“Nợ nước non” kể về những năm tháng từ thiếu thời đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vở kịch hát này được dàn dựng dựa trên nội dung phần 1 của bộ sử thi nghệ thuật 3 phần mang tên “Nước non vạn dặm” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Vở kịch hát “Nợ nước non” đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả, nhất là khán giả trẻ tại thành phố mang tên Bác.

Đến dự buổi công diễn vở kịch hát tại Nhà hát TP.HCM tối 25/7, có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng nhiều cán bộ, viên chức, văn nghệ sĩ, người dân và các đoàn viên, học sinh, sinh viên của Thành phố.

Bằng tình cảm đặc biệt dành cho lãnh tụ cùng những trải nghiệm, sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, sự tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh với những câu chuyện, những bối cảnh xã hội, lịch sử rất chân thực, sống động trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần “Nước non vạn dặm”. Phần 1 của bộ sử thi đã được NSND Triệu Trung Kiên chuyển thể thành vở kịch hát "Nợ nước non".

Trong đêm diễn, các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ đã đưa khán giả TP.HCM đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là niềm hạnh phúc của cha mẹ và ông bà ngoại khi đón cậu bé Nguyễn Sinh Cung chào đời. Đó là những mất mát, chia ly trong gia đình hay những trăn trở của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi chứng kiến nỗi lầm than cơ cực của nhân dân dưới ách đô hộ của thực dân Pháp để rồi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước,... Tùy từng phân đoạn, vở diễn đã kết hợp khéo léo, hài hòa giữa nghệ thuật cải lương, kịch nói với hát ru, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, Bài chòi và cả dân ca Nam Bộ.

Theo dõi từ đầu đến cuối vở diễn, NSƯT Lê Thiện bày tỏ sự khâm phục dành cho nhà biên kịch và đội ngũ dàn dựng: “Phải nói là đạo diễn rất tài tình, nhất là với thể loại này mà đưa nghệ thuật cải lương vào thể hiện được, rồi còn lồng ghép với rất nhiều thể loại dân ca của các vùng miền. Tôi cho đây là một vở rất thành công. Tôi rất xúc động và khi xem tôi có quay qua nói với một bạn ngồi cạnh rằng: nếu cho học sinh học sử như thế này thì rất mau thuộc, rất là hay”.

Chăm chú theo dõi vở diễn và không ít lần nghẹn ngào lau nước mắt, bà Lê Thị Mai – một người dân ở quận Bình Thạnh cho biết: “Từ nhỏ tới lớn, hôm nay tôi coi được vở này tôi thấy rất tuyệt vời, giúp tôi hiểu được nhiều hơn về Bác Hồ và ý chí của Bác. Nói chung hôm nay tôi rất vui vì được coi một vở diễn quá hay, kết hợp nhiều cảm xúc”.

Trong gần 300 khán giả đến thưởng thức vở kịch hát mỗi đêm diễn tại Nhà hát TP.HCM có không ít bạn trẻ. Mặc dù vở diễn kéo dài đến gần 23h đêm nhưng các khán giả trẻ này vẫn chăm chú theo dõi đến tận cuối vở.

Bạn Thanh Châu - sinh viên năm thứ 3 trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM rất tâm đắc khi được thưởng thức vở kịch hát đặc biệt này: "Mình thấy rất xúc động vì mình chưa biết nhiều tư liệu cũng như câu chuyện về Bác Hồ ra đi như thế nào và vở diễn hôm nay đã chuyển tải được rất nhiều. Mình rất khâm phục những người đã xây dựng nên vở kịch này. Đây là vở hay để truyền tải lịch sử, giúp cho giới trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước, về Bác Hồ kính yêu".

Tương tự, Minh Tuấn – 18 tuổi, ở quận Phú Nhuận cho biết, mặc dù đã được học về tiểu sử, về quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời Cách Mạng của Người, nhưng khi xem vở diễn này, Tuấn mới thật sự hình dung được các bối cảnh lịch sử, xã hội một cách chân thực, sâu sắc và hiểu hơn về Bác. “Hôm nay, cảnh mẹ Bác mất đã khiến cho em và nhiều khán giả xung quanh em đều khóc. Và một cảnh nữa cũng rất đắt là khi chị Huệ chia tay với Bác khi Bác chuẩn bị lên tàu sang Pháp. Em thấy rằng đây là một vở diễn rất hay. Em được biết sẽ còn 2 phần nữa và em rất mong ngóng sẽ sớm được thưởng thức thêm 2 phần đó để hiểu rõ hơn về Bác Hồ”.

Vở kịch “Nợ nước non” khép lại với bối cảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc lên tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Tiếng vỗ tay vang dội không gian Nhà hát TP.HCM. Nhiều khán giả nán lại để xin được chụp hình cùng tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên cùng các diễn viên, nghệ sĩ tham gia trong vở diễn.

Sau 2 đêm diễn ở TP.HCM, vở kịch hát "Nợ nước non" sẽ được lưu diễn tại Bình Phước (ngày 27/7), Long An (ngày 29/7), Đồng Nai (ngày 30/7), Bình Thuận (ngày 1/8) và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước./.