Đối diện những bất ổn trong hành vi, ứng xử của nghệ sĩ, Bộ VHTT&DL đang tổ chức soạn thảo Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cuộc họp mới đây nhất về việc soạn thảo này vừa diễn ra ngày 1/9.
Xung quanh dự thảo về bộ Quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ của Bộ VHTT&DL, VOV.VN có cuộc trao đổi với chuyên gia quản trị và truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành.
Bộ quy tắc nhẽ ra phải được đưa ra sớm hơn
PV:Theo anh, vì sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành bộ Quy tắc ứng xử dành riêng cho giới nghệ sĩ?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành:Theo tôi nên có bộ quy tắc ứng xử chung cho toàn xã hội. Bộ quy tắc gần đây của Bộ Thông tin - Truyền thông là rất cần thiết. Bộ quy tắc lần này dành cho nghệ sĩ cũng sẽ có những tác dụng nhất định với cách hành xử, ứng xử của nghệ sĩ hoạt động tại Việt Nam. Bộ quy tắc có giá trị như một bộ "hương ước" thời xưa, giúp các thành viên trong cộng đồng có cách ứng xử phù hợp trong mọi trường hợp.
PV:Một trong những nội dung của bộ quy tắc được nhiều người quan tâm đó là nghệ sĩ có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, trung thực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân. Anh có suy nghĩ thế nào về nội dung này?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành:Tôi nghĩ đây là điều đúng mọi nơi mọi lúc, bộ quy tắc đáng nhẽ phải được đưa ra sớm hơn. Hiện tại, bộ quy tắc mang tính thời sự bởi dư luận xã hội đang quan tâm đến hoạt động mang tính thời sự là từ thiện. Mọi việc xảy ra đều sẽ không vô ích nếu chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm. Sau những thắc mắc của công chúng về việc tiếp nhận, sử dụng tiền quyên góp được vì mục đích thiện nguyện thì các quy định về hoạt động nhân đạo tư nhân, hoạt động nhân đạo cộng đồng, quỹ nhân đạo sẽ được ban hành, góp phần tạo nên khung pháp lý cần thiết cho các hoạt động này theo nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và có tính thời hạn.
PV:Nhiều ý kiến cho rằng, việc không có chế tài, quy định xử phạt sẽ khiến bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ mà Bộ VHTT&DL đang xây dựng không có nhiều tác dụng bởi không có tính răn đe. Trong khi thực tế những gì đang diễn ra cho thấy, rất cần một chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các nghệ sĩ bê bối. Quan điểm của anh thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành:Trước hết cần một khung thảo luận về chủ đề này và bộ quy tắc lần này sẽ là bước đệm để tạo ra các cuộc thảo luận. Còn lại, việc xử phạt phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn, song song với đó là sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng và sự tự giác của mỗi người có liên quan.
Tẩy chay là một trong những biện pháp trừng phạt hiệu quả nhất
PV:Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc phải chịu hình phạt “phong sát” vì ồn ào đời tư. Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nơi có nền giải trí càng phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, chỉ cần một bê bối dù nhỏ cũng có thể làm sụp đổ sự nghiệp của nghệ sĩ. Anh suy nghĩ như thế nào về sự nghiêm khắc của ngành giải trí các nước này đối với các ngôi sao của mình?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành:Thực tế cho thấy rằng các hoạt động trừng phạt dù nghiêm khắc đến mấy người ta vẫn tiếp tục vi phạm. Sự tự giác, tự kiềm chế, tự kiểm soát vẫn là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất. Nhưng không có gì là tuyệt đối.
PV:Trong khi đó, nhìn về giới giải trí trong nước, gần đây xảy ra không ít bê bối, từ việc người nổi tiếng bóc phốt, hạ bệ nhau trên mạng xã hội, có phát ngôn “lệch chuẩn”, cho đến nghệ sĩ quảng cáo rởm tràn lan hay không minh bạch trong cứu trợ, từ thiện, và không thiếu những ồn ào tình cảm liên quan đến nghệ sĩ khiến công chúng bức xúc… Tuy nhiên, ít có hình phạt cụ thể nào được áp dụng. Anh có thấy chúng ta đang quá dễ dãi với nghệ sĩ?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành:Tất cả cần được xử lý trên nền tảng pháp luật, vi phạm pháp luật về quảng cáo thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Xúc phạm người khác gây hậu quả nghiêm trọng, gây tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của người khác cũng đã có quy định. Gần đây với Luật An ninh mạng, nghị định 15 thì cơ sở xử phạt cũng đã rõ ràng hơn. Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý và đưa ra xử nghiêm 1 số vụ để làm gương.
PV:Ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng, nghệ sĩ lười xin lỗi. Họ thường chọn cách im lặng, đợi khán giả lãng quên rồi mọi chuyện sẽ lắng xuống. Hoặc nếu có xin lỗi thì đa phần vấp phải phản ứng của khán giả vì chưa đủ chân thành… Theo anh khi mắc lỗi, nghệ sĩ Việt cần ứng xử như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành: Im lặng cũng là một phương pháp để đối diện với khủng hoảng, cũng không thể cấm các nghệ sĩ dùng phương pháp này. Tuy nhiên, nếu có lời xin lỗi hợp tình hợp lý thì khủng hoảng có thể trôi qua nhanh hơn, tổn hại cũng ít hơn.
PV:Chưa xét đến luật pháp thì văn hóa “bao dung” của người Việt cũng là điều dễ dàng nhận thấy. Có phải đó là nguyên nhân khiến cho những sai lầm cứ tiếp diễn?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành:Sự tin tưởng dành cho bất kì ai cũng đều giảm xuống sau mỗi lần người được tin tưởng mắc lỗi. Không có gì là vô hạn. Mọi sai lầm đều có hậu quả dù người có liên quan có nhận ra hay không.
PV: Liệu có nên áp dụng hình thức “phong sát” để răn đe đối với những nghệ sĩ mắc sai lầm nghiêm trọng?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành:Tôi không thích từ này bởi nó quá bạo lực và tạo ra hình ảnh xấu trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra với người phạm lỗi nghiêm trọng thì cũng không phải là điều không thể.
PV: Xin cảm ơn anh!./.