Tại Điện Biên người Dân tộc Dao có hơn 6.000 người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ với các nhóm ngành như: Dao quần chẹt, Dao khâu, Dao đỏ… |
Trong vòng đời người Dao có khá nhiều lễ và hội, như: Thờ cúng tổ tiên, Lễ tạ ơn Bàn Vương, Lễ thêm đinh- thêm người, lễ đặt tên, lễ cưới, lễ cấp sắc (Tủ cải), nhảy Lửa… |
Một trong những nghi lễ mang tính bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao là Lễ nhảy lửa. Ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, đồng bào Dao đỏ còn lưu giữ được nhiều lễ thức nghi lễ này. |
Toàn bản có 95 hộ, hơn 430 nhân khẩu, gồm các họ chính như: Chảo, Tẩn, Phàn, Phùng… |
Lễ nhảy lửa để cầu mong lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. |
Nghi lễ thường được tổ chức tại nhà trưởng dòng họ, nhà thầy cúng hoặc một nơi trung tâm của bản với sự đóng góp đồ lễ, lương thực thực phẩm, người phụ lễ và sự tham gia của bà con dân bản. |
Lễ vật dâng lên các vị thần linh và đồ phục vụ trong nghi lễ gồm: một con lợn, mười con gà trống, một chai rượu, năm chén rượu, một tập giấy dó, đôi quẻ âm dương bằng tre, cồng, chiêng, trống… |
Người thực hiện nghi lễ để giao tiếp giữa người với các thần linh là thầy cúng thạo việc cúng bái, đã được các vị tiền bối truyền lại các bài khấn và cách thức để thực hiện nghi lễ nhảy lửa. |
Những người muốn được nhảy lửa ngồi hầu lễ từ đầu buổi phía sau thầy cúng. Sau khi thầy cúng khấn xong, xin quẻ âm dương được thần lửa đồng ý mới được phép nhảy. |
Trong phút thăng hoa xuất thần họ nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống củi cháy rừng rực, hoa than bừng sáng phủ lên người nhưng chẳng ai bị bỏng chân tay, quần áo. |
Trong Lễ nhảy lửa có hai thầy cúng đóng vai trò của người quán xuyến, một ông là chủ đám (Sliêu họ), một ông múa (Khoi tàn). |
Trong nghi lễ nhảy lửa còn có các điệu múa: “Tam nguyên an ham” hay còn gọi là múa “ra binh vào tướng”; Múa phát nương; Múa gà… để biểu dương tinh thần thượng võ, miêu tả quá trình lao động và thể hiện sức mạnh của tướng quân âm binh. |
Nghi lễ cuối cùng đốt tiền âm phủ biếu vàng mã để các cụ, ông bà, tổ tiên, các vị thần thánh trở về cõi tiên và múa hát thể hiện niềm vui, niềm tin của bản làng. |
Lễ nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của đồng bào Dao đỏ và đang được tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng bảo tồn. |