Ngay sau khi đêm chung kết Đồ Rê Mí kết thúc và giải nhất được trao cho cậu bé Nhật Tiến, nhiều luồng ý kiến đưa ra về "diễn xuất" của em và cho rằng, đã có bàn tay dàn dựng của người lớn để lấy nước mắt của khán giả.

Các vị giám khảo nói gì?

MC Trấn Thành là vị giám khảo nam duy nhất chương trình Đồ Rê Mí đã chia sẻ rằng: “Những gì Nhật Tiến thể hiện trên sân khấu hoàn toàn là cảm xúc thật. Tôi ví dụ rằng một đứa bé khi diễn làm cho người khác phải rơi lệ, đó cũng là sự thành công. Nhật Tiến thể hiện ca khúc này bằng cảm thụ âm nhạc, bằng tình cảm và sự chân thành của chính cậu bé…”

Ngoài ra, chàng MC vui tính này còn cho rằng khi một người nghệ sỹ lên sân khấu điều quan trọng hơn cả là truyền đạt cảm xúc đến cho người nghe và Nhật Tiến đã làm được điều đó, cậu bé chính là một nghệ sỹ nhí bước lên đỉnh cao của sân khấu.

Bên cạnh đó, Trấn Thành còn bày tỏ quan điểm riêng : “Gặp mẹ trong mơ’ không phải là bài hát viết chỉ dành cho cậu bé Udam đến từ Mông Cổ. Bài hát đó viết cho cả thế giới hát, nhân loại hát chứ không riêng gì Udam hát. Giai điệu của âm nhạc, lời ca đã khiến Nhật Tiến nghĩ đến ba mẹ của mình và khóc, đó là cảm xúc thăng hoa của một người nghệ sỹ khi đứng trên sân khấu. Đó là một cậu bé dạt dào cảm xúc”.

tran-thanh1.jpg

MC Trấn Thành (ảnh do nhân vật cung cấp)

Chàng MC của “Thử thách cùng bước nhảy” còn chia sẻ thêm rằng trước đêm thi hát ru đó, tiết mục của các bé khác đều chạy rất tốt, nhưng riêng tiết mục của Nhật Tiến thì không thể vì cứ mỗi lần đến đoạn cao trào của bài hát, Nhật Tiến lại khóc nấc, không hát được và phải dừng lại. Ba mẹ Nhật Tiến đã “dọa” rằng nếu Nhật Tiến cứ khóc mãi, các cô chú sẽ không cho đi tiếp vào vòng trong và lúc đó ai cũng thương khi Nhật Tiến nói rằng ‘Con có muốn khóc đâu, cứ tới đoạn đó là nước mắt con lại trào ra, con kìm lại không được’. Nhật Tiến đã làm được một điều quá phi thường, đó là cậu bé đã kìm nén được cảm xúc của mình để hát hết bài.

Khẳng định lại, MC Trấn Thành bày tỏ mong muốn: “Nhân đây tôi cũng xin khẩn thiết với mọi người, hãy xem chương trình chứ đừng "soi" chương trình. Bởi vì cái hay trong nghệ thuật cần được nhân rộng, cần được tiếp nối. Bài hát kia không viết để dành riêng cho em bé Mông Cổ. Nó được viết ra để tất cả mọi người cùng hát, và không phải em bé nào mồ côi mới có lí do để thể hiện ca khúc ấy. Nếu như Nhật Tiến không biểu diễn thành công thì người ta có xem xét kĩ càng như thế về tiết mục của em ấy. Điều quan trọng, Nhật Tiến đã chạm được đến trái tim của khán giả bằng chính cảm xúc chân thành của mình”.

Đồng quan điểm với Trấn Thành, ca sỹ Thái Thùy Linh cho rằng cô cảm thấy rất bất ngờ và không thể im lặng trước những ý kiến trái chiều mà bạn đọc đưa ra. Nữ ca sỹ của “Trở về” nói rằng: “Tôi vô cùng bất bình trước những ý kiến rất ngô nghê cho rằng, bé đâu có mất mẹ mà vừa hát vừa khóc, rằng bao nhiêu người yêu quý mẹ mà hát có khóc đâu, sao Tiến lại khóc… Rồi lại so sánh với phiên bản cậu bé nước ngoài mồ côi hát trên mạng. “Nghe đến lúc bé vừa hát vừa khóc mình tò mò xem bé này còn mẹ không mà vừa hát vừa khóc vậy.” Trời ơi sao phát biểu kỳ cục vậy?"

Ca sỹ Thái Thùy Linh (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ca sỹ Thái Thùy Linh cũng bày tỏ mong muốn của mình rằng: “Nếu ai không thích tiết mục trình diễn của Nhật Tiến thì cũng đừng làm tổn thương một cậu bé chỉ mới 8 tuổi như vậy và cả gia đình của Nhật Tiến nữa. Cảm xúc của Nhật Tiến, tất cả những ai từng tiếp xúc với em hay xem trực tiếp tại sân khấu ngày hôm đó đều biết những gì cậu bé thể hiện hoàn toàn là thật. Tôi mong mọi người đừng làm tổn thương một cậu bé…”.

Đồ Rê Mí đã kết thúc nhưng những gì để lại trong lòng khán giả đều là những ấn tượng đẹp. Các thí sinh tham gia Đồ Rê Mí chỉ là những em nhỏ hồn nhiên, ngây thơ. Những ý kiến trái chiều của người lớn phần nào đã vô hình chung làm tổn thương các em- những trái tim non nớt và suy nghĩ như tờ giấy trắng vậy. Các em nhỏ cần được phát triển tự nhiên bởi với các em, hồn nhiên, vô tư là điều luôn tồn tại.

