Còn khoảng 2 tuần nữa, liên hoan sẽ bắt đầu, cho dù công việc chuẩn bị trải dài từ trong Nam ra ngoài Bắc, nhưng không khí luyện tập tại các đơn vị tham gia đang vào cao điểm với sự nôn nao, náo nức, cùng nhiều cố gắng cho một cuộc chơi nghệ thuật đầy đam mê, nhiều sắc màu, nhiều thử thách ganh đua nhau… Đặc biệt, cuộc liên hoan này gần như là một báo cáo tổng lực với Tổ Nghề sau 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương nên càng có ý nghĩa nhiều hơn.
Năm nay, ngoài các đơn vị nghệ thuật công lập, điểm mới đáng chú ý nhất của liên hoan năm nay là khuyến khích các đơn vị xã hội hóa tham gia dự thi. Theo đó các đơn vị sẽ thi tại đơn vị của mình mà không cần biểu diễn dự thi tại địa diểm của đơn vị đăng cai. Điều này sẽ giúp các đơn vị xã hội hóa an tâm hơn, bởi giảm áp lực kinh phí khi đến với sân chơi lớn này.
Poster vở cải lương "Người đồng bằng". |
Theo thông tin từ Ban tổ chức, hiện có khoảng 25 đơn vị với gần 30 vở diễn đã đăng ký dự thi. Một số đơn vị đã chuẩn bị vở diễn nhưng chưa quyết định dự thi vì đã có những kế hoạch cho “live show” hoặc nhận lời làm một số chương trình biểu diễn từ trước. Tuy nhiên, với con số hiện tại thì đã quá ấn tượng và phấn khởi cho một kỳ liên hoan. Sự mở rộng và không hạn chế đề tài, liên hoan năm nay hứa hẹn sẽ bùng nổ với nhiều câu chuyện mới lạ hấp dẫn.
Lần đầu tiên Long An đăng cai tổ chức liên hoan sân khấu cải lương, cũng là áp lực, nhưng lại là một niềm vui, vinh dự hết sức lớn lao đối với địa phương, đặc biệt Long An cũng có thể được xem là cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ.
Trong những ngày giới sân khấu đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương nên việc tổ chức liên hoan tại đây đặc biệt có ý nghĩa, nơi đây hiện đang đặt bài vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, một vị hậu tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, ông đã góp phần hình thành củng cố và phát triển 20 bản tổ nhạc tài tử.
Đoàn nghệ thuật cải lương Long An, sẽ mang tình đất, tình người Long An đến với liên hoan qua kịch bản “Cuộc đời của mẹ”, một tác phẩm được đặt viết riêng cho liên hoan này. Câu chuyện mong tạo được những dấu ấn riêng với đồng nghiệp và khán giả cả nước.
Với truyền thống và uy tín của một trong những đơn vị cải lương lớn nhất phía Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang luôn tạo được sức hút và sự quan tâm lớn từ công chúng trong mỗi kỳ liên hoan. Đây cũng là đơn vị đang sở hữu nhiều tài danh với 3 đoàn hoạt động vô cùng sôi nổi.
Kỳ liên hoan này, Nhà hát lần đầu tiên để các nghệ sĩ trẻ thử sức với các tuyến nhân vật chính, riêng các nghệ sĩ “cây đa cây đề” sẽ đảm nhận vai trò dàn bao để các nghệ sĩ trẻ được thỏa sức sáng tạo và tỏa sáng với tài năng của mình.
Vở cải lương "Hiu hiu gió bấc". |
Ba kịch bản mang 3 màu sắc khác nhau: “Hiu hiu gió bấc”, “Tình yêu thời chiến” và “Ngày ấy họ đều còn trẻ” là thử thách mà Nhà hát Trần Hữu Trang dành cho các nghệ sĩ của mình tại kỳ liên hoan này.
Một đơn vị nghệ thuật mạnh của khu vực miền Đông Nam bộ luôn có duyên với các kỳ liên hoan hội diễn, liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng lớn toàn đoàn đó là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Năm nay nhà hát tham gia liên hoan với 2 kịch bản: “Hồi sinh” và “Anh hùng di hận”.
Đây là lần đầu tiên nhà hát thử sức ở đề tài mới về y học nên luôn cố gắng để vở diễn mang đậm chất trữ tình sâu lắng vốn có của loại hình này chứ không khô khan hô hào khẩu hiệu.
