Sau thành công ấn tượng của BTS với 2 bản hit tiếng Anh "Dynamite" (2020) và "Butter" (2021), ngày càng nhiều nghệ sĩ K-pop phát hành các bài hát có lời hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong khi một số người hoan nghênh động thái này, tin rằng nó sẽ giúp K-pop được yêu thích nhiều hơn trên toàn thế giới, thì một số người lại đặt câu hỏi: Liệu một bài hát có còn là K-pop nếu không có lời tiếng Hàn không?

Gần đây nhất, nhóm nhạc nữ TWICE đã phát hành đĩa đơn tiếng Anh đầu tiên mang tên “The Feels” và trình diễn ca khúc này trên sân khấu chương trình trò chuyện của Mỹ “The Tonight Show Starring Jimmy Fallon”. Công ty quản lý  JYP Entertainment cho biết sản phẩm âm nhạc này là món quà đặc biệt dành cho người hâm mộ quốc tế, đồng thời là bàn đạp tăng tốc cho các dự án toàn cầu của nhóm nhạc nữ.

Nhưng TWICE chỉ là một trong số những nghệ sĩ K-pop đã phát hành các ca khúc lời tiếng Anh. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Woodz đã phát hành EP “Only Lovers Left” với 3 trong số 6 bài hát viết hoàn toàn bằng tiếng Anh.  Woodz nói: “Tôi đã viết các bài hát tiếng Anh bởi vì tôi nghĩ rằng tôi cần phải có một bước nhảy vọt để vươn ra toàn cầu. “Tôi đã chuẩn bị các bài hát với hy vọng rằng mọi người ở nước ngoài cũng có thể thưởng thức âm nhạc của tôi. Mục tiêu của tôi cho album này là trở thành một nghệ sĩ toàn cầu”.   Nhóm nhạc đàn em của BTS là TXT cũng đã phát hành ca khúc tiếng Anh đầu tiên “Magic” vào tháng 5 và biểu diễn nó trên talkshow “The Late Show with Stephen Colbert” vào tháng trước. Nhóm nhạc nam Monsta X đã tiến xa tới mức phát hành một album hoàn toàn bằng tiếng Anh “All About Luv” cho thị trường Mỹ vào năm 2020.

Theo JoongAng Daily, đối với hầu hết các ngôi sao K-pop, việc phát hành các bài hát có lời tiếng Anh dường như đồng nghĩa với việc đưa sự nghiệp của họ lên tầm quốc tế. Các bài hát "K-pop" hoàn toàn bằng tiếng Anh không còn phải đến thời điểm này mới có. Vào những năm 2000, nhóm nhạc Wonder Girls hay nữ ca sĩ BoA cũng cố gắng tiến sâu vào thị trường âm nhạc Mỹ bằng các sản phẩm như vậy, tuy nhiên không đạt được thành công. 

Lý giải về điều này, giáo sư Lee Gyu Tag, nghiên cứu truyền thông và nhạc pop tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết: “Sự khác biệt lớn nhất là hồi đó K-pop không có chỗ đứng. Các album tiếng Anh của Wonder Girls và BoA ra mắt ở Mỹ giống như một phương tiện để mở rộng sự nghiệp, và chúng đều không thành công ở nước ngoài cũng như trong nước. 

Nhưng BTS đã xây dựng được một lượng người hâm một quốc tế vững chắc với các ca khúc tiếng Hàn của mình, vì vậy việc phát hành "Dynamite" và "Butter" chỉ là một động thái khác để thu hút một lượng lớn khán giả không biết  Hàn. Đó là sự khác biệt với các bài hát K-pop tiếng Anh mà chúng ta đang thấy ngày nay".

 Nhà phê bình văn hóa nhạc pop Jeong Deok Hyun cho biết: “BTS ban đầu đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới thông qua các bài hát Hàn Quốc. Nếu ngay từ đầu BTS đã bắt đầu với những ca khúc tiếng Anh, những phản hồi sẽ rất tiêu cực. Nhưng bây giờ K-pop đã vượt ra khỏi Hàn Quốc, các ca khúc nhạc tiếng Anh có thể được coi là một hành động phục vụ người hâm mộ toàn cầu và là một chiến lược đặc biệt tốt để có thêm thời lượng phát sóng trên đài phát thanh ở nước ngoài”. Jeong Deok Hyun cũng nhận định các bài hát không phải tiếng Anh được cho là gặp bất lợi trên các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế vì chúng được phát sóng trên radio tương đối ít, như trường hợp bản hit năm 2012 của Psy “Gangnam Style”. “Dynamite” và “Butter” của BTS đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn Hot 100 của Billboard một phần là do các bài hát được viết bằng tiếng Anh, vốn là thứ mà người nghe Mỹ quen thuộc hơn.

Jeong nói thêm: “Thời lượng phát sóng trên đài nhiều hơn đồng nghĩa với việc quảng bá và phản ánh biểu đồ nhiều hơn ở các nước phương Tây. Lời bài hát tiếng Anh chắc chắn giúp đỡ tháo bỏ rào cản ngôn ngữ với những người không quen với tiếng Hàn”.

