“Chữ Hoài níu tôi chậm lại giữa những bộn bề, tấp nập, tính toan, những tối Sài Gòn không ngủ, những sáng Sài Gòn inh ỏi tiếng còi xe… Là chiếc cọc neo tôi lại, để đi qua những năm tháng miền trường, những chông gai, ghập ghềnh… Chữ Hoài nhuốn màu ký ức để tôi biết rằng có những nỗi buồn thật đẹp, để yêu hơn những gì đã qua và trân trọng hơn những thứ sắp sửa trải thành”… Chính những dòng chữ đầy cảm xúc này đã mang tôi đến với cuốn sách “Ở bên này thương nhớ" của tác giả Lê Hoài Việt.
Với 48 cung bậc cảm xúc, là những nỗi buồn dại khờ ngây ngô, những niềm vui tưởng như viên mãn đầy ắp, là những si mê đam mê bất chấp, và cũng có cả những khi tỉnh thức lý trí…, của một chàng trai 8X “đời cuối”, hiện là Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh.
Lê Hoài Việt đã “ủ mưu” và ghi chép một cách chân thành, nâng niu, trân trọng những cảm xúc, những suy tư của mình về bản thân, tình yêu, sự nghiệp, tuổi trẻ và cả tương lai không còn trẻ, về những trăn trở cuộc sống hôm nay và ngày mai…, cất giữ trong một chiếc hộp ký ức, làm đầy dần dần trong suốt 10 năm thương nhớ giữa hai “bờ” thương và nhớ ở hai miền “quê”: Sài Gòn nơi lập nghiệp và Đà Nẵng nơi mẹ cha cho tiếng khóc chào đời và nuôi dưỡng.
Và không giữ riêng cho mình, “Ở bên này thương nhớ" như một món quà tác giả muốn dành tặng cho bản thân, cho người thân, người thương và một phần nào đó chia sẻ niềm riêng nơi mình cùng với những tâm hồn đồng điệu. Để rồi nhiều những năm tháng sau đó, lúc lưng còng tóc bạc da nhăn, thấy hình nhân mình đọc sách bên cửa sổ, thì có cái mà tự hào, mà nhớ về một thời tuổi trẻ dọc ngang. Để rồi, biết đâu đó "có một ai đang lầm lũi mơ hồ trong những cảm xúc mịt mờ như tôi đã, sẽ tìm thấy từ những bài viết này bản thân mình".
Không quá cầu kỳ trong ngôn ngữ, nhưng khá trau chuốt cho từng câu từng ý, để mỗi một bài viết có thể rút ra một câu, một đoạn làm ý tưởng lan tỏa, về vấn đề đề cập. Bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ, sẽ bắt gặp trong “Ở bên này thương nhớ" có rất nhiều thân quen, gần gũi, như tác giả thật sự thấu hiểu, đang nói về chính bản thân họ, đang giúp họ cùng giải mã những điều tưởng chừng khá cũ với các thế hệ trước, nhưng lại rất mới mẻ với cái tuổi mon men bước vào đời.
Như chính họ đã trải nghiệm qua điều đó, như chính họ đã từng suy tư trăn trở các vấn đề về cuộc sống như thế, như chính họ đã có những khoảnh khắc chơi vơi chênh vênh thậm chí lạc lõng ở một nơi xa lạ không phải nhà mình, như chính họ cũng đã ước mơ, hy vọng, vui khi thành công, buồn lúc thất bại, y hệt vậy.., trong học tập, trưởng thành, lập nghiệp, lập thân, tạo các mối quan hệ xã hội và ứng xử giao tiếp ở nhiều hoàn cảnh….
“Không có bất kỳ công việc nào là hèn mọn, là không đáng trân trọng, bởi xã hội này phân vai cả rồi”- Học nói
“Vẫn cần lắm một bàn tay- đủ chắc để níu ta lại mỗi lúc lầm đường”- Đi về đâu cũng là thế.
“Dùng quá hạn mức những gì mình có chẳng là điều hay, nhưng mải mê để dành rõ ràng cũng chẳng phải”- Để dành
“Nay học thêm cả cách xài facebook, sao cho vui mình, vui người, mà lại chẳng hư hao đến ai, ngó vậy chứ không phải dễ. Những cái like, những cái comment làm cuộc sống mình thêm màu sắc, nhưng chẳng thể nuôi mình lớn, giúp mình khôn”- Xài facebook sao cho nên cho phải.
“Biết chỉ có lật qua trang sách mới, khép lại những dòng bỏ ngỏ, thì lòng mới an yên, lý trí bảo vậy mà con tim cứ đau đáu hoài. Phải buông bỏ thứ điều không hợp hòa, đặng còn ôm ấp những đẹp đẽ sắp sửa đến với mình chứ nhỉ”- Nắm và Buông
Lê Hoài Việt còn trẻ, độc thân, nhưng “Ở bên này thương nhớ" có nhiều bài viết đề cập đến những suy nghĩ về tình yêu. Khởi thủy là những trải nghiệm đầu đời khờ dại theo cảm tính nhất thời của từng giai đoạn mà “ Chọn một người để yêu”, và khi đến tuổi trưởng thành, đã bắt đầu nghiêm túc khi nghĩ về một nửa của mình trong tương lai, là những băn khoăn “Hạn định” cho một mối quan hệ “giống như đang đốt một ngọn đuốc, mắt ta mải mê đắm trong thứ ánh sáng lung linh và dịu vợi...”, rồi trăn trở với câu hỏi “Người ta có thương mình không”…
Việt chia sẻ với bạn đọc bài “Học thương” của mình: “ Chuyện tình cảm có muôn vàn lối rẽ, và lòng người cũng có vạn điều phải suy tư. Chúng ta gặp nhau là do duyên số, nhưng không phải cứ vậy mà phó mặc và bắt đền ông trời cho những nẻo xa nhau…”. Thậm chí còn chia sẻ “Kế họach cuộc đời, kế hoạch tình yêu”, để truyền đạt “Hạnh phúc là tự thân”, nhắc chừng cảnh báo không nên dễ dãi chiều chuộng cảm xúc “Mập mờ, sẵn sàng không”.
