“Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội” là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học thực tiễn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội tổ chức sáng 7/10. Hội thảo là kết quả của cuộc khảo sát thực tế, trao đổi tọa đàm tại các quận huyện và các khu di tích lịch sử và thắng cảnh trong địa bàn Hà Nội.

hoang-thanh.jpg
Khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long

Hơn 30 tham luận của nhiều nhà nghiên cứu di sản văn hóa, nhà quản lý  đã tập trung làm rõ tầm quan trọng của cộng đồng cư dân, những chủ thể của di sản trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó trong đời sống hôm nay, cũng như làm thế nào để hướng dẫn, giáo dục và giúp cộng đồng hiểu rõ vai trò của mình đối với nhiệm vụ giữ gìn tài sản của cha ông.

Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nôi cho biết: Hiện nay, Thủ đô Hà Nội có hơn 5.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích được UNESCO ghi danh và hơn 1.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đó, nhân dân, dòng họ, cộng đồng chính là chủ thể đã xây dựng các công trình tín ngưỡng – tôn giáo để thờ cúng tổ tiên, tổ nghề và người có công với nước. Đồng thời, chính người dân và cộng đồng đang giữ gìn, tôn tạo và phát huy di sản truyền thống mà cha ông để lại.“Thời gian qua, Nhà nước tăng cường quản lý và cộng đồng tham gia bảo tồn văn hóa. Người dân tham gia rất tốt, tu bổ rất tốt nhưng thiếu sót là có, như ở chùa Trăm Gian là có nhưng ở mức nhất định thôi. Hội thảo này chúng tôi muốn báo động cho xã hội rằng, sự nghiệp bảo tồn phát triển di sản là của nhà nước và nhân dân nhưng vai trò của nhân dân rất quan trọng. 60-70% nguồn dầu tư tu bổ di tích là của cộng đồng nhưng phải có quản lý nhà nước, hướng dẫn đầy đủ thì việc bảo vệ, tu bổ mới tốt hơn”, tiến sỹ Lưu Minh Trị cho biết.

Trong Công ước bảo vệ đa dạng văn hóa 2003, UNESCO đã khẳng định: “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Đồng thời, UNESCO cũng đánh giá cao sự tham gia của người dân trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất có tính quyết định trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cho rằng: Vai trò của cộng đồng chỉ có thể phát huy tối đa trong trường hợp tạo dựng và duy trì được sự đồng thuận cao nhất trong cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng sẽ đạt được mục tiêu bảo tồn và chuyển giao di sản văn hóa dưới dạng nguyên gốc cho các thế hệ tương lai và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ tinh thần của cộng đồng gắn với phát triển du lịch bền vững.

Hội thảo cũng nghe nhiều ý kiến góp ý của các địa phương như: Hà Đông, Sơn Tây, Chương Mỹ... Đa số các ý kiến đều cho rằng: trong tương lai, cần thiết phải xây dựng một đề án về việc tuyên truyền, định hướng và nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về những giá trị kiến trúc - nghệ thuật đích thực để tránh việc chạy theo “mốt” ngoại lai làm biến dạng di tích.Những ý kiến từ hội thảo này sẽ được Hội Di sản văn hóa Thăng Long tập hợp để trình lên Sở VHTT&DL Hà Nội, từ đó xây dựng những chính sách hợp lý cho công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Thủ đô trong thời gian tới./.