Bộ phim "Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings" của Disney là tác phẩm thành công nhất phòng vé trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 sau khi mở màn với 94 triệu USD tại Mỹ và đang duy trì đà tăng trưởng tại phòng vé, đánh dấu một thắng lợi cho các rạp chiếu phim. Phim được dự đoán có tổng doanh thu 177 triệu USD sau 3 tuần công chiếu.
Là tác phẩm đầu tiên của Vũ trụ Điện ảnh Marvel lấy nhân vật người châu Á và võ thuật đặc trưng làm trung tâm, tuy nhiên "Shang-Chi" vẫn chưa có ngày phát hành tại thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới - Trung Quốc.
Disney chịu tổn thất nặng nề
Trang Deadline đưa tin rằng việc phát hành tại Trung Quốc gần như ngoài tầm với đối với Disney khi Simu Liu - ngôi sao của bộ phim từng có những phát ngôn gây tranh cãi. Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn của CBC, nam diễn viên đã gọi Trung Quốc là quốc gia "thế giới thứ ba". Mặc dù video này đã bị gỡ xuống khỏi Youtube nhưng những hình ảnh này vẫn còn lan truyền và được tìm thấy trên mạng xã hội của Trung Quốc Weibo.
Cùng với đó, "Shang-Chi" đã vấp phải nhiều tranh cãi về nguồn gốc của nhân vật chính. Khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1973, cha của Shang-Chi là Fu Manchu, một nhân vật được coi là duy trì định kiến phân biệt chủng tộc ở châu Á. Nhà sản xuất đã thay đổi nhân vật này thành Wenwu, dựa trên The Mandarin do Lương Triều Vỹ thủ vai trong "Shang-Chi".
Trước thông tin này, Chủ tịch Marvel Studios Kevin Feige đã đề cập đến lịch sử truyện tranh của Shang-Chi, đã được viết lại nhiều lần trong nhiều năm.“Chắc chắn, Fu Manchu không có trong bộ phim này và đây cũng không phải là cha của Shang-Chi. Một lần nữa, đây thậm chí không phải là một nhân vật Marvel, và đã không xuất hiện trong nhiều thập kỷ,” Feige chia sẻ với Variety.
Theo SCMP, bên cạnh những tranh cãi về bộ phim, việc chưa được phát hành tại Trung Quốc của "Shang-Chi" còn phản ánh việc Trung Quốc thắt chặt các tác phẩm Hollywood tại thị trường nước này, nơi thúc đẩy nguồn doanh thu cho các bom tấn kinh phí lớn.
Aynne Kokas, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia - tác giả của cuốn sách "Hollywood Made in China", nói rằng cuộc tranh cãi "Shang-Chi" đang diễn ra “song song với sự thắt chặt rộng rãi” của truyền thông Trung Quốc và thị trường điện ảnh của nước này.
Các quy định của đất nước đã ảnh hưởng đặc biệt đến Disney trong năm qua. Bom tấn "Mulan" phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay từ bên ngoài Trung Quốc vì các phần của bộ phim được quay ở Tân Cương. Sau những chỉ trích từ nước ngoài, Trung Quốc đã ra lệnh cấm truyền thông về "Mulan" trước khi phát hành trong nước. Cuối cùng, bộ phim đã thất bại với chỉ 40 triệu USD trong toàn bộ thời gian chiếu rạp ở đó.
Sau "Shang-Chi", "Eternals" của Mavels cũng không chắc chắn sẽ được phát hành tại thị trường điện ảnh này. Đạo diễn bộ phim là Chloé Zhao, người sinh ra ở Trung Quốc, đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của chủ nghĩa dân tộc khi phát ngôn rằng "có những lời nói dối ở khắp mọi nơi" ở Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2013. Truyền thông Trung Quốc cũng hạn chế đề cập đến chiến thắng lịch sử của Chloé Zhao tại Oscar với tác phẩm "Nomadland".
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu "Eternals" được phát hành ở Trung Quốc,” Kokas nói. "Đó có thể là một tổn thất lớn đối với Disney, vì các bộ phim của Marvel đã hoạt động tốt ở Trung Quốc. "Avengers: Endgame" là bom tấn nước ngoài có doanh thu cao nhất của đất nước này với 614 triệu USD.
"Doanh thu toàn cầu của "Shang-Chi" sẽ có lợi vô cùng nếu được phát hành tại Trung Quốc. Bộ phim có sự hấp dẫn về mặt văn hoá rõ ràng và thực tế doanh thu của phim Marvel tăng rất nhanh với nguồn thu đến từ thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới này", nhà phân tích của Boxoffice Pro, Shawn Robbins nói.
Phim nội địa đang thống trị phòng vé Trung Quốc
Kể từ khi "Avengers: Endgame" phát hành, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường rạp chiếu lớn nhất trên thế giới. Điều này diễn ra bởi phần lớn rạp chiếu tại Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19 trong khi ngành công nghiệp phim ảnh ở Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Sự phục hồi được thúc đẩy bởi các bộ phim Trung Quốc như "Hi, Mom" và "Detective Chinatown 3",... được phát hành trong năm nay và nhanh chóng lọt vào top 5 phim có doanh thu lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay. Chỉ có hai bộ phim Hollywood hiện đang lọt vào top 10 phim có doanh thu cao nhất tại phòng vé Trung Quốc năm nay: "F9" và "Godzilla vs. Kong". Ngày càng có nhiều tác phẩm nội địa chiếm lĩnh doanh thu phòng vé của Trung Quốc.
Nói về sức hút của các tác phẩm nội địa, Aynne Kokas cho biết: “Có những bộ phim bom tấn Trung Quốc mà các nhà làm phim Trung Quốc đang thực hiện khiến mọi người muốn xem, và họ cảm thấy ít phái sinh hơn những bộ phim được làm ở Hollywood...".
Thị trường điện ảnh Trung Quốc rất nghiêm ngặt trong việc phát hành các bộ phim nước ngoài. Tất cả các bộ phim do nước ngoài sản xuất muốn phát hành tại các rạp Trung Quốc đều phải nhận được sự chấp thuận của chính phủ và vượt qua kiểm duyệt. Bên cạnh đó, nước này còn có hạn ngạch về số lượng phim nước ngoài được phát hành tại nước này mỗi năm trên cơ sở chia sẻ doanh thu, cụ thể là 34 phim.
Tác giả cuốn sách "Hollywood made in China" dự đoán rằng sẽ có ít tựa phim Hollywood được chấp thuận phát hành ở Trung Quốc trong những năm tới. Bà nói, những gì được chấp thuận sẽ phải đối mặt với một “môi trường pháp lý chặt chẽ hơn nhiều”.
Tuy nhiên, Shawn Robbins lại lạc quan hơn về tương lai mối quan hệ giữa Hollywood và Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc có một danh mục nội dung sản xuất trong nước tuyệt vời để thúc đẩy hoạt động kinh doanh rạp chiếu, nhưng chắc chắn rằng các bộ phim Hollywood phát hành cũng đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với doanh thu phòng vé nói chung của thị trường năm này qua năm khác"./.