Toàn văn bài tham luận của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng" do VOV phối hợp cùng Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội:

"Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc; được sự hưởng ứng, cộng tác, giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà báo, những người yêu quý tiếng Việt trong cả nước, Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" được khai mạc ngày 5/11.

Các đơn vị tổ chức Hội thảo là Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội thảo trân trọng cảm ơn đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội thảo. Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo.

Trân trọng cảm ơn lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan báo chí, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, báo chí, ngôn ngữ ở Trung ương và Thủ đô Hà Nội đã đến dự, tham gia chỉ đạo và góp phần đưa kết quả Hội thảo vào thực tiễn cuộc sống trong thời gian tới. Chúng tôi trân trọng cảm ơn và đánh giá cao việc ngài Đại sứ Palestin và các vị trong đoàn ngoại giao đã đến dự, cổ vũ Hội thảo.

vov_7942_plwf_xtlz.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng" ngày 5/11.

Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng khẳng định ba nguyên tắc vận động vǎn hoá Việt Nam thời kỳ mới là dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hoá Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng); khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hoá trái khoa học, phản tiến bộ). Đề cương Văn hóa xác định các công việc cần phải làm, trong đó nhấn mạnh, cùng với đẩy mạnh đấu tranh về học thuyết, tư tưởng, về tông phái văn nghệ, thì phải coi trọng “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết”, bao gồm “thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; ấn định mẹo vǎn ta; cải cách chữ quốc ngữ”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời căn dặn chúng ta: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Người căn dặn các nhà báo: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc”. Lời căn dặn của Bác, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và vẫn nóng hổi tính thời sự.

Năm mươi năm trước, giữa lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson điên cuồng leo thang chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc nước ta, trong các ngày từ 7 đến 10 tháng 2 năm 1966, Hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, nhà báo, nhà văn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì hội nghị và có bài phát biểu về tiếng Việt, xác định nhiệm vụ phải giữ gìn, phát triển tiếng Việt. Mười ba năm sau, chỉ 7 tháng sau khi chúng ta vừa ra khỏi khói lửa của hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, ngày 29/10/1979, Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Và Hội nghị của chúng ta hôm nay có thể coi là hội nghị toàn quốc lần thứ ba về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đương nhiên, chúng ta tập trung nhiều hơn cho việc sử dụng tiếng Việt ở lĩnh vực thông tin đại chúng.

Mở đầu Hội thảo, chúng tôi muốn nêu lại lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại cuộc hội thảo tháng 2 năm 1966, xem đó là những luận điểm có giá trị định hướng cho Hội thảo của chúng ta hôm nay: "Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như  Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền Bắc và miền Nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật”. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ rõ: "Cần phải đánh giá một cách tổng quát về tiếng Việt của ta, nhìn thấy chất của nó, giá trị, bản sắc, tinh hoa của nó, nhận rõ hai đức tính của nó là giàu và đẹp, nhìn thấy khả năng phát triển phong phú của nó"…Thủ tướng nhấn mạnh: "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” hay là nói "Phải làm cho tiếng ta luôn luôn trong sáng”? Cách nói trên có chỗ khá mới đối với cách nói thông thường, cách nói cổ truyền của tiếng ta! Nhưng nhất định phải dùng cách nói đó. Nghĩa là tiếng ta phải có những đổi mới, đó là điều tất yếu, vì đời sống tư duy và tình cảm ngày nay, nhất là trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật có nhiều cái mới. Tiếng ta phải phát triển.

Tất cả vấn đề là làm sao đảm bảo sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc, tinh hoa của nó. Như vậy tức là giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta".

Những vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng... được ra ra bàn bạc, xem xét tại Hội thảo.

Hội thảo của chúng ta tập trung cao cho vấn đề quan trọng và cấp thiết: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Nơi mà tiếng Việt được sử dụng với dung lượng lớn, với nhiều mức độ, sắc thái khác nhau; có ưu điểm, thành tựu; có nhược điểm, yếu kém…Và điều quan trọng hơn, phương tiện thông tin đại chúng tác động liên tục, mạnh mẽ, rộng khắp, sâu sắc tới đông đảo công chúng, cả trong nước và ngoài nước. Tại Hội thảo này, Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Hội thảo kính đề nghị quý vị, các nhà khoa học, các nhà báo tập trung trao đổi, thảo luận mấy vấn đề chính sau đây:

 1. Vấn đề ngôn ngữ và ngôn ngữ truyền thông đại chúng

 1. 1. Về ngôn ngữ

Ngôn ngữ, như cách hiểu thông thường, là “hệ thống những âm, những từ và những quy tắc kết hợp chúng, làm phương tiện để giao tiếp chung cho một cộng đồng”. Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam, đảm nhận chức năng là công cụ giao tiếp bằng lời và bằng văn bản trong các quan hệ đối nội và đối ngoại. Tiếng Việt có lịch sử hàng ngàn năm nhưng chữ Quốc ngữ (chữ ghi âm theo mẫu tự La-tin) mới được chế tác và sử dụng từ thế kỉ 17 (mà dấu ấn rõ nét nhất là sự ra đời của cuốn Từ điển Việt - Bồ - La  (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, của A. de Rhodes). Sau hơn 3 thế kỉ, từ một văn tự bị “lép vế”, không chính thức (do ở thế tồn tại tam  ngữ - chữ Nho, chữ Pháp, chữ Việt - bất bình đẳng, chữ Quốc ngữ đã khẳng định được sức sống mạnh mẽ, thể hiện được vai trò, chức năng to lớn của mình trong mọi mặt của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, văn nghệ, xã hội, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…Chỉ riêng lĩnh vực thuật ngữ, đã có gần nửa triệu đơn vị ở mọi chuyên ngành.

