Mang nghề ra khỏi làng
Từ khoảng 300 năm trước, người làng Xuân La (huyện Phú Xuyên) đã nặn tò he để làm đồ chơi cho trẻ em. Làng nghề may áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) tương truyền đã có từ gần 1.000 năm trước, bắt đầu từ khi thứ phi Nguyễn Thị Sen truyền dạy cho người dân trong làng.
Hà Nội có rất nhiều nghề truyền thống đang được quan tâm gìn giữ phát huy giá trị trong đương đại, như nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)… Sau hàng trăm năm gìn giữ và phát triển, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Hà Nội đã vượt ra khỏi khuôn khổ địa phương để đến với khách hàng trên cả nước và ra quốc tế.
Nghệ nhân Đặng Văn Khương (Làng nghề tò he truyền thống Xuân La) cho biết, với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội, mỗi dịp cuối tuần các nghệ nhân trong làng có thể trình diễn, bán các sản phẩm tò he tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. "Vì điều kiện giao thông chưa thuận lợi nên làng nghề chưa thể đón khách du lịch tới nhiều. Vì vậy, chúng tôi luôn muốn tham gia các chương trình, sự kiện ở trung tâm Hà Nội và các tỉnh, thành khác để sản phẩm tò he Xuân La được biết đến rộng rãi hơn" – ông Đặng Văn Khương cho biết.
Ông Nghiêm Văn Đạt – nghệ nhân may áo dài tại làng Trạch Xá chia sẻ, trong làng có hơn 500 hộ làm nghề may áo dài truyền thống, được lưu giữ qua hình thức cha truyền con nối. Các con của ông Đạt và nhiều người khác đã mang nghề ra trung tâm Hà Nội và mở các cửa hàng may đo áo dài.
Áo dài Trạch Xá và tò he Xuân La đều hiện diện tại “Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại 2020” vừa được Sở VH&TT Hà Nội tổ chức mới đây, cùng với rất nhiều sản phẩm nghề truyền thống khác. Được tổ chức lần đầu tiên năm 2019 cùng với sự kiện công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO, lễ hội là cơ hội để các sản phẩm làng nghề được giới thiệu, trình diễn tới đông đảo nhân dân và du khách, góp phần bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống.
Nghề truyền thống: vừa cũ vừa mới
Phát biểu khai mạc Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại năm 2020, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhấn mạnh: "Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để văn hóa ấy không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội, là cơ hội khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ và là nền tảng cho chúng ta khi hội nhập thế giới".
Tò he của làng Xuân La nay đã khác xưa nhiều, được bổ sung thêm các thành phần khác để món đồ chơi được giữ lâu hơn. Các nhân vật cũng đã biến đổi cho phù hợp với thị hiếu của thiếu nhi ngày nay. Tò he cũng không chỉ còn là món đồ chơi đơn giản mà đã được "nâng cấp" thành những tác phẩm nghệ thuật quy mô, giá trị. Duy chỉ có chất liệu bột gạo truyền thống, không độc hại cùng tâm huyết của người nghệ nhân là không hề thay đổi.
"Ngoài những que tò he nhỏ, chúng tôi luôn tích cực tìm tòi và sáng tạo để sản sinh ra những tác phẩm lớn hơn như mô hình các di tích văn hóa, lịch sử, câu chuyện vua Lý Thái Tổ đọc chiếu dời đô… Làng nghề đã lập kỷ lục Việt Nam về mô hình con rồng thời Lý và con rùa to nhất với khối lượng khoảng 300kg" - ông Đặng Văn Khương chia sẻ.
Anh Vũ Đức Khuyến – một nghệ nhân mới 26 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên cho biết:"Từ khi tôi học lớp 6, cứ vào thời gian nghỉ hè là bố mẹ lại cho học nghề khảm trai truyền thống để giữ nghề cho gia đình. Nghề gốc xưa kia là khảm trai nhưng bây giờ đã chuyển sang khảm ốc để bền màu hơn. Mặt hàng này ngày càng kén khách nên chúng tôi phải tích cực sáng tạo, đổi mới, nhập các nguyên liệu từ nước ngoài và áp dụng thêm các vật liệu mới để sản phẩm có chất lượng tốt hơn".
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, những điều xưa cũ không phải cái gì cũng tốt. "Về văn hóa dân gian, có những thứ phản cảm hay không còn phù hợp thì phải bỏ đi hoặc cải tiến, chỉ giữ lại những gì quý nhất. Ví dụ hiện nay những nông cụ như đó, lờ… không còn phổ biến, thì người làm nghề phải nâng cao giá trị và tính thẩm mỹ để biến thành sản phẩm trang trí, quà tặng. Nhiều nghề truyền thống kịp thời thích nghi nên vẫn duy trì tốt, như nghề rèn Đa Sỹ, đồ gỗ Đồng Kỵ. Nghề truyền thống phải luôn gắn với đời sống đương đại, luôn có sự phát triển và bổ sung"./.