Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có lễ hội tổng kết, rà soát thực trạng lễ hội tràn lan, bằng các biện pháp tổng hợp tuyên truyền, vận động giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức ứng xử có văn hóa theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung này:

P.V: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc triển khai như thế nào, thưa ông?        

Ông Phan Đình Tân: Trên cơ sở Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Bộ, ngành xây dựng tiêu chí cho lễ hội, Bộ đã giao cho các cơ quan chức năng rà soát và nghiên cứu truyền thống lễ hội đó để tham mưu cho các địa phương cái gì cần giữ, cái gì nên bỏ. Sau mùa lễ hội này, chúng tôi tổ chức hội thảo đánh giá lại các tiêu chí.

chem_l2_dxfn_jpg_xvyb.jpg
Lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) sẽ được xem xét lại (Ảnh: Tri Thức)
Tiêu chí của lễ hội phải dựa vào giá trị văn hóa của nó, còn những lễ hội như: Chém lợn, đâm trâu, chạy lợn… thì cần phải xem xét lại. Bởi những lễ hội này nếu đặt trong bối cảnh, hoàn cảnh nào đó thì có thể chấp nhận được. Ví dụ như để tổ chức thành một nghi lễ, hạn chế tối đa người tham gia chứ không phải đem ra giữa sân đình cho hàng nghìn người chứng kiến cảnh đó. Làm như thế chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa khác.

Đồng ý là lễ hội phải đông người nhưng đông người trong trật tự, văn minh khác với đông người lộn xộn với những gương mặt dữ dội, cầm cả những vũ khí lạnh đứng giữa đám đông là không ổn và những tiêu chí như thế thì cần loại bỏ, phi văn hóa phải loại bỏ.

Cảnh hỗn loạn trong hội cướp phết Hiền Quan (Ảnh: Quang Trung)
P.V: Với các lễ hội như: chém lợn, đâm trâu, chạy lợn… và ngay cả Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Lễ hội đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia cũng đều có những hành động sát sinh mà nhiều nhà quản lý văn hóa mong muốn loại bỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lại mong muốn giữ lại. Vậy theo ông chúng ta nên ứng xử như thế nào với việc này? 

Ông Phan Đình Tân: Chỉ có một số, còn một số nhà nghiên cứu khác lại đồng ý là nên loại bỏ còn nếu muốn thực hành nghi lễ đó thì phải điều chỉnh. Có những cái cần khu biệt lại như chặt đầu lợn giữa sân đình thì không nên, hết sức phản cảm. Chúng ta không thiếu gì những hình thức sinh hoạt cộng đồng vui vẻ, hào hứng, ai cũng mong đến như hái lộc đầu xuân, bốc thăm trúng thưởng, vật, trèo cây nêu… còn những cái bạo lực trong lễ hội dù là hình thức nào thì cũng nên loại bỏ. Tiêu chí đó không phải là lễ hội, bởi lễ hội phải là nơi sinh hoạt cho mọi người vui, hạnh phúc chứ không phải lễ hội là nơi người ta đến mua sự phiền toái.

Tuy nhiên, để thận trọng cũng như sự đồng thuận của các nhà khoa học, nghiên cứu, nhân dân sẽ lấy ý kiến rộng rãi. Trước mắt, dự kiến sẽ có hướng dẫn các tỉnh có những lễ hội này không tiến hành tuyên truyền quảng bá và có ứng xử văn hóa với lễ hội của mình. 

P.V:Xin cảm ơn ông./.