Đây là chương trình được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền từ Đài Truyền hình MBC, Hàn Quốc để sản xuất phiên bản Việt. Tại Hàn Quốc, chương trình khi mới phát sóng tập đầu, “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đã tạo nên một cơn sốt truyền hình với khán giả Hàn Quốc. Cơn sốt “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” bắt đầu lan ra khắp các nước Châu Á theo con đường Internet khi cư dân mạng đua nhau dịch, chia sẻ và bình luận về chương trình.
Bắt đầu lên sóng VTV3 vào 12 giờ thứ Bảy hàng tuần từ 1.11 tới, 26 tập “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” phiên bản Việt mùa đầu tiên hứa hẹn sẽ “gây bão” tại Việt Nam. Chương trình sẽ mang đến cho người xem những hình ảnh thú vị về cách mà các ông bố nổi tiếng xử lý tình huống, qua đó mô tả những va chạm thật sự trong các mối quan hệ bố-con trai và bố-con gái. Các tình huống trong chương trình là những bài học bổ ích cho các ông bố ở các độ tuổi khác nhau, nêu cao trách nhiệm của người cha trong gia đình, cùng chung sức với người mẹ nuôi dạy con cái.
Hết lời ca ngợi tính nhân văn và ý nghĩa thiết thực mà chương trình đã mang lại cho người chơi, nhưng các ông bố tham gia chương trình cũng không quên “tố khổ” về những thử thách chương trình đưa ra để bố con họ phải vượt qua. Đạo diễn Trần Lực vốn ban đầu chỉ hình dung là đi theo hộ tống con tham gia cuộc chơi, nhưng ai dè khi nhập cuộc thì “bố cũng phải chơi đằng bố, con chơi đằng con”. Nhạc sĩ Minh Khang thì bày tỏ thực sự bị sốc, đến mức có lúc “rớt nước mắt” và suýt bỏ cuộc giữa chừng. “Quá khốc liệt” là nhận định của MC Phan Anh khi nói về cảm nhận ban đầu mới tham gia cuộc chơi khiến anh từng “oán trách” người đã mời mình nhập cuộc.
Chính yếu tố bất ngờ đối với ngay cả những người chơi vốn đã dày dạn kinh nghiệm showbiz khiến cho “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” có điểm đặc biệt và khó có được ở các chương trình thực tế khác, đó là tính chân thật, sự sáng tạo, bất ngờ và sự ngây thơ đáng yêu của những đứa trẻ. Đây là một chương trình không hề có kịch bản được dàn dựng sẵn, cũng không có khái niệm “diễn xuất”.
Tất cả mọi hành động của các cặp bố con đều hoàn toàn tự nhiên. Chính vì sự tự nhiên đó nên trong quá trình quay, có rất nhiều tình huống phát sinh vượt ra khỏi sự tưởng tượng của mọi người, kể cả những người làm chương trình. Các ông bố thì nổi tiếng, nhưng những đứa trẻ thì hành động giống như bao đứa trẻ khác, và do đó, có thể nói chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” nói nhiều về những đứa trẻ hơn là các ông bố. Điểm đáng yêu, ngây thơ và luôn có những hành động không thể ngờ tới đã tạo ra một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”.
Phiên bản Việt của “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” được một đội ngũ làm chương trình cực kỳ chuyên nghiệp đảm nhận. Tổng đạo diễn Nguyễn Nam cùng các đạo diễn của VFC như đạo diễn NSƯT Trọng Trinh, đạo diễn Đức Hiếu, Trọng Khôi, Gia Phương, Việt Đức đều đã có không ít kinh nghiệm với các chương trình truyền hình thực tế hay những thế mạnh trong kể chuyện, khai thác tâm lý trẻ nhỏ. Đây cũng là lần đầu tiên một chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam sử dụng một số lượng máy quay lên đến gần 20 chiếc với nhiều chủng loại khác nhau, đảm bảo không bỏ lỡ bất cứ thời khắc nào của các cặp bố con./.