"Trải qua một thời gian đại dịch kéo dài, chúng ta ai cũng có những mất mát. Hôm nay, chúng ta cùng ngồi lại để nghe những bài tình ca, những bài thân phận ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để hàn gắn những vết thương lòng và chia sẻ thông điệp yêu thương".
Đó là những chia sẻ của ca sĩ Tấn Sơn - một người yêu nhạc Trịnh, một người bạn của gia đình cố nhạc sĩ và thành viên của ban tổ chức đêm nhạc "21 Năm Nhớ Trịnh Công Sơn" diễn ra tối qua ở đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM).
Điều đặc biệt là trong hơn 300 khán giả đến theo dõi chương trình thì có đến 80% là các bạn trẻ.
Lê Vũ Thanh Thanh - một sinh viên trường Đại học Kiến trúc TP.HCM có mặt từ rất sớm chia sẻ: "Lúc còn nhỏ, ba tôi rất hay hát những bài nhạc Trịnh và đó là cơ duyên đưa tôi đến với nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh mang đến cho tôi cảm giác rất bồi hồi. Tôi nghĩ, âm nhạc bây giờ rất khó thể hiện được những điều như nhạc Trịnh đã làm được".
Trong gần 3 tiếng, khán giả được đắm chìm trong rất nhiều ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ như: "Hãy yêu nhau đi", "Cho đời chút ơn', "Mưa hồng", "Như cánh vạc bay", "Ở trọ", "Nghe những tàn phai", "Tuổi đời mênh mông",...
Ngoài các giọng ca quen thuộc như: Hiền Thục, Tấn Sơn, Hà Lê,... chương trình còn có sự góp giọng của nhiều nghệ sĩ trẻ, trong đó có các diễn viên của dự án phim "Em và Trịnh". Mỗi nghệ sĩ một màu sắc và phong cách thể hiện khác nhau, đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Ông Bùi Mạnh Kiên - một khán giả 67 tuổi cho biết, nhạc Trịnh đã gắn bó và trở thành món ăn tinh thần của ông từ năm 13 tuổi. Theo ông, cái hay và thú vị của nhạc Trịnh là ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời thì ông lại thấy có thêm những chiêm nghiệm mới, cảm xúc mới khi nghe nhạc Trịnh.
"Mỗi lần nghe nhạc Trịnh Công Sơn đều làm tâm hồn tôi thấy thư thái, có nhiều ý tứ, ca từ mình phải suy ngẫm, mà càng nghe thì mình càng thấy thấm thía về cuộc sống, về nhân sinh quan. Hôm nay thấy chương trình toàn người trẻ đi như thế này, tôi tin nhạc Trịnh sẽ còn sống mãi", ông Bùi Mạnh Kiên bày tỏ.
Sau khi đêm nhạc ở Đường sách kết thúc, một chương trình khác là "Đêm thao thức cùng Trịnh lần thứ 10" với chủ đề "Đóa hoa vô thường" cũng được tổ chức tại nghĩa trang Gò Dưa (TP.Thủ Đức).
Như thường lệ, những người mộ điệu nhạc Trịnh không chỉ ở TP.HCM mà còn từ nhiều tỉnh thành khác đã về đây, quây quần bên mộ nhạc sĩ, cùng nhau thắp nến và hát lên những khúc ca nhạc Trịnh.
Ông Ngô Hữu Lợi - đại diện ban tổ chức chương trình cho biết, năm nay ngoài tưởng nhớ cố nhạc sĩ thì chương trình cũng kết hợp tưởng nhớ thiền sư Thích Nhất Hạnh và tưởng niệm các nạn nhân mất vì Covid-19.
"Qua đêm này, chúng tôi cố gắng làm hết sức mình để cái thiền, cái chân Bụt của thiền sư Thích Nhất Hạnh và ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đi vào lòng người, để mọi người cảm nhận và thấu hiểu sự vô thường, sự chuyển tiếp của cuộc sống", ông Ngô Hữu Lợi nói.
Có thể thấy dù đã 21 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm nhưng âm nhạc của ông thì vẫn sống sống mãi trong lòng những người mộ điệu. Dù qua bao thăng trầm thời gian thì nhạc Trịnh vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam./.