Liên hoan “Múa rối quốc tế lần thứ III” đang diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 4-10/9, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tham gia có các đoàn múa rối của Việt Nam gồm: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh, Đoàn Múa rối Đắk Lắk và Đoàn múa rối Hải Phòng và các đoàn múa rối quốc tế như: The Key Theatre và Far Theatre – Israel, Art Troupes – Campuchia, Quangdong Province Pupet Art Theatre – Trung Quốc, Philippins, Wayang Golex Ajen – Indonesia, Shan Pupet Theatre – Đài Loan, Hunchangforn Pupet Group – Thái Lan, Cairo Pupet Theatre – Ai Cập, Kuka Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ, Delegation of  Lào.

Đến với liên hoan “Múa rối quốc tế lần thứ III”, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với ông Hoàng Ngũ Sơn - Trưởng đoàn Múa rối Túi “Sơn Oãn Nhiên”- Đài Loan để tìm hiểu đôi nét về loại hình nghệ thuật độc đáo này.

mau-roi1.jpg

Múa rối túi là loại hình múa rối cạn. Nghệ sĩ điều khiển con rối túi, bằng kỹ năng ngón tay trên sân khấu. Dàn nhạc ngồi trên bục diễn tấu đệm cho nói, hát, múa và phục vụ cho tình huống kịch của các con rối túi. Múa rối túi là loại hình nghệ thuật độc đáo được người Đài Loan yêu thích đặc biệt là trẻ em.

PV: Xin ông cho biết nghệ thuật múa rối túi có ở Đài Loan từ khi nào?

Ông Hoàng Ngũ Sơn: Múa rối túi có từ lâu đời và được truyền vào Đài Loan từ các vùng Tuyền Châu và Trương Châu của tỉnh Phúc Kiến khoảng 200 năm trước, vào đời nhà Thanh. Khi ấy, nghệ thuật múa rối túi đã rất thịnh hành. 

Ông Hoàng Ngũ Sơn trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

PV: Vậy, rối túi được làm như thế nào, thưa ông?.

Ông Hoàng Ngũ Sơn: Rối túi được làm bằng túi theo truyền thống, rộng khoảng 30cm rất phù hợp với thao tác bằng tay. Đầu được làm bằng gỗ và do ngón tay trỏ điều khiển, còn các ngón tay kia phụ trách hoạt động của tay và chân. Ngày nay, ngoài rối túi truyền thống còn có loại rối túi tuyền hình có kích thước lớn hơn.

PV: Để điều khiển rối túi, nghệ sĩ cần những kỹ năng gì?.

Ông Hoàng Ngũ Sơn: Để điều khiển con rối túi, nghệ sĩ cũng phải có công phu cơ bản. Nếu trong nghệ thuật múa là phải biết cách xoạc chân, thì nghệ thuật này đòi hỏi phải biết cách xoạc các ngón tay để điều khiển con rối. Đây gọi là “Càn khôn trong bàn tay” hay còn gọi là thao tác trong bàn tay.

PV: Sự tương đồng giữa múa rối túi Đài Loan và múa rối nước Việt Nam là gì?.

Ông Hoàng Ngũ Sơn: Điều khiển con rối túi Đài Loan cũng có những điểm tương tự như múa rối nước của Việt Nam. Chẳng qua, khác nhau là múa rối nước của Việt Nam, sân khấu là nước nhưng kỹ năng cơ bản vẫn phải dùng que để điều khiển con rối. Còn múa rối túi Đài Loan diễn trên cạn, công phu cơ bản là kỹ năng của những ngón tay trong bàn tay để điều khiển con rối. Ngoài ra, kịch bản múa rối túi cũng có điểm giống như múa rối nước của Việt Nam là lấy từ những vở diễn cổ hay để dàn dựng.

PV: Các vở diễn cổ thường diễn trong múa rối túi là các vở nào?

Ông Hoàng Ngũ Sơn: Có một số tích truyền thống được dùng trong múa rối túi như: Võ Tòng đả hổ hay tất cả các nhân vật trong truyện “Thủy hử”, ngoài ra còn có trích đoạn là Tam Dan bán chè… Đó là những tích mà người Quảng Đông và đại lục đều rất hiểu.

PV: Theo ông, ngày nay làm thế nào để múa rối túi hấp dẫn hơn được với trẻ em?.

Ông Hoàng Ngũ Sơn: Bây giờ, muốn phát triển múa rối túi thì chúng tôi phải cải biên hoặc sáng tạo kịch bản mới. Bởi vì, nếu dùng theo kịch bản truyền thống, trẻ em sẽ không biết. Do truyền thống đòi hỏi chúng tôi phải diễn bằng tiếng “Khách gia”, tức là tiếng “Quảng Đông”, mà trẻ em thì không biết về nó. Hơn nữa, chúng cũng không am hiểu lắm về tích cổ, nên thành ra sẽ nhanh chán và không quay lại xem nữa. Bởi vậy, bây giờ chúng tôi phải cải biên, sáng tác ra kịch bản để thu hút trẻ em. Nói ít thôi nhưng mà phải dùng nhiều động tác thì chỉ nhìn thấy thôi trẻ em cũng đã thích rồi.

Lần này đem đến Việt Nam, chúng tôi tăng cường âm nhạc đệm, nói ít đi. Bởi, người dân Việt Nam không phải ai cũng hiểu tiếng của chúng tôi. Thành ra, nói rất ít mà không nói thì thông qua các động tác, khán giả cũng hiểu được.

PV: Ông làm thế nào đề múa rối túi có thể sống và tồn tại được trong xã hội hiện đại?.

Ông Hoàng Ngũ Sơn: Khác với Việt Nam, nhiều loại hình kịch truyền thống vẫn được Nhà nước nuôi, gìn giữ, còn ở Đài Loan thì 95% các đoàn đều là tư nhân nên hoạt động lời ăn lỗ chịu, tự mình phải xoay sở. Mỗi năm, Chính phủ cũng cho một ít nhưng cũng phải có kế hoạch trình lên trước để xin tài trợ. Khi đã trình lên rồi, Nhà nước cho hay không thì đó lại là câu chuyện khác. Ví dụ sang Việt Nam biểu diễn, chúng tôi cũng phải có kế hoạch xin tài trợ. Nhưng mà đợi Nhà nước cho, chúng tôi vẫn phải chi. Nên, Nnhà nước cho thì tốt hoặc không cho, chúng tôi vẫn phải hoạt động.   

Ngày nay, xã hội đã phát triển nên thanh niên thích xem TV và hưởng thụ cái gì đó hiện đại hơn truyền thống. Nhưng, truyền thống thực sự là rất đẹp và có nhiều cái rất hay nếu bạn đi sâu tìm hiểu về nó. Nếu không duy trì múa rối túi truyền thống thì nó dần dần mai một đi. Nên, hiện giờ chúng tôi đang cố gắng bảo tồn, gìn giữ vốn truyền thống tốt đẹp này.

PV: Xin cảm ơn ông!./.