Với Việt và có lẽ là với các bạn trẻ, câu hỏi “Tình bao lâu mới là thâm, duyên báo chừng mới là thắm”, luôn “treo” trong những suy tư để rồi sau đó nghiệm ra “miễn là hai con tim cùng chung nhịp đập, thì một ngày, một tháng hay bao nhiêu cũng là yêu vậy. Tình bền chặt chính là tình thâm, duyên bên nhau ắt là duyên thắm…”.
Và ngay cả với một cuộc chia tay thì vẫn tự hỏi nhiều lần “Mình còn yêu mà phải không” để không làm tổn thương nhau, để mãi giữ hình ảnh đẹp về nhau: “Người đi tì cũng đã đi rồi, những hẹn hò thôi xin khép lại, những điều ta đã từng xin được gói lại, giữ ở một nơi thật sâu trong trái tim này, để rồi ngày mai nếu lỡ có gặp lại người, thì cũng dũng cảm mà nhẹ nhàng mỉm cười, mà khẽ khàng gật đàu chào cố nhân những năm tháng trước…”.
“Ở bên này thương nhớ" có những góc thương yêu nhiều luyến nhớ đến xao động rung cảm người đọc, Lê Hoài Việt đã dẫn dắt chạm vào nơi sâu thẳm tâm hồn, nhất là với những người trẻ xa quê vào Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Việt đã có những trang viết về người Mẹ của mình nhiều xúc động: “Mẹ đẹp nhất ngay khi tóc mẹ đã lấm tấm bạc vì sương gió. Mẹ đẹp nhất ngay cả khi trán mẹ in hằn những vết nhăn. Mẹ đẹp nhất ngay cả khi đôi bà tay rám nắng và khô cằn vì bụi xi-măng. Người mẹ nào cũng đẹp trong mắt con mình. Nhưng mẹ tôi đẹp nhất”- 365 ngày yêu.
Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh từ hơn 300 năm lập phố, là miền đất hứa, không chỉ là thành phố hoa lệ, mà đây còn là đất lành, lòng người bao dung, tình người trượng nghĩa, dễ sống dễ kiếm tiền, trăm con sông, ngàn con suối, vạn ngôi làng, triệu mảnh đời…, muốn đổ về, muốn tìm đến, dừng đậu lại, mong ưóc đổi đời, khát khao tạo dựng, thỏa chí vẫy vùng, có thể hiện thực hóa những ước mơ của mình, có thể là nơi tạo điều kiện cho mình phát huy mọi nguồn năng lượng bản thân để cống hiến... Lê Hoài Việt cũng là một người trẻ trong số đó.
10 năm ở thành phố này, chưa là nhiều với số đông bạn trẻ khác, nhưng nếu tính con số hơn 3.650 ngày, hơn 87.600 giờ, thì đó là con số rất lớn, nhất là với những người như Việt, với phương châm sống “nhiệt thành mỗi phút, tận tâm mỗi giây, để chẳng bao giờ phải hối tiếc…”, cùng những quan sát chi tiết, tinh tế, những cảm nhận và thấu cảm từng sự vật, sự việc, con người, những ngày mưa, những tháng nắng, những mùa hoa phố, những sáng những chiều…, sẽ có thật nhiều điều để chia sẻ.
“Bởi cũng Sài Gòn, ta gặp những hình nhân, ta chạm vào những mối quan hệ chồng chéo bởi nhiều người, bởi nhiều tầng cảm xúc, khiến sâu thẳm trong ta mơ hồ quá… Sài Gòn ấy à, nơi ấy không dành cho những kẻ sợ đương đầu và thử thách…”- Tìm nhau giữa Sài Gòn
“… chuyện nắng sớm mưa trưa, chuyện của những hào sảng và bao dung. Nhưng cũng Sài Gòn ấy, là những xe hủ tiếu đêm, là những anh giác hơi dạo, là những phòng trọ ọp ẹp ngay sát con kênh đen xì bốc mùi hôi thối…”- Chuyện Sài Gòn.
“Chỉ là linh tinh”, “Lại là linh tinh”, là “Gói mì Tết”, là “Thương những người nội trợ”, hay “Chuyện xe buýt”, “Lại chuyện xe buýt”… , trong “Ở bên này thương nhớ", Việt luôn nhìn về hướng những người lao động, những mảnh đời cần lao, những nhọc nhằn của họ, để cảm thông, chia sẻ, và trên hết là trân trọng, cảm ơn họ đã gom góp thương khó cùng tạo dựng những phồn hoa cho thành phố.
Có lẽ vì thế, khi quyết định “mở” hộp ghi chép ký ức, in thành cuốn “Ở bên này thương nhớ", Lê Hoài Việt đã dành toàn bộ doanh thu từ sách cho các hoạt động thiện nguyện như tủ bánh mỳ 0 đồng, nước uống miễn phí, học bổng sinh viên nghèo hiếu học, phần quà cho các gia đình gặp khó khăn trong Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh.../.