Mấy ngày nay, chuyện thù lao (catse) của ca sỹ lại “nóng” lên từ việc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định loại ca sỹ Mỹ Tâm bị khỏi chương trình ca nhạc của cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế lần thứ 6 do ra giá quá cao 6.000 USD.

Mỹ Tâm khẳng định cô không đưa ra giá này, trong khi đó, công ty Sơn Lâm (đơn vị “thầu” cuộc thi trình diễn pháo hoa) thì khẳng định đã làm việc với người quản lý của Mỹ Tâm và thương thảo mức giá này.

mtamidol.jpg
Mỹ Tâm làm giám khảo Vietnam Idol 2012 (ảnh: Ân Nguyễn)

Với nhiều người am hiểu về showbiz thì với vị trí “ca sỹ hạng A” như Mỹ Tâm, mức thù lao 6.000 USD là hoàn toàn bình thường trong một chương trình sự kiện có quảng cáo, kinh doanh, hay hát tại vũ trường...

Theo tiết lộ của một “ông bầu” ca nhạc, hiện nay, giá của các ca sỹ hạng “sao” như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh,…đều trên dưới 100 triệu/sô diễn.

Còn đối với những ca sỹ vừa bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế Vietnam Idol, Giọng hát Việt…như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn,…giá thù lao cũng ở mức từ 10-60 triệu đồng/sô diễn.

Riêng với những ca sỹ hải ngoại lần đầu về nước, có sức hút mạnh như Bằng Kiều, Quang Lê, Chế Linh…, giá thù lao thậm chí còn lên tới hàng chục nghìn USD hay hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ với dòng nhạc trẻ, nhạc thị trường, các ca sỹ thuộc dòng “nhạc đỏ” như Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Dương, Việt Hoàn,…giá thù lao của họ cũng ở mức không hề kém cạnh, khoảng 10-20 triệu đồng/sô diễn.

Bùi Anh Tuấn bước ra từ "Giọng hát Việt" ngay lập tức giá thù lao đã lên mức 10-30 triệu đồng (ảnh: BHYT)

Khi mức giá thù lao này được công khai trên báo chí, không ít khán giả cảm thấy bất ngờ và “choáng váng”. Trong những ngày qua, trên mạng xã hội và trên phần bình luận ở các trang báo, nhiều độc giả đã bày tỏ ý kiến “bất bình” khi so sánh mức giá thù lao này với chuyện thu nhập của công nhân, người lao động trí óc. Có người cho rằng quá vô lý, bất công khi người lao động làm việc quần quật 1-2 năm trời mới chỉ bằng ca sỹ hát một bài hát trong 5 phút.

So sánh như vậy có phần khiên cưỡng và khập khiễng bởi trên thực tế do đặc thù của nghề ca hát “thu nhiều cũng phải chi nhiều”. Hơn thế, việc ra giá thù lao giữa ca sỹ và “ông bầu” hoàn toàn là chuyện thuận mua, vừa bán. Trong các chương trình ca nhạc kinh doanh, quảng cáo, sự kiện lớn…chính nhà tổ chức, “ông bầu” cần tới ca sỹ để kéo tài trợ, quảng cáo và bán vé, thu hút khán giả.

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ mức thù lao cao hay thấp và cao bao nhiêu thì vừa, quan trọng hơn là việc ca sỹ đó có nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ hay không?

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Cục Thuế TP.HCM vừa lật lại hồ sơ khai thuế của nhiều “sao” đình đám trên thị trường hiện nay trong ba năm, từ 2009-2011. Trong danh sách này, nhiều sao ca nhạc dù nhận thù lao mỗi bài hát lên đến vài ngàn USD/sô diễn nhưng nộp thuế còn thua người làm công ăn lương.

Mới đây, tại họp báo quý 1/2013 của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Vũ Thị Mai chủ trì, các phóng viên đặt câu hỏi "Thuế thu nhập của giới nghệ sĩ trong kỳ quyết toán thuế năm nay có lặp tình trạng thu nhiều – nộp ít như những năm trước hay không” nhưng đã không nhận được câu trả lời từ đại diện bộ này. Phải chăng, cơ quan quản lý vẫn gặp khó khi thu thuế thu nhập từ giới nghệ sỹ(?!)
Theo báo cáo mới nhất, đến chiều 11/4 chỉ có 44 trong tổng số 210 nghệ sỹ được gửi thư mời đến kê khai thuế. Đứng đầu danh sách “đen” của cơ quan thuế là một nữ ca sỹ nhạc thị trường thuộc dạng top đầu thù lao cao vậy mà năm 2010, số thuế phải nộp của cô chỉ có 30,6 triệu đồng, đến năm 2011 con số này giảm đột ngột chỉ còn hơn 8,1 triệu đồng.

Một nam ca sĩ thuộc hàng thù lao cao nhất hiện nay nộp trong năm 2011 chỉ ở mức 373 triệu đồng. Không đồng ý, cơ quan thuế đã mời ca sĩ này lên kê khai lại thì số thuế phải nộp của ca sĩ này tăng thêm 400 triệu đồng, lên mức 773 triệu đồng.

Rất nhiều ca sỹ hiện nay không chỉ cố tình giấu giếm thu nhập với cơ quan thuế mà còn có các chiêu để làm giảm thu nhập chịu thuế. Phổ biến nhất là lập công ty riêng và mọi giao dịch gì liên quan tới ca sỹ này đều phải thông qua công ty riêng mà đại diện là người quản lý, cũng là người nhà của chính “sao” này. Từ đó, công ty sẽ ký hợp đồng lại với chính sao với tiền thù lao thấp hơn rất nhiều so với mức thực tế. Dĩ nhiên lợi nhuận thu được cũng do chính ngôi sao này hưởng. Một chiêu khác là thể hiện giá thù lao trên giấy tờ thấp hơn thực tế, giá mỗi sô vài chục triệu nhưng chỉ ghi vài triệu đồng...

Thị trường âm nhạc cũng như các thị trường kinh doanh khác đều rất nghiệt ngã và sòng phẳng. Một ca sỹ phải trải qua quá trình dài mới có thể thăng hạng lên “sao” đạt mức thù lao “khủng” nhưng mức giá này cũng sẽ tỷ lệ thuận với độ “đình đám” của tên tuổi. Có lẽ vì thế, cốt lõi của câu chuyện ồn ào về giá thù lao ca sỹ nên chốt lại bằng việc mỗi ca sỹ phải làm tròn nghĩa vụ công dân, phải đóng thuế đúng theo Luật thuế thu nhập cá nhân. Mọi hành vi trốn thuế, gian lận thuế hay lách luật của họ đáng bị lên án hơn là việc ra giá cao hay thấp./.