Nổi bật trong năm là 2 series phim truyền hình “Cô gái xấu xí” và “Những người độc thân vui vẻ” (đều chuyển thể từ những kịch bản phim đã thành công của nước ngoài) với cách làm phim được coi là khá mới mẻ ở nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là thử thách lớn đối với những người làm phim, vì với dạng phim sitcom (phim hài tình huống) như vậy, vừa có ưu điểm là dễ lôi cuốn người xem, vừa làm vừa... rút kinh nghiệm, nhưng đồng thời cũng dễ chường ra những hạn chế.

Nếu như những tập đầu của “Cô gái xấu xí” hấp dẫn khán giả bao nhiêu thì càng đi xa, bộ phim càng trở nên nhạt nhẽo và phi lý bấy nhiêu. Dường như người xem không hiểu ý tưởng chủ đạo của bộ phim nhằm vào mục đích giáo dục hay giải trí, bởi cả hai tiêu chí này ngày càng trở nên “xa xỉ” đối với bộ phim.

Trong khi đó, “Những người độc thân vui vẻ” sau một số tập đầu bị khán giả đánh giá là nhạt, cũ, với cách diễn và những gương mặt cũng rất cũ của kíp diễn viên trong “Gặp nhau cuối tuần”, thì bộ phim ngày càng có nhiều thay đổi để hấp dẫn người xem, vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục một cách nhẹ nhàng.

Một loạt phim truyền hình dài tập: “Chàng trai đa cảm”, “Nữ bác sỹ”, “Bỗng dưng muốn khóc”... rất đáng để phát vào khung “giờ vàng” của VTV. Không giáo dục một cách máy móc, nặng nề, xa rời thực tế, đây là những bộ phim có nội dung giản dị, giàu tính nhân văn, xuất hiện đâu đó trong đời sống thường nhật của chúng ta, cho dù đó không phải những con người điển hình và những hoàn cảnh điển hình.

Bên cạnh đó, đây là những bộ phim được coi là “sạch sẽ”, với dàn người mẫu, diễn viên đẹp, cảnh quay nét, lời thoại hấp dẫn, tiết tấu nhanh... cũng đủ để lôi cuốn người xem. Không ngoa khi cho rằng “Bỗng dưng muốn khóc” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã làm nên một hiện tượng của phim truyền hình Việt Nam năm 2008.

Lần đầu tiên, một bộ phim phía Nam đã lôi kéo được khán giả của cả nước, từ người trẻ đến người già, cái khoảng cách khá lớn về thị hiếu người xem mà nhiều năm rồi, những người làm phim loay hoay mãi vẫn không tìm được lời giải, cuối cùng đổ lỗi là... do đặc trưng văn hoá vùng miền: khán giả phía Nam thiên về nhu cầu giải trí, khán giả phía Bắc khó tính hơn, cần một cái gì đó... nghệ thuật hơn, sâu sắc hơn.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng tuyên bố: “Tôi làm phim cho người nghèo”. Đó cũng là một cách nói, nhưng quan trọng hơn là Vũ Ngọc Đãng đã làm được cái điều mà anh từng khẳng định: “Nếu nói đến chức năng của phim, thì chức năng giải trí phải được đặt lên hàng đầu rồi mới đến chức năng giáo dục. Nếu anh đặt chức năng giáo dục của phim lên hàng đầu, thì thà tìm đến một cuốn sách còn hơn”.

Người xem không quan tâm đến câu chuyện trong “Bỗng dưng muốn khóc” có thật trong cuộc đời này hay không, chỉ biết rằng, đó là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, đẹp, lãng mạn và có hậu, đặc biệt là khả năng diễn xuất chuyên nghiệp của lứa diễn viên trẻ, đẹp. Cho dù đâu đó vẫn còn “căn bệnh mãn tính” của phim truyền hình Việt Nam là “câu giờ” nhưng dễ được khán giả bỏ qua bởi sức hấp dẫn của nó.

“Nữ bác sỹ” cũng là một bộ phim được coi là ít sạn. Đề tài phim xoay quanh tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, vấn đề bất cập của ngành y, dược nước ta... cũng khá hấp dẫn người xem. Không có nhiều kịch tính, nút thắt, nút mở, nhưng “Chàng trai đa cảm” của đạo diễn Trần Trung Dũng đã mang đến cho người xem những xúc cảm nhẹ nhàng, dễ chịu.

Đang chiếu trên VTV1 là “Gió làng Kình”, đề tài về nông thôn. Ở bộ phim này, người xem thấy hơi hướng của “Ma làng”, ít gương mặt diễn viên mới, tuy nhiên, bộ phim lại hấp dẫn người xem ở lời thoại, tiết tấu phim nhanh, và đặc biệt là sự có mặt của một số diễn viên nổi tiếng với một dạng vai như Hồng Sơn, Bùi Bài Bình, Quang Hải..., đã “làm mới mình” ở những vai diễn hoàn toàn trái ngược với những vai từng thể hiện trước đó.

Nếu như điểm mặt những bộ phim truyền hình được phát trên VTV trong năm 2008, dễ thấy độ vênh trong cách làm phim hiện nay giữa hai miền Nam - Bắc. Nếu như xem một số bộ phim phía Nam, người xem có cảm giác những người làm phim có sự đầu tư bao nhiêu thì rất nhiều bộ phim phía Bắc thể hiện sự cẩu thả của người làm phim bấy nhiêu: diễn viên diễn xuất kém, lời thoại ngô nghê, tình huống lê thê hết tập nọ sang tập kia...

Số lượng phim miền Bắc chiếu trên VTV lớn hơn nhiều so với số lượng phim phía Nam, nhưng số phim để lại ấn tượng trong lòng khán giả không nhiều. Không thể đổ lỗi cho sự khác biệt về thị hiếu của khán giả giữa các miền, bởi ngay chính khán giả phía Bắc còn quay lưng lại chứ nói gì đến chuyện đi chinh phục khán giả cả nước./.