Đặc biệt không khí năm nay trên vùng này càng thêm phần sôi động và tự hào khi tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức “Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia Địa Đạo Gò Thì Thùng ” 

Địa đạo Gò Thì Thùng- một kỳ tích anh hùng

 Từ sáng sớm khi màn sương còn giăng trên khắp các dải núi phía Tây Nam huyện Tuy An, đã có rất đông người từ các nơi đổ về hướng núi Gò Thì Thùng để tham dự một ngày lễ hội đặc biệt.

Ngày lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng và Ngày hội đua ngựa truyền thống xã An Xuân.   Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Phạm Ngọc Chi, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ôn lại truyền  thống lịch sử vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam suốt 79 năm qua; Quá trình chiến đấu chiến thắng của quân dân Phú Yên trong các cụôc kháng chiến và lịch sử xây dựng địa đạo Gò Thì Thùng.   Địa đạo Gò Thì Thùng nằm ở Vùng 2 nay là thôn Xuân Thành xã An Xuân huyện Tuy An. Ở độ cao 440 m so mặt nước biển, nơi đây là một vùng đồi gò đất đỏ bazan rộng hàng trăm ha, khá bằng phẳng, quanh năm khí hậu mát mẻ ôn hoà. Về mặt quân sự Gò Thì Thùng nằm cạnh ranh giới 3 huyện Đồng Xuân, Tuy An và Sơn Hoà.

ngua-1.jpg
Vùng phụ cận Gò Thì Thùng có địa hình núi đồi hiểm trở, là nơi lực lượng bộ đội chủ lựcvà du kích địa phương dễ dàng cơ động bố phòng đánh bại nhiều đợt càn quét của địch.   Khi đế quốc Mỹ đang tiến hành cuộc Chiến tranh đặc biệt tại miền Nam, để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, bảo vệ vùng giải phóng và sẵn sàng đối phó với âm mưu, hành động mở rộng chiến tranh của địch, ngày 22/4/1966, Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy An thống nhất xây dựng hệ thống công sự địa đạo tại gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân.   Ngày 10/5/1964, địa đạo Gò Thì Thùng bắt đầu  khởi công trong điều kiện hết sức khó khăn bằng những phương tiện thô sơ. Để tránh địch phát hiện việc xây dựng địa đạo được tiến hành vào ban đêm. Công việc diễn ra suốt 15 tháng với hàng chục nghìn nhân công tham gia, đến tháng 8/1965 địa đạo Gò Thì Thùng được hoàn thành. 

Địa đạo Gò Thì Thùng ngoài đường hầm chính và các đường nhánh dài 2km, sâu 5 mét, xung quanh có có hệ thống giao thông hào chằng chịt dài 10km liên thông với nhau và thông với địa đạo.   Địa đạo Gò Thì Thùng tạo nên 1 trận địa liên hoàn, thật sự kiên cố và cũng từ công trình quân sự này đã tạo nên những trận đánh lớn và chiến thắng vang dội vào chiến dịch mùa khô năm 1966. Tiêu biểu vào ngày 24/6/1966 dựa vào công sự địa đạo bộ đội chủ lực và du kích địa phương đã đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn không vận của Mỹ, tiêu diệt tại chỗ hàng trăm tên và bắn rơi 9 máy bay. Đây là trận tiêu diệt Mỹ lớn nhất của quân dân tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Địa đạo Gò Thì Thùng nơi lưu dấu chiến công to lớn của quân đội và nhân dân Phú Yên trên 43 năm qua nay đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng. Hàng ngàn cán bộ nhân dân trong tỉnh đã vượt hàng chục km đường đèo dốc hiểm trở để tham dự lễ đón nhận bằng di tích lịch sử trong niềm vui hân hoan.  

Ngày hội đua ngựa có một không hai ở miền Trung và Tây Nguyên  

Đất An Xuân, An Lĩnh huyện Tuy An (Phú Yên) nằm trải dài trên dãy núi cao đến hàng trăm mét so với mặt nước biển, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 nơi đây giao thông đi lại khó khăn. Muốn vận chuyển hàng hóa nông sản về xuôi trao đổi, bán chác đều phải dùng ngựa thồ. Cho nên trong xã An Xuân có đến hàng trăm con ngựa thồ được xem là vốn liếng của các hộ gia đình.  

Cùng với những chú ngựa thồ đầy kiêu hãnh hàng ngày cõng gạo, cõng muối vượt đèo cao là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng. Không chỉ có ngựa tại đây còn có một khu gò rộng phẳng hàng trăm ha là Gò Thì Thùng. Với lợi thế ngựa nhiều, gò rộng, đám trai tráng trong làng trong 3 ngày xuân mới bày ra trò đua ngựa. Hội đua ngựa ở An Xuân bắt đầu biết đến từ thời (1945-1954), đầu tiên là thôn 2 nay là thôn Xuân Thành, sau phát triển rộng ra cả xã với tính chất "cây nhà lá vườn" của đám thanh niên trai tráng trong làng.   Sau ngày giải phóng, trên vùng đất đỏ An Xuân này vẫn còn nhiều khó khăn, ngựa vẫn còn là phương tiện giao thông phổ biến trong vùng. Thế rồi những bậc bô lão trong làng xưa kia là những kỵ mã oai hùng đã bày cho đám con cháu khôi phục việc đua ngựa. Mới đầu chỉ là tự phát, qua nhìều năm Hội đua ngựa An Xuân đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của Phú Yên trong dịp Tết Nguyên đán.  

