Mỗi người đến đây đều dâng trào cảm xúc tự hào, lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng toàn Đảng, toàn quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Điện Biên và được tham quan các điểm di tích trong Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, em Lù Lương Huy Hoàn đến từ tỉnh Sơn La không khỏi bồi hồi. Dù đã được học, được đọc nhiều tài liệu nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng khi đến tận nơi, nhất là được tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch ở xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, em mới cảm nhận hết được sự gian lao vất vả và những hy sinh mất mát của thế hệ cha ông để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Còn đối với cô giáo dạy bộ môn Lịch sử Lê Thị Bích Thùy, đến từ tỉnh Hà Giang thì chuyến tham quan di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong những ngày tháng 5 lịch sử này không chỉ giúp bản thân trau dồi thêm kiến thức ngoài sách vở, mà còn tạo nguồn cảm hứng để cô có thể truyền tải tới học sinh những bài giảng kỹ và sâu hơn.
Cô Thùy nói: "Là một cô giáo lịch sử khi đến đây thấy các kiến thức được học qua sách vở tại trường chuyên nghiệp và tìm hiểu của bản thân là chưa đủ. Đến đây thấy khung cảnh sống động và thật sự cảm nhận hơn khí thế hào hùng của dân tộc để truyền đạt lại cho các em học sinh".
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm việc trong hơn 100 ngày (từ ngày 31/1/1954 đến ngày 15/5/1954) để chỉ huy chiến dịch lịch sử năm 1954 nay đã trở thành địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ đến tham quan, học tập, nghiên cứu lịch sử.
Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ di tích Mường Phăng cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ di tích, bảo vệ rừng, cảnh quan khu sinh cảnh di tích luôn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan chú trọng. Cùng với đó, việc đón tiếp và phục vụ khách đến tham quan, du lịch cũng được xây dựng một cách chi tiết, đảm bảo chu đáo và chuyên nghiệp.
Ông Hoàng nói: "Để đảm bảo tốt cho công tác phục vụ, chúng tôi đã phân công rõ vị trí làm việc đối với từng thành viên, nhất là phòng bán vé để hướng dẫn cho du khách. Khi khách có nhu cầu dâng hương chúng tôi sẽ cử một cán bộ thuyết minh để hướng dẫn khách đi vào dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau đó mới đưa vào thăm quan khu trung tâm".
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cộng đồng các dân tộc ở Mường Phăng đã chung tay đóng góp sức người, sức của như làm giao liên; quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội; giữ bí mật cho quân ta xây dựng căn cứ; tham gia khai thác đá mở đường cho chiến dịch... góp phần đảm bảo cho Chiến dịch toàn thắng.
Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp cho biết: khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Mường Phăng đã không ngừng nỗ lực trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao:
Ông Hợp nói: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng luôn nhớ lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phải giữ rừng này, phát triển kinh tế để cuộc sống ấm no, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Đoàn kết các dân tộc trên địa bàn xã để cùng nhau phát huy mảnh đất giàu truyền thống, cùng nhau xóa đói, giảm được nghèo, xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống và lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kỳ vọng với nhân dân xã".
68 năm qua đi kể từ chiến dịch lịch sử năm ấy, vùng đất Mường Phăng và Điện Biên Phủ hôm nay đã khoác trên mình diện mạo mới, với những bản làng trù phú, cùng những khu đô thị sầm uất mọc lên... Mỗi tháng 5 về, mảnh đất lịch sử này luôn là điểm hẹn, để mỗi người lại được sống với trang sử hào hùng “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”./.