Mỗi năm ở nước ta có hàng nghìn lễ hội được tổ chức trên khắp mọi miền. Sự đa dạng về hình thức tổ chức, cách thức thể hiện đã mang lại sự phong phú cho hình ảnh một đất nước của lễ hội. Tuy nhiên, với những biến tướng, quan niệm sai lệch đã làm mất dần đi nét đẹp tự nhiên của lễ hội. Cứ mỗi độ xuân về, các nhà quản lý lại phải ngồi lại để bàn thảo các giải pháp quản lý Lễ hội, nhưng dường như mọi việc vẫn chưa có những chuyển biến tích cực.

lehoi2272x1704jpg-090144.jpg

Hơn 7.000 lễ hội được tổ chức hàng năm trong cả nước.

Trong hơn 7.000 lễ hội được tổ chức hàng năm, thì chỉ tính trong tháng giêng Âm lịch, con số lễ hội lớn nhỏ đã là hơn 1.500 và thường tập trung ở Bắc bộ. Ngay từ đầu năm, sau những “bức xúc” về công tác tổ chức Lễ hội từ các địa phương, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức các đoàn kiểm tra Lễ hội tại các địa phương như chùa Hương, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội); đền Trần, quần thể di tích lịch sử Phủ Giầy (Nam Định); đền Trần, đền Tiên La, chùa Keo (Thái Bình); đền Và, chùa Mía, chùa Thầy (Hà Nội); đền Hùng, chùa Âu Cơ (Phú Thọ); chùa Bái Đính, đền Đinh-Lê (Ninh Bình) và đền Sóc (Hà Nội), đền Cửa Ông, Yên Tử (Quảng Ninh) và khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương).

Theo tổng hợp từ Thanh tra Bộ Văn hoá, chính quyền địa phương và Ban tổ chức các lễ hội đã thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong lễ hội; khu vực trong và ngoài khuôn viên nơi tổ chức lễ hội, di tích được tu sửa, nâng cấp để phục vụ nhân dân tham gia trẩy hội; có phương án đảm bảo an ninh trật tự cho du khách, giải tỏa các lều quán lấn chiếm đường đi, tăng cường phương tiện, phương án phòng cháy, chữa cháy.

Công tác vệ sinh môi trường trong một số lễ hội, di tích được quan tâm và có nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các Lễ hội vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập.

Ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Bộ VH-TT&DL cho biết, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đông của người đến tham dự lễ hội, yếu tố tâm linh suy giảm… gây ra những cảnh chen lấn như việc xếp 75 điểm phát ấn đền Trần; tình trạng xâm hại di tích, tuỳ tiện tu sửa tôn tạo không xin phép đã phá vỡ kiến trúc vốn có của di tích như việc xây mới nhà 5 gian miếu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy, đặt tượng nghê đá ở Sóc Sơn, dựng bia công đức trên lưng rùa ở chùa Keo; việc đặt tiền công đức vương vãi khắp nơi, tình trạng ăn xin, trộm cắp vẫn còn; xu thế tự nâng cấp lễ hội đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Qua công tác thanh tra cũng ghi nhận trăn trở của nhiều địa phương như những nhận xét của ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL: “Sự phối hợp giữa các ban ngành quản lý ở các địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên xử lý các sai phạm chưa được thực hiện kịp thời. Thanh tra văn hoá tại các địa phương với lực lượng mỏng nên không tham gia nhiều vào thanh tra liên ngành. Mô hình quản lý di tích, lễ hội thực hiện phân cấp nên rất đa dạng, nhưng chưa nêu trách nhiệm rõ ràng. Nhiều di tích cấp quốc gia còn chưa có Ban quản lý nên việc quản lý di tích gặp rất nhiều khó khăn".

Để khắc phục những tồn tại này, năm 2012, thanh tra Bộ Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các địa phương tăng cường và nâng cao tính tự chủ. Với các địa phương có di tích và lễ hội cấp quốc gia cần nhanh chóng thành lập Ban quản lý; tăng cường tuyên truyền giáo dục nhân dân địa phương và khách trảy hội những hiểu biết về vệ sinh môi trường, an toàn, phòng chống cháy nổ; tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa và nội dung lễ hội, chủ động thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trong mùa lễ hội.

Về phía Bộ VH-TT&DL cũng cần sớm đưa ra các chế tài xử lý vi phạm về quản lý lễ hội, phổ biến và chỉ đạo các địa phương về phân cấp tổ chức, tránh tình trạng đua nhau tổ chức lễ hội lớn về quy mô nhưng lại yếu về khâu tổ chức, dẫn đến tình trạng lộn xộn.

Về kế hoạch thanh tra các lễ hội năm 2012, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Bộ tổ chức thanh tra trên diện rộng, riêng cấp Bộ thanh tra 17 tỉnh với 50 điểm có 15 di tích, như vậy trong mùa lễ hội mới này sẽ có nhiều lễ hội được thanh tra. Trong 63 tỉnh thành, Bộ sẽ thực hiện thanh tra trong 17 tỉnh, còn lại sẽ giao trực tiếp cho các địa phương. Trước và trong mùa lễ hội, đích thân lãnh đạo Bộ sẽ đi thanh tra, và việc này thanh tra Bộ đã đi từ trước,điều này rất đáng hoan nghênh.

Tuy đã và đang được thanh, kiểm tra theo từng năm, nhưng những bất cập lễ hội vẫn còn tồn tại. Với việc tổ chức thanh tra trên diện rộng như năm nay, Bộ VH-TT&DL “hi vọng” sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Song chừng nào người dân chưa ý thức được vai trò chủ thể của mình trong các lễ hội thì dẫu có thanh tra, kiểm tra xong thì mọi việc đâu vẫn vào đấy./.