Trước sự gia tăng cả về quy mô và số lượng các lễ hội, làm nảy sinh một số hiện tượng bất thường, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đặt những người làm công tác quản lý văn hóa tại lễ hội trước những yêu cầu cần phải chấn chỉnh, đảm bảo để các lễ hội diễn ra vừa kế thừa những giá trị truyền thống, vừa phát huy những yếu tố mới, phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Trước mùa lễ hội 2015, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.
P.V:Thưa ông! ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý lễ hội hiện nay?
Ông Phạm Xuân Phúc: Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình đối với hoạt động lễ hội, đã có nhiều giải pháp, biện pháp chỉ đạo cụ thể, quyết liệt trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn cả nước. Qua sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành văn hóa và của cả hệ thống chính trị thì công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Có thể nơi này, nơi kia còn xảy ra những cái mà nhân dân, các nhà quản lý không mong muốn nhưng dưới góc độ thanh tra, kiểm tra tôi khẳng định đã đạt được những kết quả tốt đẹp, tiến bộ.
P.V: Nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý hoạt động lễ hội hiện nay đang thiếu sự đồng nhất giữa các Bộ, ban, ngành, vậy thực tế của vấn đề này là như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Phúc: Gọi là một hoạt động lễ hội nhưng trong đó chứa đựng rất nhiều hoạt động khác. Như hiện nay tại một số di tích, lễ hội xuất hiện những người lang thang, hành khất thì theo chức năng quản lý nhà nước, vấn đề này thuộc quản lý của ngành thương binh, xã hội, phải có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và tập trung những người đó về trung tâm bảo trợ xã hội.
Hay như những hoạt động vui chơi có thưởng, nhưng trả thưởng bằng tiền, đấy thực chất là đánh bạc trá hình, móc túi, trộm cắp, hay những hành vi vi phạm về phòng chống cháy nổ… để kiểm tra, phát hiện và xử lý phải là ngành Công an… Vì vậy, để hoạt động lễ hội hàng năm diễn ra đúng quy định cũng như đúng mong đợi của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân hưởng thụ văn hóa tâm linh, tạo không khí vui tươi phấn khởi thì các cấp, các ngành phải vào cuộc một cách đồng bộ, trách nhiệm và quyết liệt.
P.V:Theo ông, chế tài xử phạt của ta đã đủ mạnh để xử lý các sai phạm chưa?
Ông Phạm Xuân Phúc: Ở từng lĩnh vực như cờ bạc, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đốt đồ mã không đúng nơi quy định hay xem bói, rút thẻ, lên đồng phán truyền thì có những chế tài xử phạt. Nhưng để đạt đến mức độ răn đe thì tôi cho rằng chưa đạt. Nên có trường hợp vẫn cố tình vi phạm.
Hiện nay trong thực tiễn còn có rất nhiều hành vi chưa có chế tài xử lý. Ví dụ, những các hộ kinh đoanh đổi tiền lẻ, gọi là đổi nhưng thực chất là họ kinh doanh đưa 100.000 đồng chỉ được 70.000 đồng tiền lẻ nhưng chưa có chế tài nào xử phạt cả. Bên cạnh đó, hiện tượng chen lẫn xô đẩy cũng không có chế tài nào xử phạt được… cho nên chế tài còn thiếu nhiều. Chủ yếu là vận động, truyên truyền, giáo dục, còn áp dụng các biện pháp hành chính thì cũng còn cân nhắc,
P.V: Vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Thanh tra Bộ đã có kế hoạch, biện pháp gì để mùa lễ hội năm 2015 diễn ra tốt đẹp và đạt được những yêu cầu đề ra?
Ông Phạm Xuân Phúc: Mùa lễ hội năm 2015, Thanh tra Bộ cũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội, kiểm tra công tác quản lý và hoạt động lễ hội khi diễn ra. Trước Tết Nguyên Đán có 3 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ở Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Bình, Nam Đinh, Hải Dương, Quảng Ninh. Sau Tết Nguyên Đán khi mà các lễ hội diễn ra, tiếp tục có 4 đoàn do Bộ trưởng và các thứ trưởng dẫn đầu sẽ tiến hành kiểm tra công tác quản lý, công tác tổ chức lễ hội tại các tỉnh thành phố.
Ngoài ra lãnh đạo Bộ còn có những cuộc kiểm tra đột xuất. Riêng Thanh tra Bộ, chúng tôi xây dựng kế hoạch kiểm tra cả công tác chuẩn bị lễ hội, công tác tổ chức và quản lý lễ hội khi lễ hội diễn ra, sẽ tiến hành kiểm tra khoảng 60 lễ hội trên địa bản cả nước.
P.V:Xin cảm ơn ông./.