là vài mươi dòng cảm nhận. Thế nhưng vì nhiều lẽ, trước hết do giá trị của nó, tôi vẫn muốn tác phẩm này được nhiều người tìm đến. Bộ sách đồ sộ MỘT THẾ HỆ VÀNG TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI của Giáo sư Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, Nhà xuất bản Thuận Hoá vừa ấn hành, là một trong số những tác phẩm vàng ấy.
MỘT THẾ HỆ VÀNG TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI là tập hợp nhiều cuốn sách, bài viết của Giáo sư Hà Minh Đức thực hiện và cho công bố vào khoảng thời gian trước sau cái mốc cổ lai hy của đời ông, về một chùm sao thơ mà tên tuổi đã khắc đậm nét vào lịch sử văn chương nước ta: Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ, Chế Lan Viên…”
Trong lời nói đầu cuốn sách đồ sộ dày 1400 trang. Giáo sư Hà Minh Đức cho biết: “THƠ MỚI đã ghi nhận nhiều tài năng thơ ca với những giá trị sáng tạo bền vững. THƠ CA CÁCH MẠNG khác về chất nhưng cũng tiếp nối nguồn mạch của thơ ca dân tộc. Trước những thành tựu lớn lao của thơ ca, những đỉnh cao của các thi nhân thời hiện đại, tôi chọn nghiên cứu theo cách tiếp cận trực tiếp với tác giả”.
Và phương pháp làm việc “tiếp cận trực tiếp với tác giả” của Giáo sư đã làm nên một nhà lý luận và phê bình văn học Hà Minh Đức “ có trước có sau” với đối tượng nghiên cứu của mình, trở thành “bạn” của họ và những nghiên cứu càng về sau càng mở rộng, không có chiều ngược lại, làm cho bạn đọc hiểu rõ đóng góp lớn lao cho nền văn học nước nhà của những nhà văn, nhà thơ…đã vang bóng một thời.
Trong tập sách “Hà Minh Đức – Tác phẩm và dư luận” nhiều nhà phê bình văn học, nhà báo đã đề cập nguyên tắc làm việc rất nhân văn này của Giáo sư Hà Minh Đức.
Hồng Thanh Quang (báo Công an nhân dân) trong một lần phỏng vấn, đã đặt vấn đề: Ở trong làng văn chúng ta hiện nay, khi viết về những nhân vật nổi tiếng của một thời, lại có xu hướng muốn tạo ra những xì-căng-đan để gây nên sự hấp dẫn. Giáo sư cũng là người viết rất nhiều về những danh nhân văn học của chúng ta trong quá khứ chưa xa, vậy Giáo sư đánh giá thế nào về cách viết như thế?
Câu trả lời của Giáo sư Hà Minh Đức thẳng thắn nhưng cũng rất “ mộc mạc”: Theo tôi thì, viết thế nào là quyền của mỗi tác giả. Nhưng riêng tôi, tôi thể hiện hoàn toàn chân thực đối tượng mà tôi nghiên cứu, tôi tôn trọng, thậm chí tôi không thêm một chi tiết nào về những cái mà tôi nghiên cứu và ghi chép về họ, có thể nói là tôi bớt đi những câu mà tôi thấy có thể gây phiền phức cho người khác. Tôi lấy ví dụ, có một nhà thơ lớn nhận xét về một nhà văn tiêu biểu, đã nói là đi hết Trường Sơn chỉ hái được một cái lá, thì câu đấy là tôi bỏ, vì thực ra bài thơ viết về cái lá đã là một bài hay…Nói như trên là không công bằng”.
Dường như chưa thoả mãn, Hồng Thanh Quang hỏi thêm: nếu lược bỏ tất cả những chi tiết bất ngờ thì liệu có làm cho bài viết của chúng ta thiếu hấp dẫn không? Giáo sư trả lời: “Thực ra thì tôi cũng có ý thức về các chi tiết có thể tạo nên sự hấp dẫn. Tôi lấy ví dụ như trong cuốn “Xuân Diệu – Vây giữa tình yêu”(nhà xuất bản Giáo dục 2009) có một chi tiết về việc một nhà xuất bản lớn có nhờ tôi giới thiệu với Xuân Diệu để anh Tổng biên tập NXB đến gặp. Ông Xuân Diệu đồng ý tiếp nhưng khi anh Tổng biên tập ấy tới thì ông Xuân Diệu lại bảo, mình suy nghĩ kỹ rồi, mình tôn trọng NXB của các ông nhưng mình không thể nhận viết được, vì nếu viết cho các anh ưng ý thì mình không còn là Xuân Diệu nữa, còn nếu viết mà đúng Xuân Diệu thì các anh không thể in được. Xuân Diệu là thế đấy, ông ấy thẳng thắn lắm. Chi tiết này cách đây (2009) độ 10 năm thì các anh khó mà đưa được, nhưng trong cuốn in gần đây thì tôi có đưa vào. Trước khi đưa, tôi cũng có hỏi lại anh nguyên Tổng biên tập ấy và đã nhận được sự đồng ý của anh”.
