Chương trình truyền hình thực tế đã thực sự bùng nổ cùng hàng loạt chương trình trong vài năm qua như “Thần tượng Việt Nam” (Vietnam’s Idol), “Cặp đôi hoàn hảo”, “Giọng hát Việt” (The Voice), “Nhân tố bí ẩn” (The X-Factor), “Vua Đầu bếp” (Master Chef), “Bước nhảy hoàn vũ”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” (Vietnam’s Got Talent)…
Thế nhưng, với sự tăng nhanh về số lượng, truyền hình thực tế lại đang dần mất “chất”. Xoay xở tìm cách đổi mới, các đơn vị sản xuất không “ngại” sử dụng những thí sinh nhí để làm tăng sức hút của chương trình. Bên cạnh đó, nhiều chương trình mới thiên về giải trí, hài cũng dần xuất hiện.
2/3 các chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay là các cuộc thi hát. Cách đây vài năm, khi “Sao mai điểm hẹn” hay “Vietnam’s Idol” có thể gây “bão” dư luận, thu hút được sự quan tâm của độc giả thì sự “già nua” cũng như motif chương trình không thay đổi qua các mùa đã khiến khán giả trở nên nhàm chán.
Điều này cũng tương tự với “Cặp đôi hoàn hảo” mùa thứ 3, “Giọng hát Việt” mùa thứ 2, “Tôi là người chiến thắng” mùa thứ 2… Một số chương trình khác như “Bước nhảy hoàn vũ”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “Vua đầu bếp”, “Vietnam’s Next Top Model”, “Vietnam’s Got Talent”… cũng không còn hấp dẫn khán giả. Những thông tin trên mặt báo hay các trang mạng xã hội về các cuộc thi này chỉ rộ lên khi có scandal hoặc chiêu trò của thí sinh.
Trong năm 2014 cũng chứng kiến hàng loạt chương trình gameshow mới ra đời như “Học viện ngôi sao”, “Ngôi sao Việt”, “Solo cùng Bolero”… hay các chương trình dành cho các nghệ sĩ nổi tiếng so tài như “Tuyệt đỉnh tranh tài”, “Chinh phục đỉnh cao”… Những sân chơi này đều có motif khá tương đồng và nhanh chóng bị khán giả hờ hững.
Ở nhiều chương trình, khán giả thậm chí còn đoán được ngôi vị Quán quân chỉ sau vài tập phát sóng như trường hợp Hòa Minzy của “Học viện ngôi sao”, cho thấy các chương trình đang rất vất vả để kiếm ra những nhân tố vừa có cá tính, vừa có tài năng để tạo sự hấp dẫn.
Thậm chí, một chương trình được đầu tư công phu, quảng bá rầm rộ với dàn giám khảo đình đám như “Nhân tố bí ẩn” (The X-Factor) cũng không thể giữ chân được khán giả. Sau scandal “giấu mặt” của ca sĩ Anh Thúy – cựu thành viên nhóm Mây Trắng, “Nhân tố bí ẩn” đã không thể gây "bão" với dàn thí sinh nhạt nhòa cùng những lời nhận xét chung chung của các giám khảo.
Có lẽ, sau một thời gian phát sóng ồ ạt, những chương trình truyền hình thực tế, gameshow ca nhạc, nhảy múa… đã đến lúc bão hòa. Khán giả ngày càng khó tính hơn trong việc lựa chọn những “món ăn tinh thần”. Đó là lúc, các nhà sản xuất phải cố gắng để thay đổi bằng những chương trình mới.
Trẻ em đang bị lợi dụng trên sóng truyền hình
Chưa khi nào, chương trình cho trẻ em lại “nở rộ" trên sóng truyền hình như năm 2014. Bên cạnh “Đồ Rê Mí”, “Tìm kiếm tài năng Việt” (Vietnam’s Got Talent), “Vũ điệu tuổi xanh” thì còn là “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”…
Đây không chỉ là nơi phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho các em thiếu nhi mà còn là sân chơi để các em được thỏa mãn ước mơ của mình. Thế nhưng, trẻ em dường như đang bị “lợi dụng” trên sóng truyền hình với những toan tính, sắp đặt của người lớn.
Nhiều khán giả đã phải ngạc nhiên khi xem thí sinh “Bước nhảy hoàn vũ nhí” ăn mặc hở hang, gợi cảm và múa cột, lắc hông… ở lứa tuổi còn quá nhỏ. Ở “Giọng hát Việt nhí”, các em còn bị ép hát những bài hát của người lớn.
Điểm sáng khi đưa các em lên truyền hình là chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” mua bản quyền từ Hàn Quốc. Với sự tham gia của bốn cặp bố con nổi tiếng trong showbiz Việt cùng những thử thách trên chặng hành trình mà không có mẹ đi cùng, khán giả cảm thấy thích thú khi khám phá ra những khía cạnh khác của các nghệ sĩ. Ngoài ra, sự hồn nhiên, chân thành và không bị sắp đặt của các bé trong các tình huống cũng tạo được sự hấp dẫn với khán giả.
Chương trình hài lên ngôi
Có thể nói, năm 2014 đánh dấu sự thành công của các chương trình hài trên sóng truyền hình sau một thời gian vắng bóng như “Ơn giời! Cậu đây rồi”, “Người bí ẩn”, “Cười là thua”, “Thách thức danh hài”…
Nổi bật nhất trong số này phải kể đến chương trình thực tế “Ơn giời! Cậu đây rồi”. Ngay từ khi mới lên sóng, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của khán giả. Với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi trong giới nghệ sĩ hài và các nghệ sĩ nổi tiếng, show tấu hài ứng biến, không theo một chủ đề nhất định nào có được tỉ lệ người xem (rating) cao.
Tuy nhiên, vì bị “ép” phải gây cười cho khán giả bằng mọi cách nên nhiều nghệ sĩ đã thiếu kiềm chế. Sự tung hứng quá đà với những ngôn từ “vỉa hè” như: “Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó” hay “Xin chia buồn với cái buồng trứng của chị” ở một chương trình trên sóng quốc gia rất phản cảm.
Dù thành công ở những mùa đầu, nhưng làm sao để các chương trình hài này tiếp tục tạo được sức hút với khán giả ở các mùa sau cũng như không biến thành “hài nhảm” trên sóng truyền hình thì còn phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất./.