Đề phòng dịch bệnh, Lễ hội Thạt Luổng năm nay được tổ chức gọn nhẹ hơn, chỉ giữ lại các nghi lễ chính để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân khi đến với một Lễ hội văn hóa Phật giáo lớn nhất xứ sở Triệu Voi.
Năm nay, vì yêu cầu chống dịch, Lễ hội Thạt Luổng được tổ chức chỉ trong 3 ngày (từ 29 đến 31/10), thay vì 7 ngày như mọi năm. Các hoạt động vui chơi giải trí, hội chợ thương mại... đều bị hủy bỏ, chỉ giữ lại các nghi lễ chính. Lễ hội Thạt Luổng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người Lào, là dịp để mọi người thể hiện lòng ngưỡng vọng của mình với Đức Phật, dâng hương hoa cầu cho đất nước thanh bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Chiều hôm qua (30/10), người dân đã thực hiện Lễ rước Phạ Sạt Phơng (Tháp sáp) từ chùa mẹ Xỉ Mương tới Thạt Luổng để dâng lễ. Phạ Sạt Phơng là mô hình kiến trúc tháp, chung quanh gắn hoa làm bằng sáp ong màu vàng rực rỡ. Trên chóp cắm 9 hoa sen trắng, xung quanh gắn các tua dây kết hoa hoặc giấy bạc, có ý nghĩa như tập tục cúng vàng mã của người Việt. Nhiều làng hoặc các gia đình cũng làm Tháp sáp của riêng mình, tổ chức thành từng đoàn đi vòng quanh Thạt Luổng, dâng lên Đức Phật để cầu phước cho gia đình và cộng đồng.
Sáng sớm nay (31/10) bà con Phật tử đã thực hiện nghi lễ “Say Bat”, dâng lễ vật lên các nhà sư và được sư ban phước lành. Đây cũng là dịp để các sư nhắc lại lời dạy của Đức Phật, khuyên mọi người sống tốt, làm nhiều việc thiện, tránh việc ác, giữ tâm trong sáng”, chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cùng gia đình đi dự lễ hội, ông Khamphanh Keonivong, người dân quận Sikhottabong, thủ đô Vientiane cho biết: “Một năm ở Lào có nhiều lễ hội như Lễ hội Thạt Luổng, Lễ hội đua thuyền... và nhiều lễ hội khác, trong đó Lễ hội Thạt Luổng là lễ hội quan trọng nhất của người Lào. Việc tổ chức lễ hội là góp phần gìn giữ phong tục tập quán của Lào, dạy dỗ con cháu biết ơn công lao đối với Tổ quốc, lịch sử hình thành của đất nước, để họ hiểu hơn, biết trân trọng và yêu thương nhau hơn”.
Thạt Luổng là tòa tháp lớn nhất và đẹp nhất của Lào; là biểu tượng văn hoá tiêu biểu cho sự sáng tạo của người Lào qua nhiều thế hệ. Tháp được xây dựng vào thế kỷ XVI, khi Quốc vương Lạn Xạng dời đô từ Luang Prabang về Vientiane.
Thạt Luổng là một trong số ít những nơi trên thế giới lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi Phật giáo trở thành quốc đạo và Vientiane thành kinh đô mới, Vua Setthathirat đã cho tu bổ lại Thạt Luổng bằng cách xây bọc lên ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to hơn, đẹp hơn. Kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay.
Tháp có bệ hình vuông, mỗi bề rộng gần 70, xung quanh trang trí 332 hình lá bồ đề cách điệu. Ngoài tháp chính cao 45m, còn có 30 tháp nhỏ tượng trưng cho 30 năm tu hành của Phật Thích ca. Trên các tháp nhỏ này đắp nổi những hàng chữ Bali, ghi lại những lời răn dạy của đức Phật.
Đêm nay, Lễ hội Thạt Luổng sẽ kết thúc bằng nghi thức rước nến. Hàng nghìn Phật tử cầm nến đi vòng quanh thảm cỏ bên trong khuôn viên Thạt Luổng. Trong ánh sáng lung linh của hàng vạn ngọn nến, trong ngào ngạt hương hoa và không khí thiêng liêng, thành kính bên Thạt Luổng, mọi người vừa đi, vừa cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình; mong cho xứ sở Triệu Voi luôn yên bình, thịnh vượng./.