Đọc lại các bài viết về các sáng tác gần đây của Giáo sư Hà Minh Đức, thấy hiện lên chân dung của ông: một người “luôn hiện lên như một biểu tượng sinh động của người thầy: tài hoa, tận tuỵ, vui tính, yêu nghề…một tấm gương lao động vĩ đại, nhẫn nại và thiện chí” (Đặng Hồng Quang trong bài “Tôi thương em và nuối tiếc hương mùa thu bay xa” trang 60 trong tập sách này).
Phần trả lời phỏng vấn nhà báo Việt Văn (báo Lao Động) in trong tập sách (trang 271) dường như kết tinh cả cuộc đời nghiên cứu – phê bình văn học - giảng dạy Đại học- làm người quản lý – làm nhà khảo cứu- là người sáng tác văn thơ của Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Hà Minh Đức. Đây cũng là bài có số lượng trang in dài nhất trong tập sách này. Nhiều bạn trẻ đang “ trên đường học tập và nghiên cứu” có thể rút ra nhiều điều bổ ích. Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là lời khẳng định chắc nịch của Giáo sư: Tôi là người cầu tiến và yêu thích cái mới.
Thơ của ông là một điểm mới trong con người hết sức “mô phạm” của ông. Giảng viên chính khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội Bùi Việt Thắng (sinh viên khoá 14 Khoa Ngữ Văn) đã có một nhận xét rất tinh tế thế này: ở khoa Ngữ Văn có hai phong cách phê bình thơ rất khác nhau: một GS.Lê Đình Kỵ, dường như đóng cửa phòng văn mà không mang tiếng kinh viện, những trang viết vẫn cứ long lánh chất đời: một GS.Hà Minh Đức thì đầy trải nghiệm tinh tế, sành điệu, giàu có về chất sống văn chương và viết lúc nào cũng như lấy từ trong “túi” ra, trang viết thấm đẫm tình đời tình văn.
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhận xét mười hai bài thơ về Hà Nội của Giáo sư, in trong tập bút ký “Hà Nội - gặp gỡ với nụ cười” (nxb Công an nhân dân 2016): “biểu hiện một cái nhìn nhạy cảm và trong trẻo lạ thường”. Giáo sư Hà Minh Đức dành lại cho phần nhà thơ nhà văn bên trong con người nhà nghiên cứu của ông cái hồn nhiên của một học giả lão thành”.
Cũng chính nhờ ở tấm lòng chỉn chu với nghề của một nhà giáo-một nhà nghiên cứu, cùng tâm hồn bay bổng của một người có hồn thơ và sáng tác văn học, mà khi đọc và giới thiệu những sáng tác mới của ông, nhiều cây bút cũng “bay bổng” theo ông.
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài “Dặm ngàn xa khi đã về gần” (trang 43 trong tập sách, viết khi đang nằm bệnh viện) khi giới thiệu về tập du ký “Dặm ngàn xa trên xứ người” (nxb Giáo dục -2015/2016) đã viết: Đọc “Dặm ngàn xa trên xứ người” không chỉ thấy xứ người mà chủ yếu lại là thấy ông, thấy cách cảm xúc và cách nhận thức việc đời nơi ông…Nhiều bài đăng ngay sau chuyến đi…một số bài là mới viết…Giọng văn bỗng dưng có nỗi lưu luyến bồn chồn tử biệt sinh ly rất cảm thương. Quyển sách gói lại cả một đời người, một đời siêng năng đọc, siêng năng viết, chịu đi, chịu nghiền ngẫm và ghi chép.
Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi giới thiệu tập bút ký “Tình yêu đầu ngọn gió “(nxb Văn học 2018) của Giáo sư Hà Minh Đức, đã viết như thế này: “Tình yêu đầu ngọn gió” cho ta hiểu thêm một khía cạnh về tài năng và lao động của một nhà khoa học tầm cỡ. Anh như một thứ nam châm cực mạnh, bắt được tất cả những gì có thể thu hút vào trí tuệ và tâm hồn mình. Rồi trong cái kho tàng phong phú của kiến thức đủ loại, tài năng và lao động sẽ giúp anh phân loại, cái nào là khoa học, cái nào là nghệ thuật. Thật hiếm có một nhà văn hoá với số lượng tác phẩm đồ sộ về nhiều thể loại như giáo sư Hà Minh Đức. Một trí tuệ, một tài năng và sức lao động đáng kính phục" (Thay lời giới thiệu “Tình yêu đầu ngọn gió”, trang 163 trong tập sách).
Một sinh viên của ông, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, đã viết: ở tuổi ngoài tám mươi, Giáo sư Hà Minh Đức xuất hiện với dáng vẻ ưu tư, thâm trầm của nhà hiền triết và cốt cách của nhà văn hoá lớn./.