Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Canada, Đại sứ quán Canada vừa ra mắt vở nhạc kịch “Chim họa mi và những chuyện ngụ ngôn khác”. Vở diễn có sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật Á-Âu trên một sân khấu nước, đặc trưng của rối nước Việt Nam.

dai-su-canada.jpg
Đại sứ Canada David Devine phát biểu tại buổi giới thiệu buổi chiếu phim vở nhạc kịch 

Vở nhạc kịch “Chim họa mi và những chuyện ngụ ngôn khác” được xây dựng dựa trên những câu chuyện cổ tích của Andersen. Vở diễn được lấy cảm hứng trang trí sân khấu theo kiểu hoàng cung Trung Quốc, dàn dựng và biểu diễn dựa trên nền tảng nghệ thuật rối nước cổ truyền Việt Nam.

Vở diễn lấy cảm hứng trang trí theo kiểu hoàng cung Trung Quốc biểu diễn trên nền tảng nghệ thuật rối nước cổ truyền Việt Nam

Sân khấu được thiết kế sáng tạo với một bể nước được dựng trước vị trí của dàn nhạc. Có điểm mới là các ca sĩ sẽ kiêm luôn nghệ sĩ điểu khiến con rối. Họ lội trong nước, có khuôn mặt trang điểm tương đồng với nhân vật rối nước của mình và có động tác biểu diễn và biểu cảm gương mặt theo động tác của con rối. Cứ thế, những đặc trưng văn hóa khác biệt đa quốc gia cùng những sáng tạo nghệ thuật riêng của tác giả đã được trình diễn một cách nhuần nhuyễn và hòa hợp trên bề mặt sâu khấu rối nước - một loại hình nghệ thuật đặc sắc riêng có của Việt Nam.   

Các ca sĩ kiên nghệ sĩ điểu khiển con rối ngay trên nền sân khấu rối nước-một đặc trưng nghệ thuật riêng có của rối nước Việt Nam

Theo nghệ sĩ Robert Lepage, bản thân ông biết đến loại hình múa rối của châu Á khi xem các thể loại rối bòng của Trung Quốc, rối tay của Đài Loan (Trung Quốc), rối Bunraku của Nhật Bản… nhưng rối nước của Việt Nam đem lại ấn tượng đặc biệt nhất với ông. Đầu năm 2007, ông quyết định đến Việt Nam để tìm hiểu về rối nước. Trong suốt 10 ngày ở Hà Nội, Lepage đã nhận thấy sự gắn bó mật thiết giữa nghệ thuật múa rối nước và sự phát triển của Hà Nội. “Đối với việc dựng một vở diễn trong nhà hát nhạc kịch thì sân khấu rất khô và việc mang nước lên sân khấu sẽ làm thay đổi toàn bộ không khí nhà hát. Tôi rất thích ý tưởng nghệ sĩ biểu diễn xung quanh một môi trường nước như vậy. Bên cạnh đó độ tinh xảo của những con rối cũng hấp dẫn tôi.” – Nghệ sĩ Lepage chia sẻ.

Hình ảnh rối nước truyền thống Việt Nam trong vở kịch

“Chim họa mi và những chuyện ngụ ngôn khác” được dàn dựng ở Toronto vào tháng 10/2009. Đến tháng 7/2010, vở diễn ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Liên hoan âm nhạc Lyrique d’Aix-en-Provence, sau đó diễn tại Nhà hát Lyon vào mùa thu năm 2010. Vở diễn được giải thưởng Claude Rostand – giải do Hội phê bình âm nhạc Pháp trao tặng, nhằm tôn vinh các tác phẩm âm nhạc nước ngoài hay nhất.

Dàn nhạc giao hưởng có vị trí phía sau sân khấu nước

Buổi chiếu phim vở kịch đã thu hút các bạn trẻ Việt Nam, trong đó với nhiều người đây là lần đầu tiên họ xem toàn bộ từ đầu đến cuối một vở nhạc kịch trong sự thích thú. Không những vậy, vở nhạc kịch “Chim họa mi và những chuyện ngụ ngôn khác” đã đem lại nhiều cảm xúc cho chính những nghệ sĩ múa rối Việt Nam. Vở diễn không hoàn toàn sử dụng các kỹ thuật rối nước truyền thống nhưng với những gì “Chim họa mi và những chuyện ngụ ngôn khác” đem lại cho thấy rối nước truyền thống sẽ là nguồn cảm hứng sự sáng tạo không ngừng.

Đạo diễn Robert Lepage

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương bày tỏ. “Cũng là múa rối trên nước nhưng họ khai thác theo cách của họ. Vở diễn cho thấy nghệ thuật là một sự giao lưu, một sự học hỏi, một sự trao đổi. Họ đã thấy mặt nước là sân khấu nơi sử dụng con rối ấn tượng và hiệu quả. Là một nghệ sĩ múa rối Việt Nam, tôi tự hào khi nghệ thuật của chúng ta được họ học hỏi”.

Không chỉ gây ấn tượng sâu sắc bởi sự kết hợp hài hòa các loại hình múa rối châu Á trên sân khấu một vở nhạc kịch phương Tây, “Chim họa mi và những chuyện ngụ ngôn khác” còn cho thấy nghị lực, sự lao động nghệ thuật không mệt mỏi của đội ngũ nghệ sĩ tham gia. Ông Lepage kể các nghệ sĩ opera từng than thở rằng họ rất lạnh và mệt khi phải vừa biểu diễn rối dưới nước và phải hát. Bởi thường các nghệ sĩ opera rất ít khi di chuyển trên sân khấu, nhưng ở vở diễn này họ không chỉ là ca sĩ mà còn là nghệ sĩ diều khiểu rối. Tuy nhiên, trải qua quá trình tập luyện, các giọng ca lại tỏ ra thích thú vì có những trải nghiệm mới. Đó chính là sức mạnh của giao lưu văn hóa./.

Robert Lepage sinh năm 1957 là nghệ sĩ sân khấu, đạo diễn xuất sắc của Canada, được công nhận là người tạo nên cuộc cách mạng trong sân khấu cổ điển. Ông đặc biệt thành công khi tiếp cận sân khấu sáng tạo, áp dụng các công nghệ hiện đại, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trên một sân khấu.  Vở nhạc kịch “Chim họa mi và những chuyện ngụ ngôn khác” là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của ông.