Dòng tranh nổi tiếng của Hà Nội - tranh dân gian Kim Hoàng, làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức đang phải đối mặt với một thực tế: Không còn có một nghệ nhân nào theo nghề trong khi ấy, số lượng bản khắc của dòng tranh này cũng không nhiều. Tranh dân gian Kim Hoàng đang đứng trước mối lo “mất nghề”.

1_yodd.jpg
Chủ tọa của tọa đàm "Tranh dân gian Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị". (Ảnh: Lê Bích)

Vừa qua, buổi tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Việt Nam” (do Bảo tàng Hà Nội kết hợp với Bảo tàng Gốm sứ tổ chức) đã quy tụ các nhà nghiên cứu mỹ thuật, các họa sĩ, nghệ nhân tranh dân gian Việt Nam từ ba miền Bắc, Trung, Nam. Buổi tọa đàm đã đưa đến 5 bản tham luận về tính minh triết trong tư duy nghệ thuật của tranh dân gian Việt Nam, đồng thời cùng thảo luận để tìm ra hướng phát huy tranh dân gian trong bối cảnh hiện tại.

Ông Lê Đình Nghiên là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề, ông chỉ có duy nhất một người nối nghiệp, đó là cậu con trai - họa sĩ trẻ Lê Hoàn. Anh Hoàn theo cha học nghề tranh từ khi còn nhỏ, đến giờ đã có thể thạo nghề.

Họa sĩ Lê Hoàn - con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang biểu diễn bức tranh Hàng Trống truyền thống trong biểu triển lãm.

Trong triễn lãm “Giới thiệu 12 dòng tranh dân gian Việt Nam” lần này, anh Hoàn đã thực hiện những bức tranh Hàng Trống truyền thống, trong số đó có bức tranh “Tứ phủ công đồng” lớn nhất từ trước đến giờ với kích cỡ 1,4x1,8m.

Công đoạn làm tranh Hàng Trống khá đặc biệt, từ in ngửa ván, sau đó bồi giấy và sau đó làm màu. Công việc đòi hỏi sự cần mẫn, khéo tay, tỉ mỉ, nhưng trên hết là niềm đam mê dành cho nghề làm tranh truyền thống. Anh Hoàn cho biết, số lượng người theo nghề rất ít cho nên lượng tranh Hàng Trống để bán mỗi dịp lễ Tết cũng như để quảng bá cũng không nhiều.

May mắn hơn dòng tranh Kim Hoàng hay tranh Hàng Trống, dòng tranh dân gian Đông Hồ vẫn còn có hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam duy trì được nghề của cha ông để lại. Giữa một thực tế, người làng tranh Đông Hồ đã bỏ nghề và chuyển sang làm hàng mã, ông Nguyễn Đăng Chế vẫn miệt mài với công việc của dòng họ.

Ông cũng may mắn được một người bạn Pháp tặng lại hàng trăm mẫu tranh dân gian trong đó có những mẫu tranh rất hiếm của làng Đông Hồ và làng Kim Hoàng. Riêng với những bức tranh Đông Hồ, ông Nguyễn Đăng Chế cho biết, nếu điều kiện cho phép ông sẽ tiếp tục in những mẫu tranh Đông Hồ quý hiếm này, đưa số lượng đề tài tranh lên đến hơn 200. Đó cũng là một cách làm sống dậy tranh dân gian Đông Hồ đang dần mai một ngay giữa làng nghề nó.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ về tranh dân gian Đông Hồ và tranh dân gian Kim Hoàng.

Ông Nguyễn Đăng Chế cũng muốn gửi gắm số lượng mẫu tranh dân gian Kim Hoàng tới các nghệ nhân của làng nghề này, với hy vọng, cùng chung tay phát huy những giá trị truyền thống của tranh dân gian Việt Nam.

Dường như những nghệ nhân của 12 dòng tranh dân gian Việt Nam đều đang hy vọng một “phép màu” nào đó để hồi sinh một di sản văn hóa của dân tộc. PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Việt Nam cũng chia sẻ: Tranh dân gian Việt Nam hiện tại đã và đang được quan tâm, được sưu tầm và giới thiệu tại một số bảo tàng trên cả nước, tổ chức đưa tranh dân gian đến các buổi lễ di sản, quảng bá văn hóa dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình trình bày tham luận trong tọa đàm. (Ảnh: Lê Bích)

Tuy nhiên, PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Huế ngoài việc giới thiệu tới công chúng đôi nét về tranh làng Sình truyền thống, ông còn chia sẻ niềm hy vọng rằng các cơ quan nhà nước có thể tôn trọng niềm tin của nghệ nhân trong ý nghĩa tranh làng Sình, đồng thời quảng bá rộng rãi vẻ đẹp bản địa trong tranh dân gian làng Sình nói riêng và tranh dân gian Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh xã hội hiện tại, việc làm phát triển trở lại các làng nghề truyền thống trở nên khó khăn. Lý do có thể kể đến như tập quán chơi tranh không còn, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh không đủ để duy trì hoạt động sản xuất, khan hiếm nguồn nguyên liệu truyền thống.

Hơn thế nữa, tồn tại thực trạng đáng buồn khi một số hộ gia đình đục bỏ chữ Hán, chữ Nôm trên các tranh dân gian truyền thống.

Nghệ nhân của các làng tranh dân gian Việt Nam vẫn đang mong mỏi một giải pháp trước hết là để cứu lấy làng nghề của cha ông để lại, nhưng hơn tất cả, là để giữ lại một nét văn hóa truyền thống đang dần mai một.

Đọc lại những câu thơ của Hoàng Cầm trong “Bên kia sông Đuống”, thế hệ trẻ tương lai sẽ phải hiểu “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” như thế nào khi các làng tranh dân gian Việt Nam cứ ngày một lụi tắt?/.