Tuy nhiên, một số ý kiến ​​cho rằng xu hướng phát hành các ca khúc K-pop tiếng Anh có thể dễ dàng trở thành con dao hai lưỡi. Sản phẩm phát hành có thể trở nên xa lạ với người hâm mộ trong và ngoài nước, những người đã quen  thần tượng của họ hát bằng tiếng Hàn.   Melanie Poy, một người Thụy Sĩ yêu thích nội dung Hàn Quốc chia sẻ rằng cô cảm thấy các bài hát K-pop có lời Anh có thể lấy đi "chất Hàn" của K-pop. Poy nói: “Tôi nghe K-pop vì tôi thích ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc nói chung, không chỉ vì âm nhạc. Có lẽ những bài hát lời tiếng Anh có thể giúp các nghệ sĩ K-pop tiếp cận được nhiều khán giả hơn, và tôi cũng rất thích những bài hát đó. Nhưng tôi không chắc liệu điều đó có khiến người nghe quan tâm hơn nữa đến sức mạnh mềm và văn hóa mà Hàn Quốc mang lại hay không". Giáo sư Lee Gyu Tag đồng tình sự hoài nghi của nhiều khán giả: “Trên thực tế, nhiều người hâm mộ K-pop nước ngoài thích lời bài hát tiếng Hàn hơn tiếng Anh. Nếu họ muốn các bài hát tiếng Anh, họ có quá nhiều lựa chọn thay thế để nghe.   "Đặc biệt là kể từ giữa những năm 2010, âm nhạc của K-pop không khác nhiều so với các phong cách âm nhạc phổ biến ở phương Tây; về bản chất, nó không phải là tiếng Hàn. Tất nhiên, K-pop có những yếu tố phân biệt khác như các video âm nhạc công phu và sân khấu biểu diễn, nhưng yếu tố dứt khoát cuối cùng lại nằm ở lời bài hát tiếng Hàn".

Một ví dụ điển hình là sự hợp tác gần đây giữa BTS và ban nhạc rock người Anh Coldplay trong bài hát “My Universe”. Ca khúc ra mắt ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng đĩa đơn Hot 100 của Billboard. Ngay cả khi hợp tác với một nghệ sĩ người Anh, khoảng một nửa lời bài hát của "My Universe" được viết bằng tiếng Hàn. Việc bao gồm ca từ tiếng Hàn là một yếu tố quan trọng đằng sau sự đón nhận tích cực của bài hát từ người hâm mộ Hàn Quốc và nước ngoài, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc Hàn Quốc. 

Giáo sư Lee nói: “Nếu "My Universe" hoàn toàn được viết bằng tiếng Anh thì sự hợp tác với BTS sẽ không có ý nghĩa. Coldplay hát bằng tiếng Hàn thể hiện chính xác những gì người hâm mộ K-pop mong muốn. Họ muốn một cái gì đó khác với nhạc pop thông thường, và tiếng Hàn là thứ tạo nên sự khác biệt. Lời bài hát tiếng Hàn là điều khiến "My Universe" trở nên đặc biệt. " Mặt khác, Zicarlo van Aalderen, một người Hà Lan hâm mộ âm nhạc Hàn Quốc lâu năm, nhận thấy các bài hát K-pop có lời Anh và nhạc “vẫn là K-pop không thể nhầm lẫn”.   Van Aalderen nói: “Tôi không nghĩ lời bài hát tiếng Anh có thể làm mất đi bản sắc của "K-pop". Chúng tôi không coi ABBA là khác biệt với các nghệ sĩ Thụy Điển chỉ vì họ đã có những bản hit tiếng Anh. Nó vẫn mang âm hưởng Europop đặc trưng. Các bài hát K-pop có lời tiếng Anh vẫn đi kèm với các video âm nhạc kinh phí cao và các màn trình diễn trên sân khấu, đó là điều tôi đánh giá cao về K-pop. Bất kể ngôn ngữ của lời bài hát là gì, phong cách K-pop vẫn hoàn toàn ở đó.

Nếu được thực hiện đúng, các bài hát K-pop có lời Anh sẽ mở rộng đối tượng khán giả vì mọi người có xu hướng thích những bài hát mà họ có thể hiểu, dễ nhớ và hát theo. K-pop sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn và quan trọng nhất, các đài phát thanh địa phương ở Mỹ sẽ dễ dàng tiếp nhận và phát sóng chúng hơn ”.

 Nhà phê bình Jeong cho biết: “Dù bằng tiếng Anh hay tiếng Hàn, các bài hát vẫn mang đậm chất K-pop và thẩm mỹ, vì vậy nó không làm mất đi bản sắc. Lời bài hát tiếng Anh chỉ là một cách để làm cho bài hát bớt cảm giác xa lạ hơn và giúp K-pop dễ dàng thâm nhập vào thị trường âm nhạc quốc tế. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một chiến lược quảng bá toàn cầu hiệu quả về lâu dài”. 

Tuy nhiên, giáo sư Lee vẫn nhấn mạnh yếu tố tạo nên sự khác biệt của K-pop chính là bản sắc Hàn Quốc. "Thật có ý nghĩa khi lời bài hát tiếng Anh có thể đóng vai trò như một cửa ngõ vào K-pop, nhưng các yếu tố đặc trưng của K-pop vẫn nên ở đó".  Van Aalderen nói: "Trớ trêu thay, bản hit K-pop quốc tế đầu tiên là "Gangnam style" lại không hề quan tâm đến thị trường nước ngoài. Các yếu tố Hàn Quốc đã làm cho nó trở nên mới lạ đối với khán giả quốc tế. Ngay cả khi K-pop đạt được sức hút toàn cầu, tôi hy vọng các nghệ sĩ không đánh mất bản sắc Hàn Quốc trong khi cố gắng quá sức để thu hút người hâm mộ nước ngoài"./.