Truyền hình thực tế (THTT) là thể loại chương trình truyền hình miêu tả thực những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không sắp đặt trước. Từ sự xuất hiện của "Phụ nữ thế kỷ 21" năm 2006, THTT đã dần trở nên quen thuộc với khán giả. Năm 2012 được cho là năm nở rộ của THTT cả về số lượng lẫn thể loại. Hàng loạt các chương trình được mua bản quyền và được phát sóng mới như “Gương mặt thân quen”, “The Voice – Giọng hát Việt”, “Master Chef – Vua đầu bếp”, “Thử thách cùng bước nhảy”… hay các chương trình bắt đầu mùa giải mới như “Vietnam Idol”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “Vietnam’s Next Top Model”…

Các chương trình này chiếm lĩnh các “khung giờ vàng” trên truyền hình và tạo ra một bàn ăn đa dạng cho khán giả lựa chọn. Tuy nhiên, sự phát triển rầm rộ về số lượng ấy lại không đồng hành cùng chất lượng và đang mất dần khán giả.

thtt1.gif
Vietnam's Next Top Model, Vietnam's Got Talent, The Voice, Vietnam Idol là những chương trình thực tế "hot" thời gian qua

Gameshow thực tế thiếu đi yếu tố mới, lạ

Trong bất kỳ một chương trình truyền hình thực tế nào thì yếu tố người chơi cũng là thứ tiên quyết đảm bảo thành công cho chương trình. Với dân số hơn 80 triệu dân, Việt Nam là một trong những thị trường lớn để khai thác các tài năng trẻ. Các chương trình như Vietnam’s Got Talent, Vietnam Idol, The Voice – Giọng hát Việt… thu hút được hàng vạn thí sinh tham dự mỗi mùa.

Tuy nhiên, sự xuất hiện đồng thời quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng cùng một lúc khiến cho mọi yếu tố đều bị chia nhỏ: số lượng thí sinh có tài và cá tính thực sự ở mỗi cuộc thi, giám khảo có chuyên môn, sự quan tâm của công chúng, sự chú ý của giới truyền thông…Có thí sinh thất bại ở cuộc thi này lại tiếp tục đăng ký ở cuộc thi khác và trở thành những “gương mặt quen thuộc, nhàm chán” với khán giả truyền hình.

Đặc biệt, với cách tổ chức 2 năm 3 mùa như một số chương trình đã làm thì lấy đâu ra nhiều thí sinh có tài năng đến vậy? Vietnam’s Got Talent mùa thứ 2 là một ví dụ. The Voice - Giọng hát Việt mùa thứ 2 (đang tuyển sinh) cũng được dự đoán là khó có đội ngũ thí sinh nổi bật như Hương Tràm, Đinh Hương ở mùa giải trước.

Một số các chương trình dành riêng cho dàn sao tham dự như “Cặp đôi hoàn hảo” hay “Bước nhảy hoàn vũ” cũng nhạt nhòa.

Ở mùa đầu tiên, “Cặp đôi hoàn hảo” thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và công chúng bởi tên tuổi của hàng loạt các sao lớn nhỏ như Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Cù Trọng Xoay, Kim Thư, Phạm Văn Mách… thì năm nay, những cái tên như Phan Đình Tùng, Cát Phượng, Thanh Thúy, Nathan Lee, Quang Hào, Hà Thúy Anh… đều không được đánh giá cao. Là một cuộc thi hát nhưng “Cặp đôi hoàn hảo” lại chuyên sử dụng chiêu trò để lấp đi các lỗi hát phô, hát hỏng và đôi lúc biến cuộc thi trở thành “thảm họa âm nhạc”. Khán giả truyền hình đã không còn đủ kiên nhẫn để ngồi trước màn hình vào mỗi tối chủ nhật để xem những chiêu trò nhàm chán được lặp đi lặp lại.

