Tối 29/1 (tức mùng 5 Tết Canh Tý), chương trình sân khấu hóa, tái hiện bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa diễn ra trang trọng tại Công viên Tao Đàn, TPHCM.

Chương trình nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung cùng các tướng sỹ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc và 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 -2020).

vov_ngoc_hoi_1_ptxu.jpg
Tiết mục tái hiện lại các chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn.

Tại lễ hội kỷ niệm, các đại biểu, nhân dân cùng ôn lại chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải cờ đào Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, qua các tiết mục được dàn dựng công phu.

Vào năm 1788, lợi dụng cơ hội Lê Chiêu Thống cầu viện phát binh đánh nhà Tây Sơn, triều đình Mãn Thanh đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân, tiến vào nước ta nhằm xâm chiếm Đại Việt.

Trước tình hình cấp bách thù trong, giặc ngoài, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung, ra lệnh tiến quân ra Bắc. Quân Tây Sơn chia làm 5 đạo, đạo quân chủ lực do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đánh vào mặt chính Nam đã vượt sông Gián Thuỷ, mở màn cuộc đại phá quân Thanh.

Chương trình sân khấu hóa, tái hiện bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.

Quân Tây Sơn đi đến đâu, các đồn tiền tiêu của giặc: Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo, Hạ Hồi... lần lượt bị hạ, bắt sống hàng vạn quân Thanh. Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 30/1/1789), Hoàng đế Quang Trung với áo bào xám đen khói súng đã ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân tiến vào Kinh thành Thăng Long... trong sự vui mừng của nhân dân lập nên Triều đại Tây Sơn.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu khẳng định tầm vóc của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Đây là chiến công vĩ đại hiển hách đi vào lịch sử chống ngoại xâm. Là sự hội tụ cao của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho tinh thần quả cảm trước mọi kẻ thù xâm lăng./.