Sáng 30/5 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhà văn hóa Cù Huy Cận (31/5/1919 - 31/5/ 2019). 

Đến dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều khách mời khác...

vov_0241_keve.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV đến dự Lễ kỷ niệm.

Lễ kỷ niệm là dịp để cán bộ, nhân dân, dòng tộc Cù Huy và những người yêu thơ ca ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhà thơ, nhà hoạt động chính trị - xã hội, nhà văn hóa lớn Cù Huy Cận. Từ đó khơi dậy lòng tự hào, tạo động lực để các thế hệ trẻ nối tiếp lý tưởng của thi nhân, nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Huy Cận là người có đóng góp lớn đối với nền văn học Việt Nam. Ông tự hào là thi sĩ Thơ mới sớm nhất tham gia Cách mạng. Với Huy Cận tham gia cách mạng là giải thoát cho bản thân cái bi kịch xã hội "hướng lạc phương mờ", đồng thời cũng là giải thoát khỏi sự giam cầm của bóng tối.

Cù Huy Cận đam mê viết văn, làm thơ nhưng con đường sự nghiệp chính của ông là làm cách mạng. Ở vai trò, vị trí nào, ông cũng đem hết khả năng, trí tuệ và tâm huyết của mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Bên cạnh đó, tại Lễ kỷ niệm, Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh đến uy tín của nhà thơ Huy Cận trên thi đàn, trong hoạt động chính trị với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và nền văn hóa, văn học nghệ thuật của nước nhà. Với bản lĩnh vững vàng của nhà hoạt động chính trị, kiến thức uyên bác của nhà hoạt động văn hóa tài ba, nhà thơ đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bè bạn thế giới và tiếp nhận nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. 

Cuối cùng, Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, "Khối di sản thi ca và văn hóa, tinh thần Huy Cận để lại có giá trị, ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt".

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 100 năm nhà thơ Huy Cận.

Huy Cận là người đa tài, trong sự nghiệp sáng tác, ông đã có thơ đăng báo từ năm 1936. Tập "Lửa thiêng" ra đời năm 1940 đã đưa ông trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của thơ mới. Sau cách mạng, ông đi nhiều, viết nhiều và tên tuổi của ông trở nên quen thuộc hơn với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Với những cống hiến của mình cho thi ca, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Huy Cận đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh và VHNT.

Nhà thơ Huy Cận sinh ngày 31/5/1919 ở xóm Bòng, xã Trại Đầu, tổng Đồng Công, nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Ông không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn, mà còn là nhà hoạt động chính trị, từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy Chính phủ sau cách mạng như: Bộ trưởng Bộ Canh nông; Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ; Bộ trưởng đặc trách Văn hóa - Thông tin...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ và nhà thơ Hữu Thỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện gia đình nhà thơ Huy Cận.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhà thơ Huy Cận từng đảm nhận các vị trí như: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi; đồng Chủ tịch Đại hội Văn hóa toàn Thế giới; Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO; Phó Chủ tịch tổ chức hợp tác văn hóa - kỹ thuật của Cộng đồng nói tiếng Pháp (ACCP), thành viên Viện Hàn lâm thơ thế giới./.