Cả nhà ăn  bánh xem đua ngựa

Tranh thủ trước giờ khai hội, chúng tôi làm quen với các kỵ sĩ “chân đất”. Thật vậy những người tham gia đua ngựa ở đây khi lên lưng ngựa không hề mang dép, đội mũ gì cả. Chỉ có sự quyết tâm đua đến cùng. Kỵ sĩ Võ Ngọc ở thôn Xuân Thành - 1 trong 32 người tham gia hội đua ngựa năm nay đã đến tuổi 56, là người cao tuổi nhất tham gia kể lại: “Cách đây chừng hơn 10 năm An Xuân vẫn còn nhiều cơ cực. Mỗi khi xuân về tết đến đám trai tráng trong làng thường tụm 5, tụm 7 chơi bầu cua, cờ bạc, nhiều thanh niên đi nơi khác chơi xuân...  

Thấy vậy một số người đem ngựa ra đua. Ông Chín nói: "Mục đích ban đầu là thu hút, giữ chân thanh niên khỏi chơi cờ bạc. Mới đầu chỉ mới 5-3 con ngựa của thôn 2 trổ tài, sau mỗi năm phát triển thêm một số thôn khác và dần dần qua các năm trở thành ngày hội đua ngựa truyền thống của xã".   Còn em Biện Công Diễn nhà ở An Xuân là kỵ sĩ nhỏ tuổi nhất mới 14 tuổi đang học lớp 8, cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tham gia. Chưa lên đường đua nhưng em tự tin lắm, bởi nhà em nuôi ngựa nên em cưỡi hoài thành quen rồi. Đây là phong trào địa phương có nét đẹp văn hoá truyền thống nên em xin phép nghỉ buổi học để tham gia”.  

Em Cao Danh Dự cùng lớp với Biện Công Diễn cho biết cả tháng nay cứ chiều chiều các em mang ngựa lên gò để tập luyện. “Té miết rồi cũng quen, nên trên đường đua này phải quyết tâm dành giải với các bậc đàn anh”.   Nét độc đáo của ngày hội đua ngựa ở xã An Xuân là ngựa đua chính là ngựa của những nông dân dùng để thồ hàng hóa hằng ngày. Độc đáo hơn nữa là trong 32 kỵ mã tham gia tranh tài đều là “ngựa cái”. Ông Đặng Thanh Sơn phân trần: “Toàn bộ vùng này từ trước đến giờ chỉ nuôi toàn ngựa cái. Mới có 2 con ngựa đực được tỉnh mua cho để nhân giống thì không thể đem ra đua được”.  

Các kỵ sĩ cũng chính là những nông dân thứ thiệt trên vùng đất đỏ chân lấm tay bùn. Trường đua là một gò đồi rộng nền đất được đầu tư san ủi bằng phẳng và trồng cỏ phẳng phiu. Đường đua rộng thoải mái với 1 lượt đua đủ cho 5 chú ngựa tha hồ vùng vẫy. Tường chắn chỉ là những dây gai buột vào hàng rào bằng cây rừng thô sơ. Nhiều lúc ngựa chạy lấn cả người xem.  Tuy nhiên  không vì sự đơn giản dân dã ấy mà những phen tranh tài kém phần hấp dẫn. Chị Mai Ngọc Lan một du khách ở thành phố Tuy Hoà lần đầu lên đây xem đua ngựa phấn khích nói: “Tôi thấy việc tổ chức đua ngựa ở đây là một nét đẹp văn hoá khó nơi nào có được. Ngựa nhỏ con những phi như trong phim xem thích lắm”.  

Kỵ mã Thái Văn Sáu đoạt giải

Nhìn những chú ngựa thồ nhỏ thó, với những kỵ mã cũng có trọng lượng "vừa sức ngựa" vô tư thi tài trong mịt mù bụi đất ai cũng say sưa tán thưởng. Và chính vì thế mà ngày hội thu hút khách thập phương. Tuy nhiên trong lúc phong trào đang lên, qui mô ngày hội đua ngựa ngày càng mở rộng, lại gặp phải sự khó khăn lớn.   Chủ tịch xã An Xuân Đặng Thanh Sơn cho biết: Năm nay số lượng ngựa ở An Xuân giảm đi rõ rệt, chỉ còn 50 con, bằng một nửa số ngựa trước đây. Ông trăn trở, không biết vài năm nữa, An Xuân có còn ngựa để phục vụ hội đua truyền thống hay không? Bởi vì những năm qua hệ thống giao thông đi lại được nhà nước đầu tư, phương tiện cơ giới vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, người dân làm ăn khá hơn nên thay vì nuôi ngựa thồ hàng, họ đã mua xe công nông, xe tải nhẹ. Và những chú ngựa thồ không còn cách nào khác buộc phải rời chủ ra đi. Trước ngày khai hội cũng đã có 2 con ngựa tốt bị bán đi…

Dẫu chưa có giống ngựa tốt, ngựa chưa nhiều, kỹ thuật đua chưa cao, nhưng không vì thế mà mùa xuân này trên đất An Xuân kém phần sôi động. Hàng ngàn người từ khắp mọi nơi đến xem đua ngựa Gò Thì Thùng như vẫn còn nuối tíêc với khung cảnh, khí hậu trên vùng đất đỏ bazan, nơi hàng ngày vẫn còn những chú ngựa thồ lầm lũi cùng với con người đang tạo nên nét đẹp đầy kiêu hãnh về 1 vùng đất anh hùng./.