 1.2. Ngôn ngữ truyền thông đại chúng

Ngôn ngữ báo chí nói riêng, ngôn ngữ truyền thông đại chúng nói chung, là một phần biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân. Nói “ngôn ngữ báo chí” là ta muốn nhấn mạnh tính đặc thù của một mảng biểu hiện của hoạt động truyền thông đại chúng qua kênh báo chí. Trong hệ thống phân loại phong cách học (phong cách khoa học - chính luận, phong cách khẩu ngữ, phong cách văn học - nghệ thuật) thì còn ít người đặt phong cách báo chí thành một loại riêng. Cũng có thể do báo chí là “tổng hoà” nhiều phong cách. Nói ngôn ngữ báo chí, truyền thông là nói những sản phẩm ngôn ngữ được thể hiện qua kênh báo chí, truyền thông. Ở đó, có các thể loại văn bản khác nhau (tin tức, bài viết, phóng sự, chuyên đề, sáng tác văn học, nghệ thuật như thơ, truyện ngắn, kí, kịch nói..) được thể hiện qua kênh chữ viết (báo giấy, báo điện tử...) hay kênh âm thanh (báo nói, báo hình...).

Nói đến báo chí, trước hết, chúng ta nghĩ ngay tới tin tức, thời sự, chính luận. Vì vậy, ngôn ngữ báo chí phải đảm bảo tính chính xác, sinh động, hấp dẫn. Báo chí phản ánh sự kiện, nhân vật, vấn đề phải chính xác, nhanh nhạy, đầy đủ, và đương nhiên, phải trung thực, khách quan. Để đạt được các yêu cầu vừa nêu, rất cần đến tư duy, năng lực, trình độ, kỹ năng của người làm báo, trong đó có trình độ, kỹ năng về ngôn ngữ.

Ngôn ngữ báo chí luôn vận động, phát triển, sinh động, tươi mới nhưng không được phép xa lạ, “dị ứng” với mọi người. Với đông đảo các thành viên trong xã hội, báo chí phải “nói”, phải “thể hiện” một ngôn ngữ thông dụng, chuẩn mực và mang tính văn hoá cao.

Tính thông dụng (tính quần chúng) đòi hỏi ngôn ngữ báo chí phải sử dụng từ ngữ, cách viết câu, cách diễn đạt sao cho dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu, gần với ngôn ngữ đời thường. Cách viết “hàn lâm”, kinh viện sẽ rất khó đi vào số đông công chúng. Báo chí là loại hình truyền thông tiếp cận cuộc sống một cách gần gũi, trực diện, sát sao nhất. Vì vậy, ngôn ngữ báo chí phải tươi mới, sinh động, phản ánh được “hơi thở” của nhịp sống đương đại.Những  năm qua, Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư đã công bố cuốn “Từ điển từ mới”, với hơn 3.000 đơn vị. Đó là những từ mới trong thời kỳ đất nước ta đổi mới, phát triển và hội nhập mạnh mẽ với bên ngoài. Ngữ liệu thu thập được của cuốn từ điển này chủ yếu qua kênh báo chí. Trong thực tế, một khối lượng từ vựng mới được bổ sung qua giao tiếp thường ngày và được báo chí ghi lại, phản ánh một cách chân thực, sống động (chẳng hạn: con chip, quán cóc, ISO, marketting, Internet, Intranet, chợ lao động, ôsin, cửu vạn, sành điệu, soái ca, v.v.). Báo chí như một người “thư kí” âm thầm, trung thực và tận tụy ghi nhận, phản ảnh những đổi thay của cuộc sống, trong đó có ngôn ngữ.

Chuẩn hay chuẩn ngôn ngữ là một vấn đề ngôn ngữ văn hoá. Báo chí là “món ăn tinh thần” dành cho nhiều người, ở các bối cảnh giao tiếp khác nhau. Giao tiếp xã hội đòi hỏi người nói (và người nghe) phải thận trọng, cân nhắc để đưa ra các phát ngôn phù hợp, không gây phản cảm. Nếu chỉ là các câu nói dành cho một, hai (hoặc một nhóm nhỏ) thì vấn đề chuẩn mực không được đặt ra một cách quá khắt khe. Nhưng trong bối cảnh đông người (hội họp, học đường, trên đài phát thanh, truyền hình, trên báo viết, báo điện tử..) thì một phát ngôn thiếu nghiêm túc, một lời nói tếu táo, nói nhịu, lỡ lời đều có thể gây hiệu ứng bất lợi, phản cảm. Không ít trường hợp bị “ném đá”, bị “đấu tố”. Đó là vấn đề của văn hoá giao tiếp. Khi chúng ta nói văn hoá ngôn từ là chúng ta nói đến chuẩn mực, mà nói đến chuẩn mực là nói đến sự lựa chọn (lựa chọn khả năng thích hợp về từ ngữ, ngữ đoạn, câu,… trong các bối cảnh giao tiếp khác nhau).