Nhật Tiến với "Gặp mẹ trong mơ"

Udam dạt dào cảm xúc với ca khúc hát về mẹ

Tại sao Nhật Tiến khóc mà Udam lại không?

Trong đêm thi với chủ đề Hát ru, giọng hát và cách diễn của Nhật Tiến đã tạo nên sóng dư luận. Sẽ không có gì đáng nói nếu như cậu bé không bộc lộ những “cảm xúc” bất thường của mình. Nhật Tiến đã khóc nức nở khi thể hiện ca khúc “Gặp mẹ trong mơ” ngay trên sân khấu của Đồ Rê Mí và điều này đã khiến cho ba vị giám khảo cũng như một số khán giả có mặt tại đêm thi phải rơi lệ.

Tiết mục “Gặp mẹ trong mơ” được dàn dựng dựa trên câu chuyện cổ tích Việt Nam nổi tiếng “Sự tích cây vú sữa”. Hóa thân thành một cậu bé mải chơi, lười biếng, không chịu nghe lời cha mẹ và đến khi trở về nhà, người mẹ đó đã ra đi mãi mãi. Lúc đó cậu bé thấy ăn năn, hối hận khi nhìn lại những gì đã qua và giờ đây mọi việc dường như đã quá muộn. Cậu bé nhớ mẹ và hồi tưởng lại những kỷ niệm về mẹ qua ca khúc “Gặp mẹ trong mơ” và cả …những giọt nước mắt.

Nhật Tiến khóc nức nở khi thể hiện ca khúc "Gặp mẹ trong mơ"

Trước đó, cộng đồng mạng cũng đã từng xôn xao bởi giọng hát ngọt ngào của cậu bé Udam đến từ Mông Cổ. “Gặp mẹ trong mơ” mà Nhật Tiến thể hiện chính là ca khúc được dịch lời từ ca khúc mà Udam thể hiện. Giọng ca ngọt ngào, sâu lắng của Udam đã đưa khán giả đến với một không gian bao la, rộng lớn mà nơi đó có mẹ của em.

Cùng một câu chuyện, cùng một nội dung nhưng tại sao Nhật Tiến lại khóc mà Udam lại không hề rơi một giọt nước mắt nào? Nhiều người đặt câu hỏi: Nhật Tiến có cha, có mẹ và có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vậy sao “Gặp mẹ trong mơ” lại khiến cho Nhật Tiến phải khóc mà Udam lại không hề rơi một giọt nước mắt dù cậu bé là người đáng thương khi mất cả cha lẫn mẹ.

Udam nhẹ nhàng, tình cảm khi hát về mẹ

Rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Bạn đọc có nickname là hong.ngoc…@yahoo.com cho rằng “Tôi nghĩ kết quả này hoàn toàn xứng đáng với bé, từ show hát ru, Nhật Tiến đã làm cho cô phải khóc theo…”.

Bạn đọc phuongthuy…@yahoo.com nói “Đã bước lên sân khấu thì mọi cảm xúc đều là thật. Mình thấy cậu bé này rất chân thành, hát có cảm xúc và chan chứa tình cảm. Nhật Tiến hát hay và mình luôn ủng hộ Nhật Tiến”.

Còn bạn đọc tuanquang…@yahoo.com lại cho rằng: “Có người thế này có người thế kia. Có nhiều người mau nước mắt thì họ dễ khóc và Nhật Tiến cũng thế thôi, cậu bé ấy chỉ là một đứa trẻ thì rất dễ khóc. Giờ khóc cũng bảo là giả tạo mà không khóc thì bảo là vô cảm. Tôi tin Nhật Tiến khóc thật và có cảm xúc thật…”.

Bạn đọc thutrang…@yahoo.com nói ngắn gọn rằng: “Biểu diễn là phải diễn. Thế thôi”.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với “cậu bé khóc” vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều khác được đưa ra. Bạn đọc hanhvu…@gmail.com chia sẻ rằng: “Xem Đồ Rê Mí, mình ấn tượng với Nhật Tiến bởi mỗi khi hát về mẹ, cậu bé này thường hay khóc. Như trước đây, khi hát ‘Đêm nay mẹ trực đêm’ và bây giờ là ‘Gặp mẹ trong mơ’ cậu bé luôn khóc nức nở trên sân khấu, điều này khiến mình tò mò rằng cậu bé còn mẹ hay không mà khóc nhiều thế? Thế nhưng biết mẹ cậu bé vẫn còn thì mình thấy rằng cảm xúc của cậu bé…giả tạo. Chẳng lẽ cứ hát về mẹ mà lại khóc nhiều đến vậy sao?”

Đồng quan điểm với hanhvu… là bạn đọc quynhphuong…@gmail.com. Bạn đọc này cho rằng “Nhật Tiến còn cha, còn mẹ, còn gia đình tại sao lại khóc mỗi khi hát về mẹ. Còn Udam mất cả cha lẫn mẹ lại không hề khóc. Udam hát bằng trái tim, bằng tình cảm và bằng khao khát. Nhật Tiến thực ra chỉ hát và khóc bằng…kịch bản mà thôi”.

Trong khi đó bạn đọc aolang_@yahoo... lại nêu rõ quan điểm của mình rằng: “Người lớn chúng ta toàn làm hại trẻ em. Thí sinh này khóc giả, không bằng tâm hồn ấu thơ của mình mà bằng chính kịch bản mà người lớn dạy. Chẳng xứng đáng chút nào”./.