Để đáp ứng nhu cầu thưởng lãm lịch sử văn hóa của người dân trong hoàn cảnh đại dịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã giới thiệu đến công chúng ba ứng dụng công nghệ gồm: Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”, Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online), Giờ học lịch sử online.

Thạc sỹ Phạm Thị Mai Thuỷ, trưởng phòng giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Thông qua trưng bày ảo 3D, khách tham quan có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn các hiện vật trưng bày cũng như không gian trưng bày của bảo tàng, qua đó bảo tàng có thể kết nối mở rộng đối tượng khách tham quan trên toàn thế giới mà không bị ảnh hưởng hay giới hạn bởi yêu tố địa lý, cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trên cơ sở những công nghệ đã ứng dụng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ nâng cấp, cập nhật những tính năng mới, từ tra cứu thông tin khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu. 

Anh Đặng Phan Điệp, đại diện công ty Vietsoft pro, đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc thiết kế, sử dụng các tính năng công nghệ cho biết: "Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ có liên quan đến trải nghiệm và tương tác 3D với bảo vật quốc gia. Mỗi bảo vật ở đây được chúng tôi sử dụng công nghệ Scent lazer để khách tham quan khi truy cập vào trang bảo tàng có thể tìm hiểu về bảo vật, hình thức, hoa văn, chất liệu hình ảnh hiện vật. Ngoài hình ảnh còn có hướng dẫn viên mô tả và giải thích từng nội dung, hoa văn, ý nghĩa của hiện vật. Chúng tôi đưa ra công nghệ để các chuyên gia của bảo tàng có thể mô tả, giải thích, tương tác một cách trực quan trên mô hình 3D”.

Trong tình hình dịch bệnh dự báo còn kéo dài, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận định: "3 ứng dụng này chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ vừa làm vừa thể hiện để có sự hoàn thiện hơn về mặt tư liệu. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện bổ sung tư liệu làm phong phú hơn cho 3 chuyên đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với công ty Vietsoft pro và các nhà khoa học, các chuyên gia trên cơ sở nghiên cứu đánh giá nhu cầu thực tiễn của khách tham quan để xây dựng các sản phẩm mới. Trước mắt có thể là giới thiệu hệ thống thuyết minh tự động và những clip giới thiệu về những chuyên đề chuyên sâu mà chúng tôi sẽ giới thiệu trong thời gian tới”.

Việc ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới, thuận lợi, đa dạng phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, góp phần từng bước hiện đại hóa các hoạt động của bảo tàng./.