Đau xót khi di tích lịch sử quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng
Những ngày gần đây, người dân thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh không khỏi đau xót khi phải chứng kiến hai di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc quốc gia là Đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc bị chính quyền địa phương tự ý tháo dỡ, phá bỏ... khiến hai di tích cổ này bị tan hoang, trơ trọi.
Bãi gạch còn lại từ ngôi chùa cổ Thiên Phúc đã tồn tại từ mấy trăm năm nay vừa bị chính quyền địa phương thôn Đại Lâm và UBND xã Tam Đa phá dỡ như thách thức người dân. Tượng phật thì ở một chỗ, những phiến đá, bia cổ thì nằm ngổn ngang, những tấm thanh cột gỗ có giá trị kiến trúc nghệ thuật quốc gia thì nằm như đống củi mục... khiến ông Nguyễn Xuân Biện 85 tuổi ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong cùng hàng trăm người dân thôn Đại Lâm không khỏi ngậm ngùi, xót xa.
Ông Biện cho biết, di tích Đình làng Đại Lâm được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989. Ngôi đình Đại Lâm thờ ba anh em Minh Công, Nghiêm Công, Trị Công, giúp Vua Hùng đánh giặc Ân. Còn di tích Chùa làng Đại Lâm cũng được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1989.
“Hình ảnh ngôi đình làng và chùa Thiên Tự tồn tại ở làng Đại Lâm hàng mấy trăm năm trước, gắn bó thân thuộc với chúng tôi từ nhỏ cho đến giờ. Giờ đây, tôi ở cảnh “gần đất xa trời” rồi mà vẫn thật đau đớn khi thấy đình làng thì bị tháo dỡ, còn chùa thì bị phá bỏ hết rồi”- ông Biện chia sẻ.
Theo người dân thôn Đại Lâm, cả hai di tích Đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc nằm trong quần thể Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật “Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm” thuộc xã Tam Đa, huyện Yên Phong. Cụm di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21/01/1989. Trải qua thời gian có bị xuống cấp, hư hỏng một số hạng mục kiến trúc nghệ thuật, tuy nhiên việc chính quyền địa phương xã Tam Giang và thôn Đại Lâm đã tự tháo dỡ, phá bỏ, sửa chữa đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc mà chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho phép trùng tu, tôn tạo, chưa tổ chức họp, bàn với nhân dân địa phương khiến công trình di tích bị xâm hại nghiêm trọng, người dân vô cùng bức xúc.
“Chúng tôi cũng rất mong muốn ngôi Đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc được tu sửa và bảo tồn cho bền vững nhưng là di tích kiến trúc nghệ thuật của quốc gia mà chính quyền địa phương tự ý tháo dỡ, phá bỏ đi để làm lại, đồng thời không có tổ chức cuộc họp, bàn với dân, để công trình di tích bị xâm hại, tan hoang như vậy khiến chúng tôi rất đau xót. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh”- ông Hà Quý Long, người dân thôn Đại Lâm cho biết.
Trước sự phản ánh của người dân thôn Đại Lâm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm 2020, theo đề nghị của UBND xã Tam Đa, UBND huyện Yên Phong và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Văn bản về việc tu sửa cấp thiết hạng mục Hậu cung, đình Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ chống xuống cấp di tích năm 2020 của tỉnh và nguồn vốn ngân sách của xã.
Do địa phương không thực hiện được việc tu sửa cấp thiết trong năm 2020, nên chuyển nguồn vốn hỗ trợ sang năm 2021. Hiện tại việc tu sửa tòa Hậu cung đang được UBND xã Tam Giang và Ban Quản lý di tích địa phương thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 9/2021 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh nhận được văn bản của UBND xã Tam Đa, huyện Yên Phong về việc đề nghị cho phép tu bổ, phục hồi một số hạng mục tòa Tiền tế và Đại đình của đình Đại Lâm.
Tuy nhiên, ngày 30/08/2021, qua kiểm tra thực tế tại di tích, cơ quan chuyên môn của Sở đã phát hiện việc địa phương tự ý hạ giải toàn bộ phần mái tòa Tiền tế đình Đại Lâm để tu bổ, xây dựng nền móng của tòa Tiền tế mới cách tòa Tiền tế khi lập hồ sơ xếp hạng khoảng 08 mét khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép.
Việc làm này đã vi phạm trong quản lý, sử dụng di tích, vi phạm vùng có yếu tố gốc cấu thành di tích (Khu vực bảo vệ 1) theo khoản 3, Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Văn bản ngày 30/08/2021 cho dừng thi công tu bổ di tích đình Đại Lâm, đảm bảo đúng quy định. Đồng thời Sở đề nghị UBND huyện Yên Phong chỉ đạo thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi năm 2009; Nghị định số 166 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ túc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 15 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo quan, tu bổ, phục hồi di tích và thực hiện Quyết định số 10 ngày 06/05/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Yêu cầu UBND huyện Yên Phong chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xử lý đối với những vi phạm trong việc trùng tu, tôn tạo di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan dẫn đến vi phạm nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng di tích.