Dàn thí sinh tham dự Cặp đôi hoàn hảo mùa thứ 2

“Bước nhảy hoàn vũ” cũng không khá hơn là bao. Dàn sao tham dự mùa thứ tư là những cái tên không mấy nổi bật như Ngọc Tình, Hồ Vĩnh Khoa, Ngô Kiến Huy, Ngọc Quyên…ngay ở tập đầu lên sóng đã bị chê… nhạt và không hấp dẫn khán giả như những mùa trước. Vẫn với một format cũ, vẫn với các điệu nhảy và cách làm nhạc cũ, khán giả không hy vọng có “cơn bão” nào từ chương trình năm nay.

Bên cạnh người chơi thì thành phần Ban giám khảo cũng luôn khiến khán giả chán ngán với những nhận xét quá nặng về chuyên môn hoặc tung hô thí sinh lên trời. Thậm chí, các giám khảo còn phủ nhận chuyên môn lẫn nhau và biến thành trò hề trên sân khấu. Đảo qua đảo lại các chương trình cũng vẫn chỉ có một số cái tên như Chí Anh, Khánh Thi, Trần Ly Ly… ở thể loại nhảy/múa, Mỹ Tâm, Quốc Trung, Huy Tuấn, Lê Hoàng, Siu Black, Việt Tú, Lê Minh Sơn… ở thể loại âm nhạc, Xuân Lan khô khan ở Vietnam Next’s Top Model…

Trần Ly Ly, Lê Hoàng, Khánh Thy trên băng ghế giám khảo "Bước nhảy hoàn vũ"

Sự khan hiếm tài năng có cá tính cùng với chiêu dàn dựng nhạt nhòa từ các nhà sản xuất đã khiến nhiều chương trình truyền hình thực tế phải khó khăn để giữ chân được khán giả.

Gameshow sẽ thoái trào?

Sự thoái trào là một điều tất yếu xảy ra sau khi phát triển đến đỉnh điểm. Truyền hình thực tế Việt Nam cũng như vậy. Mọi thứ từ motif chương trình cho đến người chơi rồi khán giả đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán, tạo ra sự thoái trào nhanh chóng.

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của truyền hình thực tế chính là sự tung hô quá mức của giới truyền thông. Nguyên liệu cho giới truyền thông lao vào mổ xẻ chính là các scandal liên tiếp, từ nghi án lộ kết quả ở The Voice – giọng hát Việt đến cuộc “khẩu chiến” của Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam, Hồ Ngọc Hà, ca sĩ Phương Thanh tố BTC “Bước nhảy hoàn vũ” chèn ép, rồi Minh Quân bị “đì” ở “Cặp đôi hoàn hảo” mùa đầu tiên… Khán giả cũng theo đó mà “sôi sục” theo chương trình.

"The Voice - Giọng hát Việt" là chương trình ồn ào nhất trong năm qua với hàng loạt scandal

Báo chí cũng có khả năng đưa những người không có tên tuổi trở thành điểm nóng chỉ sau một đêm như Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn... Thế nên, hễ có chương trình nào chuẩn bị lên sóng là khán giả lại chuẩn bị được đón những scandal mới với những gương mặt mới. Nhưng, khi các trang tin chỉ ngập tràn truyền hình thực tế với những hạt “sạn” thì khán giả lại quay lưng với chương trình.

Scandal chính là việc không tôn trọng khán giả, và đến lúc scandal nhạt dần, đến lúc khán giả quá quen với scandal thì liệu nhà sản xuất còn tạo được ra chiêu trò gì mới lạ để thu hút khán giả?

Dù rằng, mong muốn của khán giả vẫn là mong được xem một chương trình không có scandal, không ồn ào nhưng thực tế, những chương trình đang “sạch” lại chẳng thể thu hút khán giả. Bài toán khó trong việc tổ chức chương trình thuộc về các nhà sản xuất và câu hỏi đặt ra là: sau thoái trào, truyền hình thực tế Việt Nam sẽ đi theo con đường nào?./.