Chào thế giới bây giờ con đã đến”có lẽ là tập thơ được thiếu nhi chào đón nhất  trong dịp 1/6 này.  99 bài thơ dành cho các thiên thần nhỏ và cả người lớn - những ông bố bà mẹ bỉm sữa, được nhà thơ Lê Minh Quốc chắp bút ghi lại những khoảnh khắc khi hồi hộp chờ đón cô con gái còn nằm trong bụng mẹ, khi nghe tiếng khóc đầu tiên, khi nhú cái răng đầu tiên, cả khi thay tã, giặt đồ, vệ sinh cho con… Phải thừa nhận đây là một tập thơ vừa gần gũi, vừa đầy ắp chất cổ tích, với những câu chuyện nhỏ mà vô cùng mới mẻ, được khám phá, được chắt lọc qua lăng kính của một đời người nhiều trải nghiệm, luôn khao khát mái ấm gia đình với tiếng cười con trẻ.

vov_tho_1_tnxr.jpg
Bìa tập thơ “Chào thế giới bây giờ con đã đến” của nhà thơ Lê Minh Quốc.

 Kể từ khi các nhà thơ phải bỏ tiền túi ra in thơ thì cánh cửa dành cho thơ thiếu nhi càng hẹp lại. Vì nhiều lý do. Vì đội ngũ sáng tác vốn ít ỏi càng ít ỏi. Có đốt đuốc cũng không tìm được một người đầy trăn trở với thơ thiếu nhi như Phạm Hổ ngày xưa  “Suốt đời tôi chỉ mơ / Được viết cho các em / Những bài thơ nho nhỏ".

Về phía đơn vị xuất bản, ngay đến nhà xuất bản Kim Đồng cũng chẳng dại gì tự  bỏ vốn ra in một tập thơ mới, trừ những trường hợp đặc biệt, rất đặc biệt. Còn nhớ cách đây khá lâu, khoảng năm 2011, nhà xuất bản Kim Đồng long trọng phát hành hai tập thơ: “Những ngôi sao lấp lánh” của Ngô Gia Thiên An - 12 tuổi và “Giấc mơ” của Đặng Chân Nhân - 16 tuổi. Hai gương mặt thơ rất đáng yêu này được giới thiệu, tôn vinh như những thần đồng của thời đại mới. Phụ huynh của các em cũng ít nhiều có tên tuổi số má trong làng thơ phía Bắc. Vậy nhưng, theo lời phụ huynh của Đặng Chân Nhân kể lại, thì một biên tập viên cứng của nhà xuất bản Kim Đồng lúc đó cũng phải đấu tranh với lãnh đạo mình để in được hai tập thơ này và phía gia đình tác giả thơ cũng phải mua ủng hộ. Tuy vậy vẫn có thể coi đây là một thắng lợi không nhỏ của thơ thiếu nhi.

Ngô Gia Thiên Anh trong buổi ra mắt tập thơ “ Những ngôi sao lấp lánh” của em. 

Song, cũng nói tiếp về hai tập thơ này. Nó không đi vào đời sống, không có cuộc sống độc lập. Dù có hẳn buổi giới thiệu trang trọng, đưa hẳn vào môi trường học đường, với hàng trăm học sinh tham dự, thì “Những ngôi sao lấp lánh” cũng bị lãng quên ngay sau đó.  Ngay cả có tập thơ ấy trong tay thì cũng chẳng mấy học sinh mặn mà lật giở. Và cú đúp của thơ thiếu nhi đó, vẫn chỉ là người lớn đọc rồi người lớn khen. Ngoài mấy bài thơ được học, hay phải học trong nhà trường, các em còn nhiều mối bận tâm: bận học thêm ở trường, học thêm ở trung tâm, bận chơi điện tử, bận coi phim, bận xem clip nhạc chế, bận theo dõi các tài khoản Bà Tâm Vlog, Bà Tân Vlog… Thời giờ đâu để dành cho thơ?!