 2. Những đóng góp của báo chí, truyền thông về mặt ngôn ngữ

 2.1. Tính đa dạng và những đóng góp của ngôn ngữ báo chí

Báo chí trong những năm qua đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Trong bối cảnh phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin… thời hội nhập, chúng ta dễ dàng nhận ra mặt trận truyền thông Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử. Qua báo chí và qua sự phát triển của các loại hình, các cơ quan báo chí, chúng ta thấy được sự thay đổi mạnh mẽ, sinh động của ngôn ngữ tiếng Việt.  Phần lớn các cơ quan báo chí chú ý đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức thông tin; cách đặt “tít”, đặt tiêu đề làm sao cho độc đáo, hấp dẫn; ngôn ngữ (viết, đọc, nói, dẫn chương trình) ngắn gọn, dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu; đề cập tới cách ứng xử ngôn ngữ trong cuộc sống, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Các chuyên mục, chương trình như “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “Tiếng Việt của chúng ta”, “Tìm trong di sản”, “Tiếng nước tôi”, “Tiếng Việt thân yêu”,  “Tìm hiểu thành ngữ, tục ngữ”…được Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình, các báo, tạp chí duy trì khá đều đặn hàng chục năm nay. Nhiều cơ quan báo, đài còn cố gắng “kéo gần” bức tranh phương ngữ đa màu sắc của tiếng Việt; từng bước đưa ra cách xử lí tiếng nước ngoài một cách hợp lí.  Tiếng nước ngoài là một bộ phận từ vựng không thể thiếu trong bối cảnh giao lưu, hoà nhập. Công của báo chí trong lĩnh vực này là khá lớn.

Mọi ngôn ngữ đều phát sinh, hình thành và tồn tại bởi 3 yếu tố cơ bản: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Trong 3 địa hạt đó, từ vựng (vốn từ) là địa hạt dễ bị biến động nhất. Kênh thông tin báo chí đa dạng hiện nay đã tiếp nhận mọi sự đổi thay nhanh chóng của cuộc sống, trong đó có sự đổi thay của ngôn từ. Các phương tiện truyền thông đại chúng của ta đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển tiếng Việt trong những năm vừa qua, nhất là trong giai đoạn đất nước bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

2.2. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng bộc lộ những yếu kém, sai sót, lệch lạc đáng tiếc

Những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả; cách đặt tiêu đề, rút “tít” thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí “giật gân câu khách”; thiếu sự đổi mới trong thể hiện văn phong báo chí; sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán (khi nào thì dịch nghĩa, phiên âm, chuyển tự hay để nguyên dạng), tâm lí chuộng ngoại, sính chữ còn khá phổ biến; ngôn ngữ và cách trình bày của phát thanh viên (trên truyền hình, phát thanh...) chưa có sự trau dồi, chưa hướng tới sự chuẩn mực cần thiết; thiếu tinh thần cầu thị, chưa chú ý tiếp thu phê bình, chưa mở các diễn đàn  để thảo luận, tranh luận cởi mở, thẳng thắn;... Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực, nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền bất lợi.

3. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng tiếng Việt; coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng

 3.1. Với các cơ quan chỉ đạo, quản lý  việc sử dụng tiếng Việt; coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng

Thông qua hội thảo khoa học quốc gia về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Hội thảo kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoàn thiện luật pháp, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt, tiến tới xây dựng bộ luật ngôn ngữ; khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này, chấn chỉnh, xử phát nghiêm minh các hành vi sai trái, lệc lạc.

3.2. Với các cơ quan báo chí và nhà báo

Coi trọng việc sử dụng tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các loại hình, phương tiện truyền thông của cơ quan báo chí mình. Mỗi cơ quan báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng, trang báo của mình. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt nghiệp vụ về vấn đề này.

Hội thảo của chúng ta, với gần 240 bản tham luận của các báo cáo viên đến từ mọi nẻo đường đất nước và hơn 100 bài viết nêu ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị, chắc chắn sẽ phản ánh rõ nhất quan điểm, cách nhìn, cách đánh giá của các nhà khoa học, nhà báo, nhà quả lý, nhà giáo dục về việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng". Hội thảo diễn ra trong 1 ngày, hi vọng là diễn đàn sôi nổi, tâm huyết, trí tuệ và bổ ích để bàn về công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nói chung, trên truyền thông đại chúng nói riêng. Đó là một sự nghiệp to lớn mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã căn dặn: "Đây là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc và với lòng phấn khởi, tin tưởng, đặng góp phần của mình vào một công việc vừa quan trọng vừa tốt đẹp vô cùng"./.