Khu vực Tây Nam bộ nơi tập trung nhiều đoàn cải lương lớn cũng đang chuẩn bị ráo riết cho kỳ liên hoan năm nay. Một trong những đơn vị tiêu biểu và khá danh tiếng của khu vực này là Đoàn Văn công Đồng Tháp, đã có 60 năm truyền thống.
Chọn kịch bản về đề tài nông thôn mới là một thử thách không nhỏ trong dàn dựng và diễn xuất, vì nếu không khéo sẽ dễ thành kiểu tuyên truyền khô cứng, mất đi tính mượt mà, trữ tình. Tuy nhiên, “Người đồng bằng” với sự đầu tư chỉnh chu và sức trẻ của các diễn viên hứa hẹn sẽ mang đến hương vị thật đặc biệt, đủ sức lôi cuốn hấp dẫn khán giả.
Nhà hát cải lương Việt Nam, một đơn vị cải lương rất mạnh ở phía Bắc đến liên hoan trong 2 kịch bản: “Ngạ quỷ” và “Chiếc áo thiên nga”. Đạo diễn NSUT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc nhà hát cải lương Việt Nam, đã thành công trong vở cải lương “Thầy Ba Đợi” quy tụ nghệ sĩ ba miền Nam- Trung- Bắc vừa diễn ra đợt 30/4/2018, kỳ vọng sẽ có một kỳ liên hoan với nhiều bài học nghề bổ ích từ các anh chị em đồng nghiệp.
Vở cải lương "Ngạ quỷ". |
Anh chia sẻ: “Thông qua kỳ liên hoan này mong có được có được tiếng nói đồng nhất để tìm ra định hướng phát triển chung cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Có lẽ đó là niềm khao khát lớn nhất ở thời điểm này của các nghệ sĩ.”.
Cũng là một đơn vị mạnh của dòng cải lương Bắc, Nhà hát cải lương Hà Nội mang đến liên hoan kỳ này hai vở “Nước mắt không chảy ngược” và “Những tầm lòng vàng”. Liên hoan lần này có một “giọng” cải lương cũng khá đặc biệt, mang hơi thở của biển và có chút hương vị giao thoa cải lương Bắc- Nam qua vở “Thất lạc giữa gia đình” mang đề tài xã hội đương đại khá “nóng”.
Sân khấu của nghệ sĩ Kim Tử Long trở lại liên hoan sau hơn 10 năm vắng bóng tại các kỳ liên hoan hội diễn với kịch bản “Rạng Ngọc Côn Sơn”. Nghệ sĩ phấn khởi chia sẻ: “Các chương trình xã hội hóa thì rất hiếm hoi, năm nay được sự mở rộng của ban tổ chức cho các chương trình xã hội hóa tham gia, đó là 1 tín hiệu tốt, tạo nên sức lan tỏa cho sân khấu cải lương.
NSƯT Vũ Luân cũng đã về nước và hào hứng trên sàn tập vở cải lương "Hồn của đá" tham gia liên hoan. Sân khấu cải lương Lê Hoàng lần đầu tiên tham gia liên hoan với vở kinh điển “Thái hậu Dương Vân Nga” trong một diện mạo sáng tạo mới mẻ.
Cũng như mọi kỳ liên hoan, trường ĐHSKĐA TP. HCM luôn mang đến nhiều sáng tạo độc đáo, khẳng định uy tín của ngôi trường góp phần đào tạo nhiều tài danh sân khấu. Kịch bản “Tổ quốc nơi cuối con đường”, được đặt hàng riêng để tham dự liên hoan là ẩn số của năm nay.
Vở diễn quy tụ đến 100 diễn viên cho toàn bộ tuyến nhân vật, và kỳ vọng, các nghệ sĩ sẽ tham dự hết mùa liên hoan để xem, học tập hết cái hay cái đẹp của nhau, sự chỉnh chu, triết lí của cải lương miền Bắc, sự phóng khoáng trong ca từ của cải lương miền Nam.
100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam còn đó nhiều trăn trở và không ít những khó khăn để tồn tại và phát triển, hy vọng kỳ Liên hoan 2018 này sẽ là cơ hội đề sân khấu cải lương Nam- Bắc bổ sung cho nhau, xích lại gần nhau, cùng chung tay giúp nghệ thuật sân khấu cải lương ngày càng phát triển mạnh mẽ, bảo tồn một “di sản” văn hóa độc đáo của người Việt./.