Nói các em không quan tâm đến thơ, nói nhà xuất bản không quan tâm đến thơ, như thế có chủ quan vơ đũa cả nắm không, vì các tập thơ kiểu như “Thơ chọn cho thiếu nhi”, “Đồng dao cho thiếu nhi”, “Thơ cho bé tập nói” vẫn bày ở các gian hàng, vẫn túc tắc in, túc tắc bán. Xin thưa, đó không phải những sáng tác mới, người biên tập chỉ đưa đẩy, gắp chỗ này bỏ chỗ kia để tạo nên hình hài một đầu sách, đáp ứng nhu cầu nhất định của thị trường. Ngay cả nhà xuất bản Kim Đồng với nhiệm vụ đặc thù thì cũng chỉ tái bản những cuốn đã được khẳng định qua thời gian như của Xuân Quỳnh, Phạm Hổ, Võ Quảng… vốn là những tác giả kinh điển của văn học thiếu nhi nước ta. Trong đó, tái bản nhiều lần nhất có lẽ là “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Bìa tập “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Phạm Hổ, Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa… là niềm tự hào của thơ thiếu nhi Việt Nam. Nhiều bài thơ của họ có tuổi đời cả nửa thế kỷ mà vẫn hiện đại, trong sáng và đầy rung động. Lại thêm lợi thế được đưa vào học trong nhà trường từ mầm non đến trung học cơ sở. Những câu thơ đậm chất đồng dao của Võ Quảng như“Ai dậy sớm/ Bước ra nhà/ Cau ra hoa/ Đang chờ đón/ Ai dậy sớm/ Đi ra đồng/ Cả vừng đông/ Đang chờ đón…”, hay của Xuân Quỳnh:“Con yêu mẹ bằng ông trời/ Rộng lắm không bao giờ hết”,đặc biệt của Trần Đăng Khoa: “Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu/ Giang tay đón gió gật đầu gọi mưa” “Trăng tròn như mắt cá/ Chẳng bao giờ chớp mi”vẫn được nhiều em nhỏ nhớ và thuộc.

Song cũng cần phải nói, đó là những sản phẩm tinh thần ra đời từ nhiều năm  trước, trong bối cảnh thời đại khác. Chúng ta nhớ và chúng ta đưa lại cho các em, các em đọc, học và thuộc một cách thụ động. Ngay chính người giới thiệu giảng giải cho các em những bài thơ ấy cũng chưa truyền tải được tình yêu ngôn ngữ - thơ ca tới các em. Những sáng tác thơ hiện nay chưa bắt được nhịp tâm hồn của các em, chưa nói thay được tiếng nói của các em. Các em chưa có những sản phẩm mang dấu ấn tư duy thời đại mình. Thơ in ra rồi cứ tự khen nhau, chứ mấy ai nghe được những phản hồi từ phía các em?

Về phía độc giả nhỏ - đối tượng và cũng là chủ nhân của thơ thiếu nhi. Nói theo ngôn ngữ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, thì bây giờ không phải là thời đại của thơ ca. Các em thuộc rất nhanh một bài hát chế lạc nhịp, nắm bắt rất nhanh các thị hiếu âm nhạc hay phim ảnh, nhưng rất khó để cảm thụ hay tự nguyện yêu mến một bài thơ. Dẫu không là tất cả, song buồn thay điều này lại phổ biến.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải thái độ các em hờ hững tạo khoảng trống với thơ. Cũng không cần phải cố ép buộc, lên án, hay thảng thốt cho rằng đó là sự lạ. Song có một điều dễ nhận thấy nhất, ấy là ngôn ngữ của các em hiện nay. Văn học nói chung, thơ nói riêng chính là sự kết tinh vẻ đẹp ngôn ngữ. Thiếu vắng một tình yêu con chữ, thì những gì các em thể hiện qua giao tiếp hay qua văn viết cũng vắng một niềm yêu trân trọng Tiếng Việt, bởi nói như nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi Tiếng Việt xót xa tình”.

Nhiều bậc cha mẹ đầu tư tiền lớn tiền nhỏ cho con học ngoại ngữ, song lại coi thường sự phát triển Tiếng Việt, coi thường giá trị mà thơ ca – thứ ngôn ngữ đầy hình ảnh - hình tượng - màu sắc - thanh âm đem lại. Coi nhẹ thơ dẫn tới cả việc không phân biệt được thế nào là thơ, thế nào là vè. Thậm chí, cách đây khoảng ba năm, một tập thơ đã được quảng bá rầm rộ về giá trị tinh thần và tiền bạc, được giới thiệu là “cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống bằng thơ đầu tiên ở nước ta”. Thực chất, đó chỉ là những bài bắt chước theo phong cách Bút Tre mà lại kém duyên.

Phác họa một vài khoảng trống trong thơ thiếu nhi, ở góc độ sáng tác - xuất bản và tiếp nhận để chúng ta nhìn lại chính mình chân thực hơn, cẩn trọng hơn trước những lời giới thiệu dễ dãi, những mối quan tâm hời hợt. Viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi là những khái niệm không đơn giản. Nhà thơ ơi, nhà phê bình ơi. Đừng giấu mặt nữa. Hãy ra đi!./.