Chính quyền địa phương không ai biết?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi kiểm tra việc tu sửa, tôn tạo tại di tích Đình Đại Lâm, ngành chức năng xác định rõ việc vi phạm, xâm hại di tích kiến trúc nghệ thuật, đồng thời đình chỉ thi công việc tu sửa công trình di tích.
“Chính quyền xã đã để thôn tự đứng ra triển khai nên khiến sự việc xảy ra như vậy. Hiện tại chúng tôi đã cho dừng thi công và đang xin ý kiến của Bộ. Hồ sơ của địa phương đã làm xong xuôi và báo cáo UBND tỉnh để gửi ra Bộ và chờ Bộ có ý kiến thỏa thuận. Nếu Bộ đồng ý thì địa phương sẽ triển khai thi công tu bổ theo phương án hồ sơ đã xác lập. Nếu Bộ có góp ý chỉ đạo về chuyên môn thì sau sẽ tham mưu cho Sở chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện tiếp”- ông Mạo cho biết thêm.
Về việc ngôi chùa cổ Thiên Phúc đã bị chính quyền địa phương tháo dỡ hoàn toàn, ông Nguyễn Hữu Mạo cho biết, Sở đã làm văn bản đề nghị UBND huyện Yên Phong phải có phương án để xử lý. Theo phân cấp quản lý nhà nước về di tích thì quản lý trực tiếp là UBND cấp xã quản lý trực tiếp, còn UBND huyện là quản lý nhà nước tại địa phương.
“Họ đã phá bỏ toàn bộ chùa rồi, không còn cái gì cả. Chúng tôi đã có hướng dẫn địa phương thực hiện công tác đảo ngói chùa rồi thực hiện việc tu bổ sau khi hoàn thiện hồ sơ, pháp lý. Tuy nhiên họ tự ý tháo dỡ chùa ra. Là chùa cổ nên khi họ tháo dỡ đến đâu gây hư hỏng các hạng mục gỗ cổ đến đấy, thành ra là hạ giải cả ngôi chùa. Cả ngôi chùa với các hạng mục kiến trúc nghệ thuật cổ như thế mà giờ đây khi hạ giải xong chỉ còn một đống củi mục. Chỉ còn các bức tượng phật, đồ thờ và hạng mục đá”- ông Mạo nói.
Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, việc phá dỡ chùa Thiên Phúc là vi phạm rất nghiêm trọng Luật Di sản, xâm hại nghiêm trọng đến công trình di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, có thể quy kết rõ trách nhiệm công tác quản lý di tích ở địa phương. Bây giờ cả một công trình như thế mà không có hồ sơ, giấy phép gì mà tùy tiện hạ giải toàn bộ. Không có một cơ quan chuyên môn hay cơ quan chức năng của nhà nước tham gia, có ý kiến để bảo tồn, tu tạo.
“Khi chúng tôi đến kiểm tra thì xã nói xã không biết, thôn bảo thôn không biết... mà gia đình của đồng chí Chủ tịch UBND xã Tam Đa lại ở ngay thôn Đại Lâm, nhà gần chùa Thiên Phúc thì không biết chính quyền địa phương không biết thật hay cố tình không biết? Không thể nói là không biết được!”- ông Nguyễn Hữu Mạo nhấn mạnh.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho biết: UBND xã đã thực hiện đầy đủ hồ sơ được UBND huyện Yên Phong phê duyệt, được thẩm định qua các cơ quan chuyên môn, thẩm định hồ sơ đấu thầu thì mới làm được, vì đây là thực hiện theo đầu tư công. Còn một số hạng mục xã hội hóa thì dân đang thành lập Ban vận động để chuẩn bị xây dựng, huy động xã hội hóa từ nhân dân.
"Trước đây chúng tôi đã có báo cáo về việc Tòa Hậu cung xuống cấp, sau khi các bộ phận về khảo sát thực tế và cho cấp phép tu sửa cấp thiết. Xã đã lập báo cáo, đề xuất chủ trương, xây dựng khảo sát rồi báo cáo kinh tế kỹ thuật, được phê duyệt rồi chúng tôi mới tiến hành đấu thầu. Đấu thầu xong thì chúng tôi mới triển khai xây dựng được, không ai không được cấp phép mà dám làm, không ai dám động đến”- ông Hùng khẳng định.
Để làm rõ hơn vai trò chỉ đạo, quản lý di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia trên địa bàn bị xâm hại nghiêm trọng, phóng viên có liên hệ với ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong thì được ông Cường cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo và yêu cầu UBND xã Tam Đa báo cáo về vụ việc. Tới đây, trên cơ sở báo cáo của xã, UBND huyện sẽ xem xét cụ thể và xử lý theo quy định pháp luật”.
VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.