Nhà thơ Y Phương luôn muốn mang nét văn hóa của dân tộc hòa chung cùng những nền văn hóa của các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Những bài thơ đầu tiên nhà thơ Y Phương xuất hiện trên văn đàn dung dị, hồn nhiên, in đậm lối tư duy của người vùng cao. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, hình ảnh phong phú, mang ý nghĩa biểu tượng.

Từ tác phẩm “Người núi Hoa”, “Tiếng hát tháng giêng”, “Lửa hồng một góc” đến “Lời chúc”, “Đàn then” chúng ta đã hình dung đời sống văn hóa sâu đậm của người Tày, đó là những con người vạm vỡ “Người đồng mình tự đúc đá kê cao quê hương”, là những người đàn bà “ mặt đỏ phừng/đủ sức vác ông chồng/chạy phăm phăm len núi”. Đó còn là bản sắc muôn đời mà người Tày gìn giữ và sáng lên lấp lành qua những câu thơ gan ruột của ông.

Một lần nhà thơ Y Phương chia sẻ “Tôi luôn có khát vọng đem tiếng nói của người Tày đi khắp muôn nơi, để các dân tộc khác biết về một dân tộc dũng cảm và kiên cường. Người Tày sống trên núi đá, kiếp này sang kiếp khác, họ hiên ngang như núi, bền gan như núi”. Bởi thế, thơ Y Phương là tiếng hát ngợi ca con người và cuộc sống miền núi (Tiếng hát tháng Giêng), là sự thức tỉnh ý thức và tinh thần dân tộc (Lời chúc), là sự khẳng định sức sống mạnh mẽ của dân tộc mình (Đàn then).

Thơ Y Phương lúc nào cũng toát ra tình yêu và lòng nhân ái. Thắm thiết và mạnh mẽ hơn cả trong thơ Y Phương là tình yêu quê hương, làng bản. Bản sắc dân tộc trong thơ ông thể hiện rõ nét nhất trong một loạt bài thơ viết về tình quê hương: "Tên làng", "Nói với con", "Người khai sinh bài ca", "Bài ca thứ 9", "Sông", "Hiến dưng yêu"… Yêu quê hương tức là yêu dân tộc mình, tự hào và gắn bó với dân tộc mình, đó cũng là một cảm hứng lớn trong thơ của Y Phương. Điều quan trọng hơn là từ tình cảm của mình, Y Phương đã khái quát được số phận của cả một dân tộc.

Nét độc đáo của Y Phương còn được bộc lộ rõ ở một số bài thơ viết về tình yêu. Ở đó, ông đã thể hiện tâm hồn của một người miền núi chân thật, mạnh mẽ và trong sáng với cách tư duy sống động bằng hình ảnh của người dân tộc. Thơ ông như một bức tranh thổ cẩm đan dệt những màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng, nhưng trong đó có một màu sắc  chủ đạo, một âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo. Nét độc đáo đó nằm ở cả nội dung và hình thức giọng điệu mới, một phong cách mới. 

Người thơ ấy, người đàn ông Tày hiền lành, nhận hậu và vạm vỡ ấy vừa tạm biệt chúng ta. Ông đã về với núi cao, với miền đất Trùng Khánh ngút ngàn may trắng, nơi đó ông được gặp lại tiên tổ, ông bà, gặp lại núi non thân thuộc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ nỗi buồn khi nghe tin ông mất: "Những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng ấy ban ngày bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi, và đưa ông về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhiều lúc, ông phải kêu lên trong buồn bã bởi nhớ quê. Nhất là những năm tháng tuổi già ít về được cố hương. Nhưng giờ ông đã hoàn toàn được trở về nơi chốn ấy để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ ông và để chìm đắm trong những câu hát tháng Giêng thánh thiện của xứ sở mình”./.