Trên nền nhạc đương đại châu Âu, những con rối đẹp và lạ mắt mô phỏng các nhân vật trong truyện cổ Andersen đưa nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam tới gần hơn với công chúng Pháp và châu Âu, đặc biệt là các em nhỏ.
Tiết mục "Chú lính chì dũng cảm" |
3 tiết mục được dàn dựng trong 60 phút gồm “Chú lính chì dũng cảm”, “Vịt con xấu xí” và “Nàng tiên cá” nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Pháp, là thành quả tìm tòi, luyện tập của các nghệ sỹ trong nhiều năm.
Ý tưởng đưa truyện cổ Andersen vào các tiết mục múa rối nước đã được đạo diễn Ngô Quỳnh Giao và các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt Nam triển khai từ năm 2005 và nay kết hợp cùng Tổ chức Interarts Riviera của Pháp trong dự án “Andersen”.
Để dung hòa giữa múa rối nước Việt Nam và những câu chuyện cổ Andersen, các nghệ sỹ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã phải luyện tập “quỳ” trong bể nước sâu nửa mét (bể bình thường sâu 1m). Một số chi tiết được đạo diễn Pháp Jean-Luc Larguier trao đổi với đạo diễn Ngô Quỳnh Giao để điều chỉnh cho thú vị và mới mẻ hơn như: tấm mành bằng tre được thay bằng dây ri đô đen giúp con rối thoắt ẩn, thoắt hiện linh hoạt; sân khấu bày trí đơn giản với hiệu ứng ánh sáng làm nổi bật con rối.
Tiết mục "Vịt con xấu xí" |
Trên nền những giai điệu sâu lắng, êm ái do nhạc sỹ Pháp Henry Torgue viết mới, nhịp độ các động tác biểu diễn có phần “chậm hơn” so với nghệ thuật múa rối nước truyền thống, phù hợp với phong cách thưởng thức nghệ thuật thong thả và chậm rãi của công chúng Pháp nói riêng, châu Âu nói chung.
Tuy nhiên, dù điều chỉnh một số chi tiết, song theo Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng, điều quan trọng là phải để đọng lại ấn tượng cuối cùng trong lòng khán giả, rằng đó là “múa rối nước Việt Nam”. Vở diễn đã thành công khi để lại ấn tượng “Việt” đậm nét, qua hình ảnh những nhân vật dẫn chuyện không bao giờ vắng bóng trong múa rối truyền thống là chú Tễu và rùa vàng, qua những câu hội thoại tiếng Việt biểu cảm hay tâm tính của các nhân vật, từ chú Vịt, con gà… cũng đều phảng phất những nét rất Việt Nam.
Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Mỗi lần chúng tôi đưa rối nước truyền thống đi diễn đều nhận được những thành công nhất định, hiệu ứng khán giả rất tốt. Sau mỗi buổi chiều, có một phần giao lưu khoảng 15-20 phút, khán giả Pháp và các cháu thiếu nhi đều rất quan tâm và hỏi về rối nước rất nhiều”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam |
Không phủ nhận giá trị của các tiết mục múa rối nước truyền thống, nhưng cũng rất cần mở ra những hướng đi sáng tạo, giúp múa rối nước Việt Nam có thể truyền đi thông điệp về những giá trị chung giữa các nền văn hóa Á-Âu nói chung, Việt- Pháp nói riêng. Đó là ý kiến của ông Jean-Luc Larguier - Giám đốc tổ chức Interarts, một trong những người đầu tiên hợp tác và có công đưa múa rối nước Việt Nam ra nước ngoài.
“Những đặc điểm điển hình của nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam thể hiện rất rõ ở đây. Từ nghệ thuật truyền thống, tôi nghĩ cần có những sáng tạo, phát triển. Chúng tôi chọn những câu chuyện Andersen này, dù kết thúc buồn, nhưng đọng lại cuối cùng trong lòng khán giả là giá trị về tình yêu và cả giá trị về những điều khác biệt trong cuộc sống. Múa rối nước kết hợp với truyện cổ Andersen, rõ ràng có thể thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, giữa các điểm khác biệt, để hòa hợp thế giới” - ông Larguier cho biết.
Không chỉ tạo một diện mạo mới cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này, sự kết hợp thú vị với những câu chuyện cổ Andersen giúp những người làm nghề và những người yêu múa rối nước củng cố niềm tin, như ông Larguier khẳng định, rằng “múa rối nước Việt Nam có thể kể rất nhiều câu chuyện”.
Ông Jean-Luc Larguier - Giám đốc tổ chức Interarts |
Trong số đông đảo khán giả đến với các xuất diễn múa rối nước Việt Nam tại Bảo tàng Quai Branly, ngoài người Pháp, người nước ngoài và người Việt sinh sống lâu năm tại Pháp, còn có nhiều người thuộc thế hệ 2 – có bố hoặc mẹ là người Việt. Với họ, múa rối nước truyền thống Việt Nam nay trở nên dễ hiểu và thật gần.
Một nữ khán giả cho biết: “Vở diễn thật tuyệt vời, nên thơ và tuyệt đẹp. Đây là một khám phá thú vị và đầy ngạc nhiên với tôi và con gái tôi, tôi chưa bao giờ được xem múa rối nước Việt Nam, dù tôi mang trong mình nửa dòng máu Việt. Con gái tôi dù có vài chi tiết phải giải thích nhưng cháu biết các câu chuyện Andersen nên hiểu được vở diễn và thực sự yêu thích vở diễn”.
Cũng theo ông Jean - Luc Larguier, nếu được khán giả đón nhận nồng nhiệt, vở diễn sẽ được tiếp tục tổ chức lưu diễn trong năm, không chỉ ở Paris mà nhiều thành phố lớn của Pháp và thậm chí có thể mở ra các quốc gia châu Âu khác./.