Hiện nay, trên các kênh truyền hình không thiếu các chương trình thực tế dành cho trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh chức năng giải trí, các chương trình này đang dần đẩy các em vào vòng xoáy lợi nhuận khi biến trẻ em thành công cụ kiếm tiền nhanh chóng cho nhà Đài lẫn đơn vị hợp tác sản xuất.
Tác động tích cực của sân chơi dành cho thiếu nhi
Là mẹ của 2 cô con gái đang ở tuổi tiểu học, chị Nguyễn Thu Vân (Quận 2, Tp HCM) rất quan tâm đến việc học tập và vui chơi giải trí của con. Chị cho biết ngoài giờ học, các con chị thường chọn các chương trình dành cho thiếu nhi trên truyền hình để xem. Hai bé rất thích các chương trình thiên về văn hóa nghệ thuật như: Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí, Vũ điệu đam mê, Gương mặt thân quen nhí…
Nhận xét về các chương trình này, chị Thu Vân cho biết: “Các bé rất thích xem các chương trình này. Một số chương trình tôi có xem qua thấy rất thú vị. Qua đó, tôi thấy đây là một sân chơi dành cho trẻ em, giúp trẻ em tự tin hơn, có cơ hội thể hiện bản thân mình nhiều hơn”.
So với vài năm về trước, chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi hiện nay đa dạng và phong phú hơn nhiều cả về nội dung và cách thế hiện. Nếu như chương trình Đồ Rê Mí do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện ra đời cách đây 7 năm chỉ nhằm mục đích ươm mầm tài năng âm nhạc, thì nay, trong các chương trình: Vũ điệu đam mê, Gương mặt thân quen nhí - các em được thử sức diễn xuất, ở Vua đầu bếp nhí - các em được thể hiện khả năng ẩm thực của mình. Không thể phủ nhận tác động tích cực của những sân chơi này mang lại.
Cô Tô Nhi A, giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh nói cho biết: “Chính những điều kiện trải nghiệm này là một trong những điều kiện tuyệt vời để trẻ em thể hiện bản thân. Từ việc thể hiện bản thân và chinh phục các thử thách do ban tổ chức đặt ra, trẻ sẽ có sự phát triển trong cấu trúc tâm lý của mình. Đó là sự phát triển về tình cảm, về năng lực, về hành vi hay kỹ năng…"
Phải biết đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu
Thế nhưng, không ít các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi đang đi ngược lại tiêu chí này. Dư luận cảm thấy xót xa khi chính những sân chơi ấy dần bị thương mại hóa. Vì mục tiêu lợi nhuận, áp lực cạnh tranh, phụ huynh lẫn nhà sản xuất cố tình sắp đặt, dàn dựng làm mất đi tính ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên của trẻ.
Một trong những chương trình tạo được ấn tượng tốt đối với người xem là chương trình Đồ Rê Mí do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thế nhưng những năm gần đây, chương trình này đã dần mất đi sự yêu mến, các em nhỏ bắt đầu thử sức làm người lớn, hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi. Không ít người xem cảm thấy lo khi các em "ăn chưa no, lo chưa tới" lại gồng mình thể hiện những ca khúc tình yêu đôi lứa, phải minh họa xúc cảm một cách thái quá và khoác vào mình những trang phục, kiểu tóc, trang điểm già dặn hơn mức cần thiết.
Anh Nguyễn Tùng, một phụ huynh ở phường 2, quận Bình Thạnh nhận xét: “Dường như chúng ta đặt nặng vấn đề mang tính kỹ thuật nhiều quá nên làm mất đi sự tự nhiên của trẻ thơ. Tôi thấy ngay cả phụ huynh xem cũng thấy hồi hộp, huống chi các em. Khi các em tham gia những chương trình như thế này, các em sẽ cảm thấy căng thẳng và điều đó khiến cho sự hồn nhiên của những đưa trẻ không còn nữa”.
Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong nỗi lo ngại về những tác động của các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi vốn dĩ đã đặt yếu tố thương mại và lợi nhuận lên hàng đầu như hiện nay. Còn với chính các em, những người trong cuộc, thay vì tham gia các chương trình truyền hình thực tế để giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm, thể hiện mình, mạnh dạn tự tin hơn trẻ lại rơi vào nguy cơ lạm dụng về thời gian, sức khỏe, thể chất dẫn đến nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý, tinh thần là điều không tránh khỏi.
Đứng ở góc độ chuyên môn, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trẻ phải thay đổi rất nhanh chóng để phải đáp ứng những yêu cầu của chương trình, như vậy sẽ bị áp lực. Tâm lý của trẻ vẫn còn mỏng manh, thậm chí người lớn đi thi còn có áp lực, nhiều người không chịu nổi còn bỏ cuộc huống chi là trẻ em. Vì thế, trẻ dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh dẫn đến stress”.
Chỉ khi nào nhà đài, đơn vị sản xuất, ban giám khảo và phụ huynh biết đặt lợi ích của các em lên hàng đầu và đứng ở vị thế của các em để xây dựng chương trình thì khi đó, truyền hình thực tế dành cho trẻ em mới thật sự trở thành món ăn tinh thần bổ ích và lành mạnh. Chương trình truyền hình thức tế lúc đó mới thực sự là sân chơi của các em./.